1. Ông chú tôi, là một giáo viên về hưu, có lần kể: Hồi trước năm 1975, ông đi dạy ở một trường tiểu học tại xã Đại Điền (huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) từng chứng kiến một câu chuyện cảm động, đáng nhớ. Lần đó, có một toán lính đi tuần ngang trường, dừng lại chọc ghẹo các giáo viên nữ. Một thầy giáo bất bình liền lên tiếng phản đối thì bị họ đánh chảy máu mũi. Tức thì, không ai xúi giục nhưng các học sinh nam liền bẻ nhánh cây, lượm đất đá tấn công tới tấp đám lính để bảo vệ thầy của mình. Trước sự phẫn nộ của nhóm học sinh trẻ con, đám lính vội vã bỏ đi mà không dám có phản ứng gì nữa…
Thực sự những học sinh tiểu học ngày trước dù học muộn thì ở lớp lớn nhất (tương đương lớp 5 hiện nay) cũng chỉ khoảng 15 tuổi đổ lại, so với những anh lính thì rất là con nít, xét về nhiều mặt, học sinh phải sợ hãi. Nhưng trước cảnh tượng thầy của mình bị đánh, các trò không còn biết sợ là gì nữa mà cùng nhau trả đũa. Hẳn các trò có lòng yêu kính người thầy của mình hay ít ra cũng đã được người thầy dạy cho những bài học về lòng dũng cảm, sự bảo vệ lẽ phải… Và hẳn các trò đó đã nhận thấy người thầy là một tấm gương sáng về sự ngay thẳng, về thái độ biết bênh vực kẻ yếu và noi gương thầy làm việc đó.
Học sinh Trường Tiểu học Tân Sơn Nhì (Q.Tân Phú, TP.HCM) đọc bài trong giờ học môn tiếng Việt. Ảnh: N.Trinh
2. Xưa hơn, dưới chế độ phong kiến, người thầy chỉ xếp sau nhà vua (trong thang quan hệ: quân – sư – phụ). Chuyện kể rằng, Phạm Sư Mạnh (tên thật là Phạm Độ, 1300-1384) là một danh sĩ, từng phục vụ dưới 3 triều vua Trần là Minh Tông, Hiến Tông, Dụ Tông. Sau khi đỗ đạt, làm quan to ở triều, ông về thăm thầy là Chu Văn An (1292-1370). Dọc đường, qua khu chợ đang họp, ông ra uy để lính thét dân phải dẹp đường. Biết chuyện, Chu Văn An giận Phạm Sư Mạnh làm quan mà tỏ ra hách dịch với dân nên không gặp mặt. Dù đã là quan lớn trong triều, Phạm Sư Mạnh vẫn phải quỳ gối cả buổi trước cửa nhà thầy để xin tha lỗi, về sau đã hành xử khiêm nhường và không dám hách dịch nữa. Theo tiểu sử, trò này chỉ kém thầy có 8 tuổi, nhưng dù có làm quan to thì cũng không thể bất kính với thầy được. Bởi vì người đó đã là thầy thì dù hơn 8 tuổi hay ngang tuổi thì theo quan niệm truyền thống, người thầy vẫn phải được kính trọng hơn cả cha! Trong khi đó, Chu Văn An là một người thầy lỗi lạc, khiêm cung. Có lần ông đang trên võng, dọc đường có đứa học trò nhỏ vái chào, ông liền bảo lính dừng lại, đứng thẳng người rồi chào đáp lễ. Người dưới thắc mắc, ông giải thích: Đứa học trò nhỏ còn biết giữ lễ huống chi ta làm thầy lại không biết giữ lễ sao!
Cha ông ta đã đúc kết bằng những câu tục ngữ, ca dao về tinh thần tôn sư trọng đạo: Mồng một Tết cha, mồng ba Tết thầy; Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy; Trọng thầy mới được làm thầy; Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy; Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy/ Nghĩ sao cho bõ những ngày ước mong; Mấy ai là kẻ không thầy/ Thế gian thường nói đố mày làm nên; Dốt kia thì phải cậy thầy/ Vụng kia cậy thợ thì mày làm nên; Vua, thầy, cha, ấy ba ngôi/ Kính thờ như một, trẻ ơi ghi lòng… Đó cũng là sự phản ánh về quan niệm xã hội đối với nghề dạy học, coi đó là một nghề cao quý, một nghề trên nhiều nghề.
