Dịp cận Tết Nguyên đán là thời gian nhu cầu giao dịch, thanh toán và dùng tiền mặt tăng cao, vì doanh nghiệp (DN) cần tiền trả lương, thưởng cuối năm, người dân rút tiền mua sắm tết… Các ngân hàng cho biết, đã có kế hoạch chuẩn bị sẵn nguồn tiền, chuẩn bị kỹ lưỡng từ đội ngũ nhân sự, cơ sở hạ tầng, công nghệ… đảm bảo hoạt động cung ứng tiền thông suốt.
Nhu cầu tiền mặt tăng đột biến
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM cho biết, tháng 12-2016, tình hình tiền mặt tại TP bội chi do nhu cầu tiền mặt của các tổ chức tín dụng tăng cao; trong đó, tổng doanh số chi tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2015 và tăng đến gần 43% so với các tháng trước. Thời gian cận Tết Nguyên đán nhu cầu này sẽ còn tăng mạnh. Tuy nhiên, cơ quan này khẳng định vẫn đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu tiền mặt, nhu cầu tín dụng lưu thông hàng hóa, tiền tệ trên địa bàn.
Các ngân hàng có tổ xử lý ngay sự cố 24/24 giờ để hệ thống ATM hoạt động thông suốt trong dịp tết. Ảnh: HUY ANH
Ông Đặng Công Hoàn, Giám đốc Phát triển sản phẩm bán lẻ kiêm Giám đốc Kinh doanh thẻ Ngân hàng Techcombank, cho biết nhu cầu rút tiền mặt của người dân vào dịp cuối năm cũ, đầu năm mới thường tăng rất cao.
Từ nay đến Tết Âm lịch Đinh Dậu sẽ là giai đoạn giao dịch thẻ tăng cao, dự đoán lượng giao dịch sẽ tăng 3 – 4 lần so với ngày bình thường. “Kỳ nghỉ tết cổ truyền năm nay không quá dài nhưng đến sớm và ngay vào cuối tháng 1-2017, nên nhu cầu thanh toán của người dân sẽ còn gấp rút hơn. Chính vì thế, Techcombank đã chủ động có kế hoạch tăng cường hệ thống như nâng cấp các trang thiết bị để tăng tốc độ xử lý giao dịch và bảo trì, bảo dưỡng vệ sinh các thiết bị định kỳ; đồng thời yêu cầu các chi nhánh của ngân hàng tăng cường nguồn lực đảm bảo hoạt động vận hành, tiếp quỹ ATM an toàn và hiệu quả phục vụ khách hàng”, ông Hoàn cho hay.
Đại diện Ngân hàng VietinBank cũng cho biết, thời điểm hiện nay, đặc biệt khi vào tuần sát Tết Nguyên đán, là lúc người lao động được nhận lương và thưởng tết, sẽ có nhiều người rút tiền mặt để chi tiêu, gây áp lực rất lớn cho ngân hàng. Thêm vào đó, nhiều DN đến sát ngày tết mới trả lương, thưởng để giữ chân công nhân, dẫn đến tình trạng khách hàng phải xếp hàng, chờ đợi rút tiền ở ATM, nên ngân hàng phải rất nỗ lực để phục vụ lượng khách có nhu cầu rút tiền lớn trong cùng một thời điểm.
Theo vị này, mặc dù số lượng thẻ tín dụng và ghi nợ của người dân Việt Nam tăng lên trong những năm qua nhưng thói quen sử dụng tiền mặt của người dân vẫn phổ biến, có đến 80% giao dịch của khách hàng thực hiện trên các cây ATM là rút tiền. Chính vì thế, VietinBank cũng đã chủ động xây dựng phương án, kế hoạch tiền mặt phù hợp, đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu tiền mặt cả về giá trị và cơ cấu mệnh giá cho khách hàng. “Rút kinh nghiệm từ những năm trước, VietinBank đã thống nhất với các đơn vị, DN có kế hoạch trả lương, thưởng trực tiếp tại đơn vị, tại DN, tránh tình trạng tập trung quá đông người cần rút tiền cùng một lúc tại các điểm máy ATM, dẫn đến tình trạng quá tải”, đại diện VietinBank cho hay.
Cử nhân viên chi tiền tận nơi
Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, ông Nguyễn Hoàng Minh thông tin, từ đầu tháng 1-2017, NHNN đã có công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng, hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn TP phải có kế hoạch đáp ứng đầy đủ nhu cầu rút tiền mặt cho khách hàng, tăng cường đưa những loại tiền mệnh giá nhỏ vào lưu thông. Theo ông Minh, đến nay, ngành ngân hàng đã chuẩn bị tốt nhất cho thanh toán và chi trả trên ATM tại TPHCM. Trên địa bàn TP hiện có hơn 4.214 máy ATM, riêng tại các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN) có 194 máy của 10 ngân hàng. Nhằm đảm bảo an toàn và thông suốt cho các máy ATM trong dịp tết, NHNN chi nhánh TPHCM đã yêu cầu các ngân hàng thương mại thành lập ban, tổ xử lý ngay sự cố xảy ra về kỹ thuật; thành lập tổ tiếp quỹ kịp thời khi máy ATM hết tiền và hoạt động 24/24 giờ; tuyệt đối không để máy ATM ngưng hoạt động do thiếu tiền.
Trong trường hợp các máy ATM xảy ra sự cố hoặc không đảm bảo vận hành thông suốt cho người dân rút tiền trong 24/24 giờ, các hệ thống ngân hàng phải kịp thời khắc phục trong thời gian sớm nhất, nếu không sẽ bị xử phạt theo quy định. NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng phối hợp với Ban quản lý KCX-KCN, có biện pháp chi viện nhân viên ngân hàng đến tận nơi để chi trả tiền mặt cho những khu vực, đơn vị tập trung số lượng lớn công nhân, người lao động.
Ngoài ra, để giải quyết nhanh các sự cố máy ATM, các ngân hàng Techcombank, ACB… cũng cam kết bố trí nhân viên túc trực đường dây nóng 24/24 giờ để xử lý sự cố. VietinBank cho biết có hệ thống cảnh báo tình hình tồn quỹ qua điện thoại cho các cán bộ phụ trách tại từng chi nhánh, để kịp thời tiếp quỹ và xử lý sự cố. Tại các KCX-KCN, khu đông dân cư có nhu cầu rút tiền mặt lớn, VietinBank cũng có các biện pháp ứng phó kịp thời khi các ATM bị quá tải, như sử dụng ATM lưu động tại các KCX-KCN, có nhân viên hướng dẫn khách hàng đến trực tiếp các chi nhánh, phòng giao dịch gần nhất để rút tiền mặt…
Dù vậy, các ngân hàng vẫn đề nghị, người dân có thể sử dụng các dịch vụ như thanh toán trực tuyến, thanh toán qua thẻ…, giảm thanh toán bằng tiền mặt để giảm tải cho máy ATM và không phải xếp hàng chờ rút tiền.
NHUNG NGUYỄN (SGGP)
Bình luận (0)