Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

ĐH An Ninh không tổ chức thi khối C?

Tạp Chí Giáo Dục

Năm trước đề đã thi thì năm sau sẽ không thi? Muốn học văn bằng 2 thì phải làm sao? Em thuộc khu vực ưu tiên nào? Dùng kết quả thi năm trước để xét tuyển năm nay? Trung cấp an ninh có thi tuyển? Liệu trường có xét tuyển NV2 năm nay không?…


Thí sinh tham dự kì thi ĐH năm 2009 (Ảnh: Việt Hưng)

Hỏi: Em có nghe nói trong 5 tác giả thi đại học khối D Bộ GD-ĐT đã giảm bớt 2 tác giả, thông tin đó có đúng không? Và 2 tác giả đó là những ai? Em muốn biết có phải 1 tác phẩm thi đại học rồi thì 3 năm liền sau đó không cho thi tác phẩm đó nữa đúng không? Và làm cách nào để em có thể suy luận để giảm bớt những tác phẩm phải ôn? Em cũng muốn hỏi câu nghị luận xã hội thì thường xoay quanh những vấn đề nào?( cobemuadong.1912@gmail.com)
Trả lời:
Đến thời điểm này Ban tư vấn vẫn chưa nghe thông tin mà em trình bày ở trên. Theo Ban tư vấn thì không thể có chuyện này, Bộ GD-ĐT không bao giờ có chuyện hạn chế hoặc khoanh vùng để cho thí sinh ôn tập. Nguyên tắc ôn tập là bám sát chương trình SGK phổ thông hiện hành và theo cấu trúc đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ.
Theo thông tin từ lãnh đạo Cục khảo thí thì về cơ bản cấu trúc đề thi không khác so với năm 2009, chính vì thế em nên tìm phần cấu trúc năm 2009 để bố trí ôn tập cho tốt.
Việc ra đề thi trải qua rất nhiều bước. Sau khi thành lập ban ra đề thi thì sẽ tiến hành ra đề thi. Từ những đề thi đó sẽ ngẫu nhiên lấy ra một số đề để phân tích đánh giá sau đó mới quyết định chọn lấy một đề thi chính thức và một đề thi dự bị. Do quy trình như vậy nên không thể có chuyện 3 năm sau không cho thi về nội dung đó nữa.
Theo Ban tư vấn, việc thi ĐH là đánh giá một cách toàn diện nên không thể chủ quan khoanh vùng ôn tập được mà cần phải ôn tập dàn trải toàn bộ chương trình đã học.
Thông thường các câu hỏi nghị luận xã hội thường bám sát với các sự kiện đời sống hàng ngày (liên quan đến ứng xử, giáo dục). Theo kinh nghiệm của Ban tư vấn thì một trong những điểm cần phải chủ ý đó là có thể các sự kiện giáo dục trong năm sẽ là ý tưởng để Ban ra đề lựa chọn đưa vào đề thi.
Em đang là sinh viên năm nhất của 1 trường đại học, năm nay em muốn thi lại trường khác, nhưng khi lên xin ý kiến nhà trường thì thầy hiệu trưởng nói phải viết đơn nghỉ học rồi mới được đi thi nếu không sẽ bị xử lí theo quy chế là đuổi học và cấm thi đại học 2 năm liên tiếp có phải không? Nếu em vẫn tiếp tục học trường này nhưng vẫn thi thì có sao không? Em rất lo lắng vì quy chế tuyển sinh này, vì năm trước điểm thi đại học của em cũng tương đối (khối A:19) nhưng không đậu nguyện vọng 1 phải nguyện vọng 2 học trường dân lập mà em không thích. (hoangnh89@gmail.com)
Theo quy chế thì sinh viên các trường ĐH, CĐ muốn được dự thi lại phải được sự đồng ý của Ban giám hiệu nhà trường. Nếu em xác định ngành học không phù hợp với mình thì có thể làm thủ tục thôi học trước khi dự thi.
Còn nếu chưa được sự đồng ý của nhà trường mà em dự thi thì nhà trường hoàn toàn có thể can thiệp để em không được phép nhập học ở trường mới và sẽ xử lý em theo quy chế.
Tuy nhiên, thực tế nhiều năm cho thấy nhiều bạn sinh viên dự thi lại trong khi chưa được sự đồng ý của Ban giám hiệu đều chưa bị xử lý theo quy chế. Trong trường hợp muốn rút hồ sơ gốc tại trường học trước đó thì các bạn sẽ phải bồi thường một khoản kinh phí đào tạo.
