Thương học sinh (HS) vùng cao thiếu thốn về mọi mặt, thầy giáo Lê Huy Phương, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Trà Tập (xã Trà Tập, Nam Trà My, Quảng Nam) đã có nhiều hoạt động, kết nối kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ để cải thiện bữa ăn dinh dưỡng cho HS, xây dựng kiên cố hơn 10 điểm trường lẻ. Đặc biệt, dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn, thầy đích thân làm tài xế đưa đón HS bị F0 vượt rừng về phố chữa trị.
Thầy Phương trên những chuyến xe đưa học trò vượt núi đi điều trị Covid-19
Câu chuyện cảm động tình thầy trò mùa dịch
Cuối tháng 10-2021, huyện Nam Trà My bất ngờ phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên. Chỉ vài ngày sau đó, con số ca mắc lên hơn 200 bệnh nhân, trong đó có nhiều HS và giáo viên. Trong vòng hơn 1 tuần, thầy Phương làm tài xế chạy hơn 12 chuyến xe lên xuống TP.Tam Kỳ để đưa F0 về các bệnh viện lớn điều trị. Không chỉ thế, chính thầy Phương còn làm tài xế đưa đón những thầy cô đang thuộc diện F1, F2 tham dự kỳ thi tuyển viên chức ngành giáo dục của tỉnh.
Nam Trà My là huyện miền núi nghèo, số lượng xe cứu thương hạn chế, với số ca mắc Covid-19 lớn là một khó khăn. Thời điểm đó, CLB Bạn thương nhau do anh Nguyễn Bình Nam làm chủ nhiệm đã tổ chức hỗ trợ bằng những chuyến xe mang tên “Nghĩa đồng bào”. Có xe nhưng tài xế sẵn sàng chở F0 vượt 130km đường rừng núi về TP.Tam Kỳ là một vấn đề khó giải quyết. Ngay lúc đó thầy Phương viết đơn tình nguyện chạy xe. Nhận được sự đồng ý, những chuyến xe do thầy cầm lái đã bắt đầu hành trình ngược xuôi trên cung đường núi đưa học trò về thành phố chữa trị. Thầy Phương nói, bệnh nhân hầu hết là HS nên thầy làm tài xế đưa các em đi để nếu có gì trục trặc thì kịp thời hỗ trợ. Sau mỗi chuyến thầy còn kết nối Zalo, Facebook để thăm hỏi các em thường xuyên, nhắc nhở và động viên các em điều trị tốt để sớm phục hồi. Thầy cũng làm cầu nối đến các nhóm thiện nguyện, các mạnh thường quân để ủng hộ cho học trò những thứ còn thiếu thốn. Thầy Phương bảo: “Nhớ nhất là chuyến đầu tiên, đưa trò về rồi trở lại vẫn cứ nôn nao lo lắng. Lo vì các em lần đầu tiên xa nhà trong tình trạng bệnh tật nhưng không có ba mẹ, thầy cô bên cạnh. Dần rồi nhận được tin nhắn của các em, của bác sĩ nên mình thấy an tâm hơn. Nhiều chuyến đi trở về đến Nam Trà My đã 2 giờ sáng, mệt nhoài. Cũng có chuyến, xe về đến Nam Trà My giữa đêm mưa lại thủng lốp, may lúc đó xe trống”, thầy Phương kể lại.
Mỗi chuyến xe đưa trò về bệnh viện, thầy Phương sau đó đều tìm đến các chỗ đất trống vắng người để nghỉ ngơi và dùng vội bữa cơm. Hỏi thầy có lo lắng vì lây nhiễm không, thầy Phương không ngần ngại nói: “Khi quê hương gặp khó khăn, nhất là chính các em học trò bị bệnh thì mình cùng chung tay góp sức thôi. Mọi lo lắng đều gác qua một bên”. Những ngày đó, căn nhà nhỏ của thầy ở Nam Trà My được ngăn đôi hai phòng biệt lập, mỗi chuyến xe trở về thầy Phương cách ly hẳn trong phòng. Cơm nước và những gì cần thiết đều được cô Phan Thị Hồng Vân – vợ thầy chuẩn bị đầy đủ đặt trước cửa phòng.
