Theo ông, quyết định nâng chỉ tiêu GRDP từ 8,1-8,5% lên 8,4-8,7% sẽ kéo theo các chỉ tiêu khác cũng điều chỉnh tăng lên, như chỉ tiêu về năng suất lao động tổng hợp (TFP) từ 35% lên 36%, tổng vốn đầu tư xã hội cũng tăng từ 30% lên 35%. Những chỉ tiêu đó logic với nhau. Trong phần đánh giá của các cơ quan tham mưu mà cụ thể là Sở Kế hoạch – Đầu tư khẳng định, tiềm năng huy động đáp ứng cho sự phát triển các ngành của TP vẫn còn. Như trong năm 2016 tăng trưởng dựa vào vốn và lao động rất khả quan, nếu năm 2017 có chính sách phát huy hai yếu tố này thì đó là nhân tố tốt để tác động tăng trưởng, đủ căn cứ để nâng chỉ tiêu.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong trả lời báo chí bên lề hội nghị. Ảnh: A.Khánh |
Chẳng hạn, tiềm năng du lịch của TP là rất lớn nhưng chưa khai thác hết. Năm 2016, TP có 5,2 triệu lượt khách, tỷ lệ quay lại là bao nhiêu; chúng ta đã tạo ra sản phẩm dịch vụ gì để giữ chân họ lại một hai ngày… Làm được điều đó thì sẽ thúc đẩy kinh tế TP phát triển.
Hoặc nhìn lại ngành công nghiệp chế biến và chế tạo tăng hơn 10% trong năm 2016 và tiềm năng phát triển còn lớn. Nếu có một cơ chế chính sách phù hợp thì sẽ thúc đẩy tăng trưởng của TP.
Tóm lại, nếu chúng ta biết phát huy đúng mức và có cơ chế phù hợp thì kinh tế sẽ phát triển hơn nữa.
Năm 2017 chỉ tiêu thu ngân sách mà Trung ương giao 347.000 tỉ đồng, tăng 16,6% so với 2016. Tăng 16,6% tổng thu so với mọi năm là rất lớn. Để có được nguồn thu đó thì phải vượt qua khó khăn khi đối mặt với 3 tác động: Thứ nhất là thực hiện cam kết lộ trình các hiệp định thương mại thế hệ mới, có một số loại thuế sẽ giảm; Thứ hai, tỷ lệ ngân sách Trung ương để lại chỉ còn 18%. Đó là một đồng vốn mồi TP.HCM thu hút được 14 đồng vốn xã hội, thậm chí có thể hơn nữa. Và vốn mồi là vốn từ ngân sách. Dù có nguồn vốn ODA hay vốn gì đi chăng nữa đều phải có vốn đối ứng. Cắt giảm như vậy dứt khoát là sẽ khó khăn; Thứ ba là các cản ngại trong thủ tục hành chính. Nếu vấn đề này được thông suốt thì sẽ tác động lớn.
Riêng về mặt quản lý, nếu khai thác có hiệu quả thì sẽ là nhân tố để thúc đẩy sản xuất. Ví dụ như trong ùn tắc giao thông, nếu tổ chức lại giao thông tốt thì sẽ tiết kiệm được thời gian, nguồn lực cho xã hội.
Tóm lại, tất cả những nhân tố đó đều là nguồn lực phát triển nếu biết tổ chức khai thác. Việc cắt giảm ngân sách cùng với tác động bất lợi bên ngoài ít nhiều tác động đến tăng trưởng của TP nhưng không phải vì thế mà chúng ta không có những nỗ lực vượt qua khó khăn…
An Khánh (ghi)
Bình luận (0)