90-95% là tỷ lệ thất bại của doanh nghiệp khởi nghiệp, đây là con số không riêng ở Việt Nam mà cả khu vực và thế giới. Tuy nhiên, theo những người trong cuộc, nếu được trang bị kiến thức quản trị, gọi vốn, giải quyết thách thức…, doanh nghiệp khởi nghiệp có thể lường trước rủi ro thất bại.
TP.HCM hiện có hơn 2.000 doanh nghiệp khởi nghiệp với hoạt động chính là cung cấp giải pháp công nghệ cao ở các lĩnh vực. Trong ảnh: Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm công nghệ sau thu hoạch
Doanh nghiệp khởi nghiệp bứt phá
TS. Huỳnh Thanh Điền (chuyên gia kinh tế) nhìn nhận, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến không ít doanh nghiệp rơi vào cảnh khó khăn, thậm chí phá sản. Tuy nhiên, trong nguy có cơ, đến thời điểm này có nhiều doanh nghiệp đã tự vực dậy và phát triển mạnh nhờ vào sự sáng tạo trong tiếp cận công nghệ vận hành sản xuất, kinh doanh. Trong số đó có những doanh nghiệp khởi nghiệp gần như không tên tuổi lại nổi lên và trở thành những doanh nghiệp có giá trị lớn. “Có khó khăn mới thay đổi, có hướng đi mới trên nền tảng công nghệ mới với mục đích cuối cùng là giảm chi phí, tăng năng suất và hạ giá thành sản phẩm”, TS. Điền nói.
Theo thống kê của Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp (Hội Liên hiệp Thanh niên TP.HCM), năm 2021, tổng vốn đầu tư mạo hiểm vào các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam đạt hơn 1,4 tỷ USD, trong đó phần lớn là các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM. Đây là con số kỷ lục mặc dù thời điểm này cả thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức do dịch Covid-19. Năm 2021, TP.HCM cũng có tên trong nhóm 200 thành phố khởi nghiệp toàn cầu, tăng 46 bậc và vươn lên vị trí thứ 179. Đánh giá bức tranh khởi nghiệp thời gian qua và dự báo trong 2 năm tới của các chuyên gia khởi nghiệp, với hơn 2.000 doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay và lĩnh vực hoạt động chính là cung cấp giải pháp công nghệ cao ở các lĩnh vực, TP.HCM sẽ là điểm đến đầu tư tiềm năng mà các quốc gia trong khu vực đang nhắm đến.
Phân tích về tỷ lệ thất bại của các doanh nghiệp khởi nghiệp trong thời gian qua, ông Nguyễn Anh Thi (Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM) cho rằng do các doanh nghiệp khởi nghiệp còn non trẻ, khả năng dự báo rủi ro còn hạn chế và đặc biệt là không được tiếp cận nhà đầu tư. Trong khi đó, ông Đặng Đức Thành (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn Green+) chỉ rõ nguyên nhân là do các doanh nghiệp chưa đi đúng hướng, chưa chọn đúng lĩnh vực khởi nghiệp. Bằng chứng là hầu hết các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công hoạt động trong lĩnh vực cung cấp giải pháp công nghệ từ khâu sản xuất, nuôi trồng, chế biến, logistics, tài chính, giáo dục… “Với mục tiêu góp phần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và mở rộng mạng lưới hoạt động, chúng tôi mong muốn được đồng hành cùng các hoạt động khởi nghiệp của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung”, ông Thành cam kết.
Đào tạo khởi nghiệp từ bậc phổ thông
Sau nhiều năm giảng dạy và thực hiện các dự án cộng đồng tại Việt Nam, TS. Diệp Nguyễn (giảng viên Khoa Kỹ thuật công nghệ thông tin, Trường ĐH Sydney, Úc) đánh giá Việt Nam có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với mạng lưới chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước mạnh. Tuy nhiên, để hệ sinh thái này phát triển bền vững cần có một đội ngũ chuyên gia cùng tham gia, họ được đào tạo bài bản từ các trường ĐH, viện nghiên cứu. Việc đào tạo khởi nghiệp ngay từ bậc phổ thông và hướng tới thành lập các trường ĐH khởi nghiệp là cần thiết. Bởi thực tế hiện nay, trong quá trình xây dựng doanh nghiệp khởi nghiệp, phần lớn các bạn trẻ làm vì đam mê, nhiệt huyết chứ chưa nắm vững kiến thức vận hành doanh nghiệp, cách thức gọi vốn hay kỹ năng giải quyết các thử thách. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp bỏ cuộc.
