Các ngành nghề thuộc 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu của TP.HCM đang được các trường ĐH-CĐ và TC đầu tư trang thiết bị đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn đội ngũ nhà giáo để thu hút người học nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nguồn tuyển dụng.
Sinh viên một trường CĐ nghề trong giờ thực hành nghề điện công nghiệp
Có bao nhiêu doanh nghiệp tuyển hết
TS. Huỳnh Thanh Điền (giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, thành viên Đề án Công nghiệp hỗ trợ TP) cho biết nhân lực các ngành nghề thuộc 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu của TP.HCM gồm chế biến tinh lương thực – thực phẩm, hóa chất – cao su, nhựa, cơ khí, điện tử – công nghệ thông tin hiện đang trong tình trạng khan hiếm. Trong khi đó học sinh, sinh viên ra trường hằng năm không đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao tại các doanh nghiệp FDI.
Bà Nguyễn Thị Lý (Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức) cho hay hằng năm trường có hàng trăm sinh viên ngành công nghệ thông tin, điện – điện tử, cơ khí (cơ khí ô tô, cơ khí chế tạo…) ra trường nhưng không đủ để cung cấp cho doanh nghiệp. Đáng chú ý là ngay từ lúc sinh viên đi thực tập đã được doanh nghiệp giao nhiệm vụ như một người thợ chính, đây là điều kiện thuận lợi để các em tự tin, sớm gia nhập thị trường lao động. “Nhờ triển khai mô hình đào tạo kép, học lý thuyết 30% tại trường và 70% thời lượng thực hành tại doanh nghiệp nên hầu hết sinh viên đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng. Đào tạo tốt thì nguồn tuyển có chất lượng, điều này không thể thiếu sự tham gia của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo”, bà Lý nói.
Ông Nguyễn Quang Nguyên (Khoa Điện – Tự động hóa, Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật TP.HCM) khẳng định hiện nay doanh nghiệp cần lao động kỹ thuật ngành điện, điện tử, lắp cáp mạng thông tin… nhưng không đòi hỏi quá cao về bằng cấp. Theo đó, chỉ số ít là trình độ ĐH-CĐ, còn lại đều trình độ TC – học sinh ra trường được doanh nghiệp tuyển dụng hết. Tương tự, ông Đặng Hùng Vỹ (Khoa Cơ khí, Trường TC nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương) cho biết học các nghề bảo trì máy CNC, cơ khí chính xác, cơ khí ô tô… ra trường không lo thất nghiệp. Cụ thể, ở giai đoạn thử việc, mức lương bậc TC đã trên dưới 8 triệu đồng và trên 12 triệu đồng/tháng khi ở vị trí tổ trưởng, quản lý…
Doanh nghiệp “chữa cháy” bằng đào tạo lại
Ở góc độ nhà tuyển dụng, bà Nguyễn Thị Vân Anh (Công ty Suleco) cho biết hiện nay tuyển được nhân lực cho ngành hóa chất – nhuộm – cao su không dễ bởi yêu cầu của nhà tuyển dụng chỉ cần trình độ TC, trong khi các trường TC thì chưa đào tạo chuyên ngành này. Tương tự, ngành chế biến tinh lương thực – thực phẩm cũng trong tình trạng “đỏ mắt tìm người”, đặc biệt là tại TP.HCM. Trong khi đó, bà Lê Thị Thanh Lâm (Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Saigonfood) chia sẻ: “Nhằm chủ động được nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển của đơn vị, công ty đã chủ động phối hợp với Trường TC Thủy Sản mở lớp TC chế biến thủy sản cho công nhân hoặc đón sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM về thực tập”.
Bà Lê Bích Loan (Phó Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM) cho biết hiện tại có khoảng 38.000 lao động đang làm việc tại Khu Công nghệ cao. Dự báo đến năm 2025, mỗi năm tăng khoảng 1.000 lao động, trong đó nhu cầu tuyển dụng cao nhất thuộc các ngành cơ khí, cơ điện tử, vận hành robot… |
Tương tự, ông Nguyễn Minh Thạnh (Giám đốc Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao TP.HCM) cho biết doanh nghiệp FDI ở Khu Công nghệ cao ngày càng tăng nhưng do nguồn tuyển nhân lực khan hiếm nên một số doanh nghiệp đã chủ động đặt hàng các trường TC-CĐ để đào tạo. Thêm nữa, giải pháp tạm thời để có lao động làm việc là các doanh nghiệp phải tuyển dụng lao động trái ngành rồi đào tạo lại, tuy nhiên số lao động này chỉ có thể làm việc ở các công đoạn đơn giản.
Ông Lê Minh Tấn (Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho biết đến thời điểm này, TP.HCM có 13 trường được Bộ LĐ-TB&XH chọn là trường có nghề trọng điểm và trường chất lượng cao. Đây là các trường có đầy đủ năng lực để đào tạo các ngành nghề trọng điểm của khu vực và quốc tế. Trước mắt, TP đã đầu tư 1.100 tỷ đồng để các trường CĐ-TC thực hiện đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
“Bên cạnh ngân sách của TP.HCM, các trường phải chủ động liên kết với doanh nghiệp, tận dụng các nguồn đầu tư để phát triển. Với các ngành nghề mà thị trường đang hút lao động, nguồn nhân lực ngoài trình độ chuyên môn cần phải có kỹ năng ngoại ngữ, công nghệ thông tin… để tham gia thị trường lao động khu vực và quốc tế”, ông Tấn yêu cầu.
T.Anh
Bình luận (0)