Ngoại ngữ - Du họcThông tin du học

Được trả 100 ngàn USD để… không học Đại học

Tạp Chí Giáo Dục

20 bạn trẻ tài năng có độ tuổi dưới 20 được Quỹ Thiel của tỉ phú Mỹ Peter Thiel chọn cấp học bổng trị giá 100 ngàn USD để theo đuổi giấc mơ “thay đổi thế giới” trong thời gian 2 năm mà không cần phải tốt nghiệp đại học.

Tỉ phú Peter Thiel nổi tiếng ở Thung lũng Silicon, Mỹ vừa sáng lập quỹ học bổng trị giá 2 triệu USD dành cho các bạn trẻ muốn thay đổi thế giới.

Quỹ Thiel do tỉ phú Peter Thiel nổi tiếng ở Thung lũng Silicon, Mỹ sáng lập có trị giá 2 triệu USD. Chương trình học bổng đặc biệt này của Thiel được gọi là “20 under 20”. Mục tiêu độc đáo của Thiel là: Những người này đã được trả tiền để không đi học đại học. Thay vào việc miệt mài ở giảng đường ĐH, những cô cậu ở độ tuổi 20 này đang kiếm được 100.000 USD để theo đuổi mơ ước kinh doanh của họ trong 2 năm tới.
Nick Cammarata là một trong số 20 bạn trẻ được tỉ phú Thiel chọn cấp học bổng. Hồi học trung học, Nick Cammarata thích đọc sách về những vấn đề làm cậu thích thú hơn là chú tâm vào học hành. Năng khiếu về mã hóa giúp cậu vào học chương trình Khoa học máy tính danh giá tại Trường đại học Carnegie Mellon dù điểm số thấp. Nhưng nhà lập trình 18 tuổi này sẽ không đi học đại học trong mùa thu tới.
"Dường như việc theo đuổi dự án này là điểm hoàn hảo trong cuộc sống của chúng tôi", Cammarata ở Newburyport, bang Massachusetts, người cùng với chàng trai 17 tuổi David Merfield sẽ làm việc về phần mềm để mang đến cách tiếp cận chuẩn cho việc giảng dạy ở các lớp học trung học.
Merfield, người tốt nghiệp xuất sắc ở trường trung học, cũng từ chối cơ hội học tại Trường ĐH danh tiếng Princeton để tham gia dự án này.
Tỉ phú Thiel đã tự tay chọn những bạn trẻ này dựa vào năng lực của những dự án thay đổi thế giới của họ.
Còn trong số những bạn trẻ khác được Peter Thiel cấp học bổng, một người muốn tạo ra một hệ thống ngân hàng di động cho những nước đang phát triển; một người muốn tạo ra các nhiên liệu sinh học giá rẻ hơn; một người muốn tạo các robot biết làm việc nhà.
Các giải thưởng này được tỉ phú Thiel trao vào thời điểm khi cuộc tranh luận ở Mỹ về giá trị của giáo dục ĐH trở nên nảy lửa. Những tân cử nhân vốn “ngập” trong khoản vay thời sinh viên đang tiến vào thị trường việc làm trở nên khó khăn nhất tính trong mấy thập kỷ qua ở Mỹ. Học phí tăng và triển việc nghề nghiệp thu hẹp đang khiến nhiều người phải đặt câu hỏi liệu việc học ĐH có thực sự đáng với khoản tiền và thời gian bỏ ra hay không.
"Biến mọi người thành con nợ khi họ là sinh viên ĐH không phải là cách chúng ta xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn", Thiel nói.
Chính Thiel đã phát tài khi là người đồng sáng lập dịch vụ thanh toán trực tuyến PayPal ngay sau khi tốt nghiệp Trường Luật Stanford. Sau đó, anh trở thành nhà đầu tư lớn đầu tiên vào Facebook.
Với giải thưởng "20 Under 20" nói trên, Thiel tin rằng những bộ óc trẻ tuổi giỏi nhất có thể đóng góp nhiều hơn cho xã hội bằng cách bỏ học ĐH và mang những ý tưởng của mình áp dụng thẳng vào thế giới hiện đại.
Chính ví dụ sáng ngời của Facebook đã ủng hộ quan điểm này của Thiel: khả năng tiềm tàng của ý tưởng của Mark Zuckerberg – người bỏ học ĐH Harvard đã khiến Thiel đầu tư 500.000 USD cho Facebook, và bây giờ khoản tiền này đáng giá hàng tỷ USD.
Thiel cho biết với chương trình "20 Under 20", những người phê phán anh hãy chờ đợi và xem những bạn trẻ đạt được gì trong 2 năm tới.
John Burnham, một trong 20 bạn trẻ nhận học bổng độc đáo của Peter Thiel, đang quan sát robot được xây dựng để thu thập đất trên mặt trăng. Burnham được trả tiền để không đi học đại học và bắt tay vào làm một dự án khoa học đầy tham vọng trong đó có việc xây dựng các mỏ khoáng sản trên các hành tinh nhỏ. (Ảnh: AP)
Một bạn trẻ khác được Thiel trao học bổng 100 ngàn USD là John Burnham, 18 tuổi. Burnham tin rằng dân số thế giới đang tăng lên sẽ gây áp lực không lợi cho sự phát triển bền vững của các nguồn tài nguyên tự nhiên của hành tinh. Đó là lý do tại sao cậu đang tìm kiếm ở các thế giới khác để đáp ứng nhu cầu của nhân loại. Đặc biệt, cậu tin rằng việc khai thác khoáng sản ở các tiểu hành tinh có thể là một điều chủ chốt. Trong vòng 2 năm tới, Burnham sẽ nghiên cứu các công nghệ thúc đẩy tên lửa và khía cạnh kinh tế học của việc khai thác tài nguyên giữa các hành tinh.
"Học bổng này phù hợp hơn nhiều với tính cách của tôi hơn là việc học đại học sẽ có thể mang lại", Burnham cho biết. "Khi có cơ hội giành học bổng to lớn này, tôi không thể đợi chờ được nữa mà không bắt tay vào làm".
Theo Dân Trí

 

 

Bình luận (0)