Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Hẻm cũng… kẹt!

Tạp Chí Giáo Dục

Xe cộ nườm nượp lưu thông trong hẻm 131 Tô Hiến Thành (quận 10) đến nỗi người đi bộ không còn lối đi

Lâu nay người dân vẫn nghĩ  “an cư” trong hẻm thì sẽ yên tĩnh hơn nhà mặt tiền. Đâu ngờ nhiều con hẻm đã lâm vào cảnh khổ sở vì kẹt xe do người dân tránh ùn tắc ở đường lớn đổ vào khiến đời sống người dân chịu nhiều phiền toái vì ô nhiễm tiếng ồn, đi lại khó khăn, nhếch nhác…

Hẻm cũng kẹt xe trường kỳ

Tình trạng kẹt xe trong hẻm trên địa bàn TP.HCM đã diễn ra trong nhiều năm nay. Tình trạng này diễn ra ở một số con hẻm chỉ hướng đi ra các trục đường lớn để giảm ách tắc cho những lối đi chính. Nào ngờ những con hẻm này lại chịu chung số phận mà đường lớn tắc vẫn hoàn tắc.

Đó là tình trạng ùn tắc trong nhiều năm nay ở hẻm 131 Tô Hiến Thành (quận 10). Con hẻm này nối liền đường Hòa Hưng với Tô Hiến Thành, nên nhiều người đã đổ vào đây hòng thoát khỏi tình trạng ùn tắc đến khốn khổ xảy ra thường trực ở đường CMT8. “Dù phải chen chân trong hẻm nhỏ, thậm chí có đoạn hẻm chỉ đủ chỗ cho hai làn xe ngược chiều nhau, không còn chỗ cho người đi bộ, nhưng những người lưu thông xe hai bánh như tôi vẫn ào ạt chọn hẻm 131 làm “lối thoát” cho mình. Vì chỉ cần qua khỏi đoạn này, là tôi có thể tiếp tục lưu thông vào đường Hồ Bá Kiện để tránh tiếp đoạn ùn tắc khủng khiếp là khu chợ Hòa Hưng đến Công viên Lê Thị Riêng”. Đó có lẽ là lý do thường xuyên lưu thông vào hẻm 131 Tô Hiến Thành của một nhân viên IT tên Phan Trọng Nhân (ngụ đường Chấn Hưng, quận Tân Bình) cũng như nhiều người khác, bởi tình trạng ùn tắc trường kỳ trên đường CMT8 từ khúc Hòa Hưng đến Công viên Lê Thị Riêng khiến họ đã quá ngán ngẩm và ám ảnh. Anh Nhân cho biết nếu với mật độ lưu thông bình thường, từ nhà đến đường Hòa Hưng anh chỉ mất 5 phút, nhưng nếu kẹt xe ở CMT8, nhiều khi anh phải chen lấn hơn 1 giờ đồng hồ.

So với các địa bàn khác, điểm đen ùn tắc ở hẻm 525 và hẻm 529 đường Trường Sa (quận Phú Nhuận) bao lâu nay cũng là nơi khiến cho người dân rất ái ngại. Hai hẻm này là hướng lưu thông ra đường Huỳnh Văn Bánh. Vì đường Trường Sa có hướng lưu thông ngược chiều nên để đến được Huỳnh Văn Bánh cả xe to, xe nhỏ đã tập trung đi qua đây gây ùn tắc thường xuyên. Nguy hiểm nhất là ở ngã tư giao cắt giữa 525 và hẻm 529 thường xuyên xảy ra va quẹt, thậm chí đã từng xảy ra TNGT do không có biển cảnh báo hạn chế tốc độ và không có người điều tiết giao thông. Bà Sáu Châu, ngụ gần ngã tư trên cho biết, trước đây đã xảy ra vụ va quẹt khiến học sinh trên đường đi học về bị gãy tay, nên bây giờ không ai dám cho trẻ con ra đường hóng mát hay cho trẻ đi dạo như trước nữa.

Thêm ách tắc do chợ tự phát

Hẻm 521 (còn gọi là hẻm 10) thuộc phường 26, quận Bình Thạnh là một ví dụ cho tình trạng ùn tắc thường xuyên do bị chợ tự phát lấn chiếm. Con hẻm dài này nối đường Xô Viết Nghệ Tĩnh với quốc lộ 13, hướng qua Bến xe Miền Đông nên lúc nào cũng đông xe taxi, xe ba gác, xe hai bánh lưu thông. Tình trạng ùn tắc thường xuyên diễn ra trong ngày, vì chợ tự phát, quán ăn được bày bán cả ở hai bên lòng hẻm. Do đó chỉ cần hai chiếc xe 4 bánh tránh nhau là đã xảy ra ùn tắc ngay lập tức. Khổ nhất là vào giờ cao điểm khi trẻ con đi học, người lớn đi làm, người đi chợ mua đồ ăn, người vận chuyển hàng hóa ra bến xe… thì người và xe lại kẹt cứng đến nỗi khó nhúc nhích.

Không quá khốn khổ vì ùn tắc như ở hẻm 521, nhưng tình trạng chợ tự phát ở hẻm 385 Minh Phụng, phường 10, quận 11 cũng đủ khiến cho việc đi lại của học sinh bất tiện và nhếch nhác do rác thải ngập ngụa ở ngay đầu hẻm. Được biết hiện Trường Tiểu học Nguyễn Thi đang mượn cơ sở của Trường Lê Anh Xuân (cũ) để làm nơi giảng dạy trong khi chờ xây trường mới. Từ đầu hẻm này vào đến trường chỉ khoảng 40m, tuy nhiên con hẻm chỉ rộng khoảng hơn 2,5m đã bị lấn chiếm bán hàng ở cả hai bên. Với lối đi nhỏ xíu còn lại, nhếch nhác nước bẩn, người mua, kẻ bán đông đúc, đã khiến nhiều phụ huynh phải dừng xe trước hẻm để con đi bộ vào trường. Cũng có người sợ con bị vấy bẩn quần áo vì nước dơ bắn lên nên đã cố chạy xe vào trong thì lại gây thêm ùn tắc.

Một phụ huynh có con gái học lớp 4/1 cho biết, con chị sẽ phải học ở đây suốt năm học này, “nhưng cũng phải cố chịu, chờ một năm nữa khi trường xây xong ở đường 3-2 thì con mình mới thoát được cảnh này”.

Bài, ảnh: Đinh Vũ

Cũng theo kinh nghiệm của người dân, để tránh tình trạng các xe lớn vào hẻm gây thêm ùn tắc, chính quyền địa phương nên vận động người dân đóng góp xây các trụ xi măng ở giữa hẻm, dựng các thanh chắn ở đầu hẻm, bố trí các biển báo cấm xe lớn vào hẻm, làm gờ giảm tốc để đảm bảo tốc độ lưu thông an toàn. Bên cạnh đó, cần bố trí nhiều hẻm mới hướng dẫn các lối đi phụ ra các đường lớn để giảm ùn tắc cho những hẻm đang bị kẹt xe trường kỳ.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)