Mặc dù được hỗ trợ học phí và tiền ăn nhưng lao động nông thôn ở một số quận/huyện tại TP.HCM lại không mặn mà.
Ông Trương Văn Hai (Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Củ Chi) nêu ý kiến tại hội thảo đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn TP.HCM trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0
Đề cập đến khó khăn trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại TP.HCM, TS. Từ Minh Thiện (Phó Trưởng ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM) khẳng định, hiện nay có rất nhiều trường, trung tâm dạy nghề cho lao động nông thôn với nhiều nghề trùng lắp. Ngoài ra, các hội, cơ quan đoàn thể cũng có mở lớp đào tạo nghề ngắn hạn nhưng chưa có sự khác biệt về nội dung chương trình, tài liệu không được cập nhật mới. Đây là một trong các nguyên nhân khiến cho lao động nông thôn không mặn mà theo học nghề.
Cũng theo ông Thiện, thực tế cán bộ giỏi về nông nghiệp nhưng thiếu kiến thức công nghệ thông tin, và ngược lại. Vì vậy đội ngũ này cần được đào tạo để nắm bắt xu hướng phát triển của công nghệ nhằm đáp ứng một cách hiệu quả cho công việc. Trong đào tạo cần cung cấp kiến thức đồng bộ từ cách nuôi trồng, chế biến, bảo quản và tiêu thụ để người học có thông tin bán sản phẩm ra thị trường. “Các quận/huyện cần khảo sát định kỳ nhu cầu người học, hướng đến đào tạo trực tuyến và chuyển giao tài liệu. Người dạy nghề cho lao động nông thôn phải có kinh nghiệm sản xuất thực tế mới thuyết phục được người học”, ông Thiện gợi ý.
Trong khi đó, TS. Đinh Công Tiến (Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp) cho rằng trong đào tạo nghề cần dạy nông dân nghiên cứu thị trường trước khi bắt tay vào làm việc. Còn việc bao tiêu sản phẩm vô tình tạo tâm lý ỷ lại trong nông dân, hơn nữa việc này ngoài tầm của nơi đào tạo. Mục đích của đào tạo nghề cho lao động nông thôn là để họ có việc làm, có thu nhập chứ không phải có cái nghề.
Đại diện Trường TC Thủy Sản cho biết, trường đã phối hợp với huyện Cần Giờ mở lớp đào tạo các nghề chế biến, nuôi trồng thủy sản nhưng hiệu quả chưa như mong muốn. Ở lớp đầu tiên, người học là các hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm chế biến rất hào hứng. Đến lớp thứ 2 còn có người học nhưng lớp thứ 3 thì giáo viên phải vừa dạy vừa… năn nỉ người học. “Từ thực tế này cho thấy ý thức của người học là rất quan trọng. Cần áp đặt với nông dân rằng, sản phẩm muốn ra thị trường phải có chứng chỉ nghề, có như vậy người dân mới chịu đi học”, vị đại diện này nói. Tương tự, ông Trương Văn Hai (Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Củ Chi) đề nghị phải có nhu cầu học nghề mới mở lớp dạy nghề gắn với yêu cầu phát triển của địa phương chứ chạy theo chỉ tiêu là không hiệu quả. Theo đó, khảo sát nhu cầu người học là việc nên làm, thống kê sau khi học nghề xong có việc làm hay không?
Tránh lãng phí trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn Ngày 29-11, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã tổ chức Hội thảo “Xu hướng ứng dụng và phát triển công nghệ cao trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn TP.HCM trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0”. Mục đích của hội thảo nhằm nhìn nhận, đánh giá thực trạng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từ đó áp dụng thành tựu công nghệ vào giáo dục nghề nghiệp nói chung và đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng. Ông Nguyễn Văn Lâm (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho biết chỉ tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn TP luôn đạt và vượt trong thời gian qua. Tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập cần tháo gỡ để có giải pháp hữu hiệu trong đào tạo nghề.
Ông Nguyễn Văn Lâm (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) phát biểu tại hội thảo Đặc biệt, ông Lâm lưu ý các cơ sở có đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các quận/huyện cần khảo sát cụ thể đối tượng nào học, đối tượng nào khuyến khích học; đồng thời đánh giá năng lực dạy nghề cho lao động nông thôn đang đứng chỗ nào, cái gì cần điều chỉnh và sắp tới phải làm gì để Sở LĐ-TB&XH có kiến nghị với lãnh đạo TP. Riêng các địa phương đào tạo nghề phi nông nghiệp để chuyển đổi mô hình kinh tế phải thực tế, tránh đào tạo cho có gây lãng phí. |
TS. Lê Ngọc Đức (Trung tâm Dạy nghề nông nghiệp công nghệ cao) nhìn nhận: Lao động nông thôn không muốn đi học vì ngại mất thời gian, trong khi họ là lao động chính trong gia đình. Mức hỗ trợ chi phí học nghề cho lao động nông thôn hiện nay còn thấp, vì vậy cần có thêm khoản kinh phí cho người học tham quan, tìm hiểu mô hình sản xuất thực tế ở địa phương khác. “Để đạt hiệu quả đào tạo, cần một tổ chức thẩm định chương trình đào tạo do các trường, trung tâm xây dựng. Đồng thời khảo sát trình độ học viên để thiết kế chương trình, điều chỉnh giáo án cho phù hợp”, TS. Đức đề xuất.
Theo ông Phạm Văn Chiến (Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Cần Giờ), trong 2 năm qua huyện Cần Giờ đã đào tạo trên 1.000 lao động có chứng chỉ, chủ yếu là những nghề có sẵn tại địa phương; tuy nhiên thu nhập chưa được nâng lên. Ông Chiến kiến nghị: “Cần một khoản kinh phí để các nhà nghiên cứu tìm ra mô hình sản xuất đặc thù phù hợp, tránh trùng lắp, đồng thời có mô hình thử nghiệm để nông dân tin tưởng và tự tìm đến học. Những mô hình phù hợp với đồng vốn và con người sẽ thu hút người học hơn”.
T.Anh
Bình luận (0)