Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đồng chí Dương Quang Đông: Tấm gương mẫu mực

Tạp Chí Giáo Dục

Cuộc đời cách mạng của đồng chí Dương Quang Đông là sự kiên trung, bất khuất, tận tụy vì nước, vì dân. Đồng chí đã trải qua nhiều nhà tù, dù bị tra tấn dã man nhưng vẫn giữ vững khí tiết của người Cộng sản, sẵn sàng hy sinh bản thân mình cho dân, cho Đảng, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao đổi với các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Q.Huy

Nhiều đại biểu đã nhận xét như vậy tại Hội thảo khoa học “Đồng chí Dương Quang Đông – Người Cộng sản kiên trung, tận tụy, suốt đời vì dân, vì Đảng” do Thành ủy TP.HCM tổ chức cuối tuần qua nhân kỷ niệm 115 năm ngày sinh của ông (2-5-1902/ 2-5-2017).

Tham dự hội thảo có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm…

Con người không màng danh lợi

Đồng chí Phạm Phương Thảo – nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM bày tỏ: “Với 101 tuổi đời, hơn 80 năm hoạt động cách mạng, trong đó có 10 năm hoạt động ở nước ngoài, đồng chí Dương Quang Đông được đánh giá là con người trung kiên, làm việc cần mẫn, tới nơi, tới chốn. Đồng chí luôn cố gắng học tập và rèn luyện, lăn lộn trên các chiến trường, dùng được các thứ tiếng Pháp – Hoa – Thái – Campuchia… Đồng chí là con người không màng danh lợi, việc gì được giao, hễ có lợi cho dân, cho nước thì khó mấy cũng hoàn thành. Có thời gian dài phụ trách kinh tài, kinh doanh, không để dính líu, nhập nhằng về tiền bạc. Khi cuối đời, còn làm việc nhân nghĩa để cứu người. Dương Quang Đông là hiện thân của sự chân chất, giản dị, của một cuộc đời dâng hiến đầy khí phách, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng chế ngự và vượt qua”.

Cụ Nguyễn Thọ Chân – nguyên Phó Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn (giai đoạn 1946) nhớ lại: “Tôi và đồng chí tuy không cùng gắn bó trong công việc hàng ngày nhưng những lần được tiếp xúc với đồng chí. Sự ân cần trong lời nói, hành động của đồng chí luôn làm cho những người xung quanh thấy gần gũi, ân cần. Đồng chí lúc còn công tác hay khi đã nghỉ hưu luôn là tấm gương mẫu mực cho cán bộ, đảng viên và đồng chí học tập noi gương. Dù tuổi cao, sức khỏe mỗi ngày một yếu nhưng những vấn đề thời sự của đất nước, TP cho đến dân sinh đều được đồng chí chỉ bảo, kiến nghị để sao cho cuộc sống của người dân ngày càng tốt hơn”.

Để lại nhiều dấu ấn

Theo đồng chí Tất Thành Cang – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM – thì: Dấu ấn đầu tiên, có ý nghĩa như một lần “mở đường” cho một hành trình đấu tranh cách mạng của đồng chí chính là việc tham gia vào Công hội đỏ năm 1920 dưới sự lãnh đạo của đồng chí Tôn Đức Thắng. Được hoạt động và rèn luyện trong một tổ chức (dù mới chỉ là một tổ chức hoạt động sơ khai của giai cấp công nhân) nhưng người thanh niên Dương Quang Đông khi đó mới 18 tuổi đã bằng trí thông minh, sự nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm của mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ Thư ký và Trưởng ban Giao liên của tổ chức. Từ sự mở đầu đó, cùng với thời gian, đồng chí đã trở thành một đảng viên Cộng sản – lớp đảng viên cốt cán, gạo cội thời dựng Đảng ở Nam bộ…

Cụ Võ Anh Tuấn (91 tuổi) – nguyên đại sứ tại Liên Hiệp Quốc bày tỏ: “Đồng chí Dương Quang Đông, mà chúng tôi quen gọi một cách thân kính bằng “Bác Năm Đông”. Trong suốt 2/3 thế kỷ hoạt động cách mạng liên tục tại TP Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định và toàn Nam bộ, 7 lần bị địch bắt, 6 năm ngồi tù của Pháp – Mỹ – Thái Lan. Đồng chí luôn tỏ ra là người chiến sĩ Cộng sản kiên trung, sáng tạo, tâm huyết và khiêm nhường. Suốt đời vì dân, vì nước, vì Đảng là một tấm gương sáng ngời về phẩm chất và đạo đức cách mạng”.

Và đặc biệt là: “Tuyến vận tải chiến lược – Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển do nhóm công tác đặc biệt “mở đường” của đồng chí Dương Quang Đông đảm nhiệm từ Lộc An (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), cùng các điểm khác dọc bờ biển miền Nam đã tạo ra một hướng chiến lược hết sức quan trọng, đưa vũ khí, hàng hóa vào các chiến trường xa – nơi mà tuyến vận tải chiến lược đường bộ chưa tới được”, đồng chí Tất Thành Cang nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thành Tài – nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM – nói thêm: “Năm 1961, sau khi thành lập Trung ương Cục miền Nam khi nhận được điện mật của Bộ Chính trị “Gửi Trung ương Cục và tất cả các tỉnh ven biển miền Nam. Các tỉnh tổ chức cho thuyền bí mật vượt biển ra Bắc, báo cáo tình hình bến bãi, tình hình địch bố phòng ven biển và tuần tiễu trên mặt biển. Rồi trực tiếp dẫn tàu vào”. Lúc này, đồng chí Dương Quang Đông đang công tác tại C90 Ban Hậu cần, ông được Trung ương Cục gọi về giao nhiệm vụ tuyệt mật này”…

Lê Quang Huy

Bình luận (0)