Cũng theo TS. Diệp Nguyễn, hệ sinh thái khởi nghiệp không thể thiếu sự hợp tác giữa các viện nghiên cứu, trường ĐH và doanh nghiệp, cụ thể là hợp tác chuyển giao kết quả nghiên cứu, thương mại hóa sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp, của giảng viên, sinh viên, học sinh. Đây là hình thức hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường và xây dựng thương hiệu.
“Hệ sinh thái khởi nghiệp không thể thiếu sự hợp tác giữa các viện nghiên cứu, trường ĐH và doanh nghiệp, cụ thể là hợp tác chuyển giao kết quả nghiên cứu, thương mại hóa sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp, của giảng viên, sinh viên, học sinh. Đây là hình thức hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường và xây dựng thương hiệu”, TS. Diệp Nguyễn (giảng viên Khoa Kỹ thuật công nghệ thông tin, Trường ĐH Sydney, Úc) nói. |
Cùng quan điểm với TS. Diệp Nguyễn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Năng Khánh chia sẻ, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu của giảng viên, sinh viên, học sinh chính là xây dựng, hun đúc tinh thần khởi nghiệp. Trước yêu cầu về chuyển đổi số trong các lĩnh vực, ngành nghề thì không thể thiếu tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp trong sinh viên, học sinh. “Nhiều sản phẩm tích hợp công nghệ cao do sinh viên, học sinh nghiên cứu và chế tạo giải quyết được nhiều thách thức trong cộng đồng. Cụ thể, trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, nhiều mô hình, sản phẩm như máy đo thân nhiệt từ xa, máy lạnh tích hợp diệt khuẩn, hệ thống cảnh báo dịch bệnh, robot tiếp tân bệnh viện… do học sinh, sinh viên trường nghề chế tạo đã được một số đơn vị đặt hàng. Đây là những sản phẩm công nghệ có thể thương mại hóa thành công và là tiền đề cho khởi nghiệp với chính nghề các em đang học. Tuy nhiên, để sản phẩm ứng dụng rộng rãi, mang lại giá trị cao trong cộng đồng thì vai trò dẫn dắt, kết nối của nhà trường, doanh nghiệp và các đơn vị thụ hưởng là rất quan trọng”, ông Khánh khẳng định.
Từng thất bại trong hoạt động khởi nghiệp, chị Lê Chi (CEO một chuỗi cửa hàng ăn uống tại TP.HCM) khuyên: Không có lý do gì chúng ta không nghĩ đến chuyện khởi nghiệp khi hiện nay đã có nhiều chương trình hỗ trợ, nhất là bài học của những người đi trước. Ngoài ra, bên cạnh chúng ta còn có các chuyên gia, nhà đầu tư… Câu chuyện khởi nghiệp quá dài, quá lớn và khó có thể đoán định sẽ như thế nào. Tuy nhiên, khi đã có những điều kiện thuận lợi thì cứ mạnh dạn bắt tay làm. Tỷ lệ khởi nghiệp thành công 5-10%, còn 90-95% thất bại cũng là chuyện bình thường, nhưng thất bại đó đã đem lại bài học kinh nghiệm gì và trách nhiệm của mình ra sao mới là chuyện đáng quan tâm. “Nói thế không có nghĩa là chúng ta bất chấp, liều mình mà phải cân nhắc, phân tích khả năng rủi ro và chấp nhận rủi ro ở mức nào. Bài học quý giá sau thất bại là tư duy, nhận thức thay đổi và có phương pháp tiếp cận mới để kinh doanh. Các bạn trẻ ra trường, từ chối đi làm thuê hoặc làm thuê một thời gian để tích lũy kinh nghiệm giúp khởi nghiệp thuận lợi hơn. Đó là các bạn đã dũng cảm dấn thân, đã thử thách mình. Tuy nhiên, quan trọng hơn hết đó là động lực sáng tạo, am hiểu thị trường, xu hướng tiêu dùng…”, chị Lê Chi đúc kết.
Bài, ảnh: Trần Trọng Tri
Bình luận (0)