Theo Ban tư vấn thì em nên trình bày nguyện vọng của mình với Ban giám hiệu, chắc chắn các thầy sẽ không làm khó dễ em đâu. Việc làm này là cần thiết để tránh những rắc rối có thể xảy ra sau khi em đã trúng tuyển trường mới.
Em có đọc được tin là năm nay ĐH-CĐ- Trung Cấp an ninh không thi khối C nữa có phải không? (khoanglang1bonghinh2805_9x@yahoo.com.vn)
Do em không nói rõ nghe nguồn tin ở đâu nên Ban tư vấn không thể kiểm tra thông tin này.
Vào thời điểm hiện tại Ban tư vấn chưa nghe thông tin ĐH An Ninh không tuyển sinh khối C. Theo dữ liệu tuyển sinh của Bộ GD-ĐT thì năm 2010, ĐH An Ninh vẫn thi tuyển 3 khối là A,C,D1.
Em đang học trường ĐH Kinh tế kỹ thuật công nghiệp năm thứ 2 ngành Tài chính Ngân hàng. Vậy sau khi em tốt nghiệp trường này em muốn học thêm văn bằng 2 kế toán trường HV Ngân hàng có được không? Nếu được thì em phải làm những gì?( nguyen.dung900@gmail.com)
Tất nhiên là hoàn toàn được phép. Theo quy định tuyển sinh văn bằng 2 thì những để được dự thi thì yêu cầu đã tốt nghiệp ĐH (không phân biệt chính quy hay không chính quy).
Để dự thi văn bằng 2 vào trường HV Ngân hàng thì em cần theo dõi thông tin thời gian nhà trường cấp phát hồ sơ tuyển sinh văn bằng 2. Em chỉ việc mua hồ sơ sau đó nộp và đăng ký dự thi.
Em đang là sinh viên trường ĐH năm thứ 2. Em sinh ngày 23/03/1990 và năm nay muốn được dự thi vào ĐH Cảnh sát. Vậy em đã quá tuổi dự thi chưa?( cuongktr@gmail.com)
Theo quy định của Bộ công an đối với những thí sinh ngoài quân nhân để được dự thi vào khối các trường của ngành phải không quá 20 tuổi tính đến ngày dự thi.
Ở đây em sinh ngày 23/03 nên tính đến ngày dự thi đã quá 20 tuổi nên không đủ điều kiện để ĐKDT.
Cả 3 năm học em đều học tại trường THPT Tô Hiệu- Thường Tín Hà Nội niên khóa 2006-2009. Năm 2009 khi em dự thi đại học em được hưởng khu vực 2 nông thôn, vậy em xin hỏi năm nay năm 2010 em dự thi đại học thì em có được hưởng khu vực 2 nông thôn nữa hay không?( cuongcongtu91@yahoo.com.vn)
Theo quy chế tuyển sinh thì điểm ưu tiên khu vực tính theo nơi thường trú của trường THPT mà thí sinh học. Quy định này áp dụng cho tất cả các thí sinh đang học THPT hoặc đã tốt nghiệp THPT trước đó.
Hiện nay theo bảng phân chia khu vực thì Huyện Thường Tín-Hà Nội thuộc KV2-NT nên khi dự thi em sẽ được hưởng mức điểm ưu tiên của khu vực này.
Em có tìm hiểu trước cuốn “những điều cần biết về tuyển sinh đại học và cao đẳng năm 2009”. Em có 1 số thắc mắc như sau: Em thấy có một số trường ghi “không thi tuyển mà lấy kết quả thi đại học của những thí sinh đã dự thi khối A,D theo đề thi chung của Bộ để xét tuyển trên cơ sử hồ sơ đăng kí xét tuyển của thí sinh”- ko ghi rõ dự thi năm nào, một số trường lại ghi “Không tổ chức thi mà xét tuyển những thí sinh đã dự thi đại học theo đề chung của Bộ năm 2009 vào các trường đại học”. Liệu 2 điều này có khác nhau không?
Trước hết phải khẳng định với em, kết quả tuyển sinh của năm nào chỉ có giá trị xét tuyển ở năm đó và không còn giá trị để tham gia xét tuyển ở các năm kế tiếp.
Việc cuốn “Những điều cần biết…” ghi “không thi tuyển mà lấy kết quả thi đại học của những thí sinh đã dự thi khối A,D theo đề thi chung của Bộ để xét tuyển trên cơ sử hồ sơ đăng kí xét tuyển của thí sinh” là có thiếu sót. Cách ghi phía dưới mà em nêu thì mới chính xác.
Ban tư vấn cho em hỏi trung cấp an ninh năm nay có tổ chức thi tuyển sinh không ạ? nếu có thì em phải làm những thủ tục gì?( lucky_in_my_life1992@yahoo.com.vn)