Người thầy không “ra thầy” thì gần như không thể yêu cầu người học phải “ra trò” được! |
3. Quan niệm xã hội hiện nay có nhiều thay đổi trong nhìn nhận về nghề dạy học. Ngày trước, người ta gọi thầy bằng những từ như “thầy”, “sư phụ”, “ân sư”, “lão sư”… hàm ý rất tôn kính; hay chỉ non nửa thế kỷ trước, người thầy bậc trung học vẫn còn được gọi là “giáo sư” (hoàn toàn khác với học hàm “giáo sư” như hiện nay). Thậm chí, người dạy tại nhà, không phải thầy chính thức cũng được gọi là “gia sư”. Còn hiện nay, người thầy được gọi là “giáo viên”, tức chỉ người làm nghề dạy học, tương tự như “phóng viên”, “phát thanh viên”, “thuyền viên”, “thông dịch viên”…, ít nhiều có một sự chuyển hướng trong cách nhìn của xã hội về nghề giáo, về thầy cô giáo. Không chỉ vậy, sự thương hóa, tiền tệ hóa một số ứng xử, trong đó có ứng xử với người thầy, khiến sự tôn trọng đối với nhà giáo ít nhiều bị giảm sút; chẳng hạn, người thầy lên lớp phải lo nhiều việc khác ngoài chuyên môn, trong đó có việc thu tiền hộ cho nhà trường; hay có thầy cô méo mó nghề nghiệp của mình bằng cách tác động để học sinh phải đến học thêm hoặc phải “biết điều” bằng quà cáp; thậm chí có người còn lợi dụng nghề nghiệp để trục lợi sai trái dưới nhiều hình thức (chạy điểm, gạ tình, đòi ăn nhậu…). Hoặc chính phụ huynh (và cả học sinh) vì cho rằng người thầy thực chất chỉ làm thuê cho mình nên cũng rẻ rúng người trực tiếp dạy và những người thầy khác. Thêm vào đó, hiện có nhiều người đã đi làm, trong đó có một số người có chức vụ, vẫn tiếp tục đi học nên về tuổi tác và địa vị tự thấy có phần cao hơn người thầy nên sự kính trọng có khi không được thể hiện rõ nét. Trên lớp thì vẫn gọi thầy nhưng ra lớp thì gọi là “anh”, hoặc gọi tên, còn lúc vắng mặt có khi dùng những đại từ không còn tôn trọng nữa.
Người thầy trong xã hội hiện nay gần như không được coi là trên cha như trước nữa, trừ một số ít trường hợp người thầy lớn hơn người học nhiều tuổi, có phẩm hạnh tốt và có mối quan hệ gần gũi với người học thì mới được coi như cha hoặc được tôn trọng như cha. Ngoài ra, bây giờ người ta có thể học bằng nhiều cách thức, phương tiện, không nhất thiết qua một người thầy cụ thể nào cả (học qua sóng phát thanh, truyền hình, qua các băng đĩa hoặc tài khoản trên mạng, học qua Youtube…) nên vai trò của thầy cũng đã thay đổi đáng kể so với trước.
4. Đó đây, ta nghe những chuyện không hay trong quan hệ thầy – trò, như thầy trò đánh nhau, trò hành hung thầy, thầy trò yêu nhau/lấy nhau một cách trái đạo đức, thầy gạ gẫm trò… Những điều đó có lẽ không phải bây giờ mới có nhưng cùng với nhiều sự thay đổi trong nhìn nhận về nghề dạy học, tinh thần trọng thầy cũng đã thay đổi, thậm chí là sụt giảm nghiêm trọng. Dĩ nhiên, ta không thể kéo xã hội lùi lại như trước, nhưng không vì thế mà không quan tâm đến việc gìn giữ truyền thống tôn sư trọng đạo. Trước hết, bản thân người thầy phải thực sự “ra thầy”, cả về năng lực lẫn tư cách, đạo đức, cả ở xử sự trong nhà trường và ứng xử bên ngoài, cả khả năng truyền thụ kiến thức lẫn vai trò truyền cảm hứng. Người thầy không “ra thầy” thì gần như không thể yêu cầu người học phải “ra trò” được! Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục (nhất là nhà trường) cần tách dần các hoạt động ngoài chuyên môn ra khỏi công việc thường xuyên của giáo viên (như người trực tiếp đứng lớp thì không nên kiêm thêm công việc giám thị, thu tiền, làm sổ sách…) để người thầy có thể toàn tâm toàn ý cho việc giảng dạy và không để các việc đó tác động đến vai trò, hình ảnh người thầy. Dĩ nhiên, xã hội phải lên án mạnh mẽ những trường hợp người thầy làm sai chức trách của mình hay người học báng bổ tinh thần tôn sư, đồng thời với việc biểu dương, khích lệ những tấm gương sáng về tình thầy trò. Có như vậy, hình ảnh người thầy mới thực sự sáng đẹp trong lòng người học và trong xã hội, qua đó khẳng định vai trò người thầy vẫn luôn cao cả và nghề giáo vẫn luôn đẹp đẽ dù xã hội có biến thiên thế nào!
ThS. Nguyễn Minh Hải
Bình luận (0)