Hội nhậpGiáo dục phát triển

Tuyển sinh Bách khoa 2022: Kết hợp học lực và hoạt động xã hội

Tạp Chí Giáo Dục

Dự kiến, Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM) sẽ kết hợp nhiều tiêu chí để đánh giá toàn diện năng lực của thí sinh.
TUYỂN SINH KẾT HỢP SẼ LÀ PHƯƠNG THỨC CHỦ ĐẠO
Tại Hội nghị Thường niên 2021 diễn ra vào cuối tháng 12/2021 của ĐH Quốc gia TP.HCM (ĐHQG-HCM), PGS.TS. Vũ Hải Quân đã công bố chủ đề “Mô hình tự chủ – Vươn tầm thế giới” cho năm 2022 và các năm tiếp theo của giai đoạn 2021-2025. Theo đó, một trong những hoạt động mang tính thúc đẩy năng lực hội nhập quốc tế cho nhà trường chính là đổi mới tuyển sinh theo hướng đánh giá toàn diện năng lực của người học.
Sinh viên ngành Kỹ thuật Ô tô – chương trình Chất lượng cao, Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM) đang thực hành tại xưởng.
Là thành viên nòng cốt của ĐHQG-HCM, Trường ĐH Bách khoa chủ động đi đầu trong công tác đổi mới tuyển sinh. Cụ thể, theo phương án tuyển sinh năm 2022 dự kiến, trường sẽ tuyển sinh theo hình thức kết hợp các tiêu chí để đánh giá toàn diện năng lực thí sinh ở nhiều lĩnh vực như: học tập, hoạt động xã hội, văn – thể – mỹ, bài luận, thư giới thiệu, phỏng vấn với hội đồng tuyển sinh.
Năng lực học tập bao gồm kết quả học tập ở bậc THPT, kết quả kỳ thi Tốt nghiệp THPT, kỳ thi Đánh giá năng lực… cũng như các chứng chỉ tuyển sinh quốc tế, chứng chỉ ngoại ngữ. Trong đó, kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực là một thành tố quan trọng của phương thức kết hợp này, vì qua khảo sát thực tế từ năm 2018 (năm đầu tiên kỳ thi Đánh giá năng lực được tổ chức), những sinh viên trúng tuyển bằng kết quả kỳ thi này hầu hết đều thể hiện tốt năng lực học tập tại trường.
Năng lực hoạt động xã hội, văn – thể – mỹ được thể hiện qua mọi hoạt động học sinh tham gia ngoài chương trình học tập bắt buộc. Nói cách khác, đó là những hoạt động ngoại khóa: từ các sự kiện tại câu lạc bộ, nghiên cứu, khóa học, dự án xã hội đến việc giữ các chức vụ trong lớp, trường hay thành tích thể thao, văn hóa, nghệ thuật.
Đối với các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến như Mỹ, Úc, hoạt động ngoại khóa là một trong những mảng hoạt động quan trọng góp phần phát triển và hoàn thiện nhân cách, bồi dưỡng năng khiếu và tài năng sáng tạo, rèn luyện các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống cho học sinh – sinh viên. Thông qua hoạt động xã hội, các ĐH hiểu rõ thí sinh là ai, quan tâm điều gì và có thể đem tới những giá trị gì cho ngôi trường mà thí sinh dự tuyển.
Dự kiến đây sẽ là phương thức tuyển sinh chủ đạo của Trường ĐH Bách khoa từ năm 2022.
Ngoài phương thức tuyển sinh kết hợp của Trường ĐH Bách khoa, ĐHQG-HCM còn đề nghị các trường thành viên cần tăng tối thiểu 2% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ tuyển sinh quốc tế.
Sinh viên các chương trình đào tạo quốc tế của Trường ĐH Bách khoa.
TUYỂN SINH HAI NGÀNH MỚI, THÊM CHUẨN SƠ TUYỂN TIẾNG ANH
Năm 2022, Trường ĐH Bách khoa sẽ tuyển hơn 5.000 chỉ tiêu trình độ ĐH chính quy cho các chương trình Đại trà (35 ngành, giảng dạy bằng tiếng Việt), Chất lượng caoTiên tiến (19 ngành, giảng dạy bằng tiếng Anh), Chuyển tiếp Quốc tế (9 ngành, giảng dạy bằng tiếng Anh), Chất lượng cao Tăng cường Tiếng Nhật (2 ngành, giảng dạy tăng cường tiếng Nhật), Tăng cường Tiếng Nhật (1 ngành, giảng dạy tăng cường tiếng Nhật).
Để tham gia dự tuyển các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh (Chất lượng cao, Tiên tiến, Chuyển tiếp Quốc tế), thí sinh phải đạt IELTS ≥ 4.5 hoặc tương đương. Nếu chưa, thí sinh phải vượt qua kỳ thi sơ tuyển tiếng Anh của nhà trường. Chuẩn tiếng Anh chính thức để vào học chương trình chính khóa của các chương trình này là IELTS ≥ 6.0 hoặc tương đương.
Song song đó, nhà trường còn dự kiến mở thêm ngành Kỹ thuật Vật liệu (chương trình Chất lượng cao) nhằm phục vụ chiến lược phát triển ngành vật liệu hiện đại, tiên tiến, đạt chuẩn mực quốc tế của đất nước; và ngành Công nghệ Sinh học (chương trình Chất lượng cao), góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu, bào chế các sinh phẩm phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và chăm sóc sức khỏe người dân Việt Nam (đặc biệt là các sinh phẩm hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19).
P.V

Bình luận (0)