Các trường ĐH trên thế giới đang thay đổi vì thế hệ sinh viên sống, làm việc và sinh hoạt với Iphone, iPad, email, facebook. Họ cần một môi trường trực tuyến phù hợp với thế hệ…
PGS.TS Lê Khắc Cường – Trưởng khoa Việt Nam học Trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn TP.HCM (ĐH KHXH-NV) – đề cập điều này tại hội thảo khoa học “Hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật với công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo ở ĐH” do Trường ĐH KHXH-NV TP vừa tổ chức.
Theo ông Cường, môi trường trực tuyến mà sinh viên cần gắn với cổng thông tin điện tử, những phần mềm chuyên dụng, thư viện số, cách nộp bài/làm bài thi/bài kiểm tra trực tuyến, sử dụng hệ thống phát hiện những bài kiểm tra, bài thi, luận văn hay luận án đạo văn hoặc trích dẫn trái quy định, mập mờ.
Riêng phạm vi ĐH KHXH-NV TP, ông Cường nhìn nhận, trong điều kiện trang thiết bị công nghệ chưa thật mạnh và đầy đủ thì đề cập môi trường này hiện không phù hợp. Tuy nhiên, chiến lược đào tạo của trường trong giai đoạn tới cần bổ sung hướng phát triển trên, hy vọng chuyển đổi một phần phương thức đào tạo sang trực tuyến. Trong đó, đầu tư, điều chỉnh cơ sở vật chất hết sức quan trọng.
“Với một trường đào tạo khoa học cơ bản, tài chính không thật mạnh thì đào tạo trực tuyến là hướng đi hết sức phù hợp và khôn ngoan” – ông Cường nói.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa – Trưởng khoa Đô thị học ĐH KHXH-NV TP – cho rằng, thời kỳ thầy và trò “học chay” chỉ bằng trí tưởng tượng và viên phấn đã lùi xa, cần thay đổi mạnh mẽ cả nội dung, hình thức giáo dục ĐH để đáp ứng tình hình mới…
TS. Hòa nhận định, thời gian qua, sự bị động về kinh phí, quỹ đất, nguồn nhân lực và cả việc không hoạch định được chiến lược phát triển khiến đầu tư cơ sở vật chất còn theo kiểu ăn đong, hiện tượng “đẽo chân cho vừa giày” không phải là không có.
Ý kiến khác cũng đánh giá, nguồn lực cơ sở vật chất phục vụ hoạt động giảng dạy, nghiên cứu tại các trường ĐH ở Việt Nam được xem là khá kém cỏi so với nhiều nước, kể cả các nước Đông Nam Á. Với những mặt bằng nhỏ hẹp, trang thiết bị lạc hậu sẽ rất khó khăn để nói đến chuyện nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và hội nhập.
Để tiết kiệm diện tích và tiền bạc trong đầu tư cơ sở vật chất, TS. Hòa hướng đến các không gian đa chức năng, linh hoạt. Theo TS. Hòa, trường ĐH hiện đại có xu hướng đa ngành, đa lĩnh vực, nếu mỗi không gian chỉ thỏa mãn một nhu cầu, một cấu trúc sẽ tốn kém và khó làm. Do vậy, xu hướng “nhiều trong một” đang trở nên chủ đạo. Một phòng thí nghiệm đắt tiền khi xây dựng (địa điểm, cấu trúc, cơ chế hoạt động, vận hành) làm sao cho nhiều trường, nhiều khoa, nhiều đối tượng cùng sử dụng.
ThS. Trịnh Xuân Thắng – giảng viên Học viện Chính trị khu vực IV, Cần Thơ – đề xuất giải pháp chia sẻ tài nguyên cơ sở vật chất giữa các trường. ThS. Thắng cho rằng, trong điều kiện không thể tạo ra sự đột phá về ngân sách đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho các trường ĐH thì việc chia sẻ tài nguyên cơ sở vật chất là giải pháp tốt nhất để các trường khắc phục thiếu thốn thiết bị đào tạo. Bởi ở điều kiện ngân sách hạn hẹp, nếu xé lẻ nguồn ngân sách đầu tư cho từng trường thì mức đầu tư đã ít lại càng ít ỏi; các thư viện, phòng thí nghiệm vẫn cứ… èo uột.
Mê Tâm
Bình luận (0)