Thầy Phương cùng học trò ở Trà Tập
Hàng chục chuyến xe đi về trong hơn 1 tuần lễ, thầy Phương nói, hạnh phúc nhất là chuyến xe đưa học trò khỏi bệnh trở lại vùng núi Nam Trà My. “Đường về nhà hôm đó thật gần, trong lòng hân hoan chưa từng thấy. Nhìn các con khỏe mạnh trở về, mình như trút được gánh nặng lo âu”.
Vận động góp cơm bán trú, xây trường cho học trò
Thầy Phương cũng sinh ra và lớn lên ở miền núi Quảng Nam nên hơn ai hết thầy hiểu những thiếu thốn lẫn khát khao của các em nhỏ. Khi trở thành giáo viên, thầy quyết định quay về xã Trà Vân nhận nhiệm vụ dạy học, dù giao thông đi lại cực kỳ khó khăn, trường lớp còn nghèo nàn, tre nứa tạm bợ… thầy vẫn âm thầm khát vọng giúp học trò vùng núi cao cải thiện điều kiện đến trường.
Tròn 22 năm qua, thầy Lê Huy Phương đã âm thầm góp sức mình để mang lại cho học trò vùng núi cao này những bữa cơm no, đôi dép và chiếc áo ấm, căn phòng học vững chãi… Giúp các em vượt qua mọi khó khăn để đến trường. Với thầy Phương, nụ cười hạnh phúc của các em chính là món quà 20-11 quý giá nhất đối với nghề giáo của thầy. |
“Cắm bản” ở Trà Vân ngót 15 năm, năm 2015, thầy Phương chuyển về làm Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Trà Tập. Đến công tác xã khác nhưng cái khó vẫn như nhau. Trà Tập ngoài trường chính còn có 11 điểm trường lẻ ở các thôn bản. Điểm xa nhất phải mất hơn 4 giờ đi bộ. Học trò ít khi có được bữa cơm no, tấm áo lành lặn. Thương nhất là những ngày mùa đông lạnh cắt da, buốt thịt, những đứa trẻ cứ co ro, tím tái.
“Phải hành động ngay lúc này” – thầy Phương tự nhủ và bắt đầu đăng những tâm tư của mình lên mạng Facebook, Zalo. Ban đầu thầy Phương kết nối với các mạnh thường quân xin hỗ trợ bữa cơm có thịt cho học trò ở các điểm trường lẻ. Thời điểm ấy bạn bè của thầy qua mạng xã hội ngày một đông dần lên và có ở khắp nơi, nhiều nhất là TP.HCM. Xin được kinh phí, thầy vận động giáo viên tranh thủ nấu cơm giúp học trò để tiết kiệm chi phí. Dần dần, thầy chuyển sang xin cho học trò thêm đôi dép, cái áo ấm, tập vở…
Ba năm trước, để giúp nâng cao đời sống cho học trò, thầy Phương đã phát động phong trào trồng rau và chăn nuôi để tăng bữa ăn dinh dưỡng cho các em. Vào ngày cuối tuần, giờ sinh hoạt ngoại khóa, vườn rau không chỉ là nơi giáo viên và HS canh tác để cải thiện bữa ăn mà còn để giúp các em rèn luyện kỹ năng, trải nghiệm.
Khi trò có cơm ăn, áo mặc, thầy bắt đầu nghĩ xa hơn đến những ngôi trường tre nứa tạm bợ. Lại đi xin. Đầu tiên thầy chia sẻ với CLB Kết nối yêu thương Nam Trà My – nơi thầy tham gia hoạt động nhiều năm để cùng tìm đến các mạnh thường quân nhờ hỗ trợ. Chỉ trong vòng 3 năm, lần lượt 9 điểm trường lẻ tạm bợ ở Trà Tập được thay bằng gỗ.
Phan Lệ
Bình luận (0)