Đã từ lâu, mặc báo chí, các phương tiện truyền thông, đề cập, phản ánh rất nhiều tới tình trạng người dân nuôi chó và để chó thả rông ra ngoài đường phố, nơi công cộng, gây nguy hiểm, làm mất an toàn giao thông, thế nhưng không ít hộ dân vẫn “phớt lờ” để nuôi chó theo ý mình, chứ không quan tâm tới dư luận hay những lời bàn ra tán vào, sự bực bội khó chịu của hàng xóm.
Thực tế thì Nghị định 90 năm 2017 cũng đã từng quy định rất rõ về việc xử lý chủ vật nuôi, khi thả rông chó tại nơi công cộng. Cụ thể, phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng với hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có ngư?i d?ời dắt, giám sát khi đưa chó ra nơi công cộng… Quy định và mức tiền phạt quá rõ ràng là vậy, song dường như cơ quan chức năng, chính quyền các tỉnh, thành phố vẫn còn chưa thật mạnh tay, chưa thật quyết liệt ngăn ngừa xử phạt trong vấn đề này, chính vì vậy mà có vẻ như người dân nuôi chó không cảm thấy sợ, nên tình trạng chó thả rông vẫn chạy lông nhông đầy đường phố, các nơi công cộng nói chung, gây nguy hiểm cho mọi người.
Vấn đề chó nuôi không đeo rọ mõm khi xuất hiện tại nơi công cộng bấy lâu nay luôn mang tới cho người dân nói chung nỗi hãi hùng không chỉ vì sợ nó cắn gây thương tích, mà còn lo ngay ngáy vì… bệnh dại! Và thực tế, nếu khi bị chó cắn tâm lý của tất cả chúng ta là đều lo sợ và tự hỏi xem con chó ấy có bị mắc virus dại không(?!). Nếu không đi tiêm phòng thì sẽ sống nơm nớp trong lo lắng, sợ hãi vì nhỡ không may khi phát hiện ra chó bị dại thì lúc đó “hối” cũng không còn kịp nữa; mà “chắc ăn” đi tiêm phòng dại ngay, dù an tâm thật đấy nhưng cũng mang tới nhiều phiền phức, tốn kém về tiền bạc…
Ngoài vấn đề gây thương tích, tiềm ẩn nguy cơ nhiễm virus dại khi bị chó cắn, thì tình trạng người dân nuôi chó và để chó thả rông còn mang tới sự nguy hiểm khôn lường không thể không kể tới, đó là: tai nạn giao thông!
Đúng vậy, trong chúng ta chắc chắn nhiều người đều cảm thấy ngán ngẩm khi đang điều khiển phương tiện trên đường, nhất là xe đạp, xe gắn máy mà bất chợt bị một con chó lao vào, khiến không kịp xử lý, rồi bị loạng choạng tay lái, và té ngã ra đường. Nếu ai đang đi với tốc độ chậm mà bị té ngã thì thương tích còn nhẹ, chứ ai đang phóng với tốc độ cao, lại không thể xử lý kịp (hãm phanh gấp, hay đánh lái tránh), thì hậu quả thương tích sẽ là rất nặng nề. Chính tôi đây đã từng vài lần là “nạn nhân” khi đang chạy xe máy trên đường thì bị chó nuôi lao từ trong nhà, trong sân ra đường, bất thình lình đâm phải xe, khiến tôi té ngã, và cả chó cũng què cẳng. Rất may là những lần va chạm với chó thả rông đó, tôi đều chạy xe chậm nên chỉ bị xây xát nhẹ, chứ không thì hậu quả chắc chắn sẽ rất khó lường. Hay như một vụ tai nạn khác của người cháu học lớp 7, con chị gái tôi, trong một lần đi học về, lúc đạp xe ngang qua một nhà dân, do tránh con chó chạy sang đường đã té ngã, dẫn tới bị gãy tay phải bó bột. Vì tình làng nghĩa xóm, không muốn làm “to” chuyện, vợ chồng chị gái tôi đã không kêu kiện tụng gì, mà chỉ nhắc nhở, góp ý để gia đình đã gián tiếp gây tai nạn cho cháu tôi, đừng bao giờ để chó thả rông chạy ra đường như vậy nữa.
Các vụ tai nạn rồi dẫn tới bị thương kiểu “tai bay vạ gió” mà không ít người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường gặp phải chó thả rông, từ xưa ở nước ta là rất nhiều, thậm chí cách đây mấy năm, cụ thể là vào tháng 4-2017 đã xảy ra một vụ tai nạn vô cùng thương tâm tại địa bàn xã Ea Bhock, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk, khi hai vợ chồng sinh sống trên địa bàn đi xe gắn máy trên đường, sau khi tông trúng một con chó bất thình lình chạy qua đường, đã té ngã vật ra đường, lúc này chiếc xe ô tô ben mà tài xế không làm chủ được tình huống lao tới cán qua khiến cả hai tử vong tại chỗ.
Một vụ tai nạn giao thông cũng liên quan tới chó thả rông xảy ra tại TP.Đà Nẵng, đó là vào ngày 4-3-2021 mới đây trên đường Phan Tứ, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn. Vào thời điểm đó anh Trần Văn Quốc (19 tuổi quê Quảng Nam), sinh viên Trường Đại học FPT, điều khiển xe gắn máy lưu thông trên đường, do tránh một con chó đang chạy qua đường, anh Quốc không may mất lái ngã xuống đường ngất xỉu. Nạn nhân bị trầy xước nhiều chỗ trên cơ thể, bị thương nặng ở vùng miệng, mặt, phải vào viện cấp cứu, phương tiện bị hư hỏng nhẹ.
Qua vụ tai nạn giao thông mới nhất kể trên, và rất nhiều các vụ tai nạn khác có nguyên nhân từ chó thả rông chạy lông nhông ngoài đường, một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động “nhắc nhở” cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương, cần phải kiên quyết và quyết liệt hơn nữa trong việc ngăn chặn, đồng thời xử lý thật mạnh tay tình trạng người dân để chó nói riêng và các loại vật nuôi nói chung thả rông, chạy ra đường, nơi công cộng. Ngoài ra, để mọi người dân không còn phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ bị chó cắn, hay đâm phải chó mỗi khi chạy xe trên đường, thiết nghĩ các hộ gia đình nuôi chó làm cảnh, nuôi trông giữ nhà ở nước ta cũng cần phải tự ý thức để tuân thủ quy định theo khuôn khổ, nghĩa là: phải tiêm phòng bệnh dại cho chó, tuyệt đối không để chó nuôi thả rông ra đường phố, và khi dắt chó ra nơi công cộng phải có dây xích giám sát cùng rọ mõm để đảm bảo sự an toàn…
Nguyễn Long (TP.Hồ Chí Minh)
Chó thả rông cần phải phạt thật nặng…
Bình luận (0)