Theo quy định của Bộ công an thì những thí sinh dự thi hệ ĐH của khối các trường công an mà chưa trúng tuyển sẽ có cơ hội được chuyển xuống hệ TCCN. Việc đăng ký học hệ trung cấp sẽ được cán bộ tuyển sinh hướng dẫn kỹ càng trong ngày em đến làm thủ tục dự thi.
Việc xét tuyển vào hệ trung cấp theo nguyên tắc lấy điểm liền kề từ cao xuống thấp theo chỉ tiêu của công an từng đơn vị, địa phương.
Nói một cách dễ hiểu thì em có thể tham khảo thí dụ sau: Một tỉnh A có 50 thí sinh dự thi và số thí sinh trượt ĐH là 40, chỉ tiêu hệ TCCN mà Bộ công an cấp cho tỉnh A là 15 thì nguyên tắc xét tuyển sẽ lấy điểm từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu trong phạm vi 40 thí sinh trượt.
Em cũng nên lưu ý điều này: Không phải địa phương nào cũng sẽ được cấp chỉ tiêu hệ TCCN mà tùy theo từng năm và nhu cầu của từng địa phương thì Bộ công an mới cấp.
Nếu em học ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh nhưng học ngành ngoài sư phạm thì có được miễn học phí không?( hoanglequocdat@gmail.com)
Theo quy định thì chỉ có những thí sinh theo học hệ sư phạm của các trường ĐH, CĐ (bao gồm cả khối trường sư phạm và các trường ĐH có đào tạo hệ sư phạm) thì mới được miễn học phí. Đối với các ngành ngoài sư phạm thì sinh viên vẫn phải đóng học phí theo quy định của nhà nước.
Em muốn hỏi là hiện em là SV năm 1 trường ĐH dân lập ở Nha Trang, em muốn làm hồ sơ thi lại ĐH. Em định làm thi vào trường ĐH Ngoại ngữ ở Huế, trường này có điểm thi Anh văn nhân hệ số 2, nếu không đậu trường đó em có thể làm NV2 vào trường ĐH Nha Trang được không? Trường ĐH Nha trang có xét NV2 không? Nếu xét thì vẫn giữ nguyên điểm tính theo hệ số 2 môn Anh văn hay sao? Em quê ở Quảng Bình thì giờ em phải làm hồ sơ ĐKDT nộp ở đâu, vì em còn đi học nữa?( hoangmai..girl91@yahoo.com)
Em cần lưu ý điều này: Những thí sinh không trúng tuyển NV1 muốn được tham xét tuyển NV2 (hoặc NV3) thì phải có điểm thi đạt từ mức điểm sàn ĐH, CĐ của Bộ GD-ĐT trở lên.
Chỉ có những thí sinh đáp ứng được điều kiện này thì mới được cấp giấy chứng nhận điểm thi để làm hồ sơ tham gia xét tuyển NV2, NV3.
Việc em có thể làm hồ sơ tham gia xét tuyển NV2 hay không còn phụ thuộc là trường ĐH Nha Trang có còn chỉ tiêu xét tuyển NV2 hay không. Bên cạnh đó em cũng phải xem trường có xét tuyển NV2 khối em dự thi, em có thuộc vùng tuyển của trường hay không?…
Vào thời điểm này thì không thể biết trường có xét tuyển NV2 hay không. Tuy nhiên qua các năm tuyển sinh vừa qua thì trường vẫn dành rất nhiều chỉ tiêu để xét tuyển NV2. Tuy nhiên do trường chỉ tuyển sinh một số ngành khối D1 nên sự canh tranh xét tuyển NV2 đối với khối thi này sẽ khó khăn hơn.
Việc trường ĐH Nha Trang có tính nhân hệ số ngoại ngữ hay không phụ thuộc vào ngành tuyển sinh. Nếu ngành em đăng ký chỉ tính hệ số 1 môn ngoại ngữ thì điểm em tham gia xét tuyển sẽ là tổng điểm 3 môn em dự thi (tất nhiên là chỉ lấy điểm thực của ngoại ngữ mà không nhân hệ số).
Theo quy định thì thí sinh tự do được phép nộp hồ sơ ở bất kỳ tuyển Sở GD-ĐT nào mà gần nơi mình cư trú nhất hoặc có thể nộp trực tiếp tại các trường ĐH, CĐ. Tuy nhiên hồ sơ ĐKDT có phần yêu cầu xác nhận của chính quyền địa phương vì thế khi làm hồ sơ em phải gửi về quê để xin dấu. Xong khi hoàn thành hồ sơ một cách hợp lệ thì em có thể nhờ người thân nộp tại nơi mình đăng ký hộ khẩu trường trú hoặc mang đến địa phương mình tạm trú để nộp.
Dân Trí

Bình luận (0)