Ngoại ngữ - Du họcThông tin du học

Học bổng du học: dễ mà khó!

Tạp Chí Giáo Dục

Hầu hết các nước phát triển đều có chương trình học bổng dành cho các nước đang phát triển. Bên cạnh đó, họ còn có những chính sách ưu tiên, hỗ trợ sinh viên trong và ngoài nước theo học những ngành nghề nhất định mà mỗi nước muốn đẩy mạnh. Đó là cơ hội có thể nắm lấy với một chút nghệ thuật…

Nhiều cơ hội
Để tìm được học bổng du học, trước hết ứng viên nhất thiết phải giỏi ngôn ngữ của nơi dự định du học. Với tiếng Anh, ứng viên phải có chứng chỉ IELTS hay TOEFL ở một thang điểm nhất định trong thời hạn hai năm kể từ ngày thi. Và ứng viên khi tìm học bổng phải biết mình muốn kiếm loại học bổng nào. “Học viên nên xác định rõ muốn xin học bổng từ trường học hay của các tổ chức liên quan, học bổng bán phần hay toàn phần. Thông thường học bổng đại học rất hiếm, phần lớn là học bổng dành cho sau đại học, nghiên cứu sinh và các khoá đào tạo nghề ngắn hạn. Ứng viên nên bắt đầu tìm kiếm tại website chính thức của các đại học có uy tín hay các chương trình học bổng của chính phủ”, bà Hoàng Lan, chuyên viên tư vấn du học Úc (IDP) khuyên.

Săn học bổng là cả một nghệ thuật. Ảnh: Hồng Thái

Thông thường các trường đại học khi cấp học bổng không đặt ra yêu cầu đối tượng ứng viên và những cam kết sau khi hoàn tất quá trình học tập. Nhưng với các chương trình học bổng của chính phủ hoặc của các tổ chức, ứng viên phải đáp ứng những yêu cầu về độ tuổi và kinh nghiệm làm việc, sau khi ra trường phải cam kết phục vụ trong lĩnh vực nào đó theo thời gian nhất định.
Trước khi xin học bổng, các ứng viên cần tìm hiểu rõ hệ thống giáo dục từng nước và các chương trình đào tạo, cũng như những ngành nghề ưu tiên hay thế mạnh của họ. “Như nước Đức, hệ đại học được miễn học phí, nên sinh viên du học chỉ phải đóng tiền ăn ở, bảo hiểm y tế”, chị Thu Hạnh – phụ trách giáo dục tại viện Goethe TP.HCM cho hay.
Nghệ thuật xin học bổng
Hầu hết việc nộp hồ sơ xin học bổng từ chương trình của các tổ chức và chính phủ hoàn toàn miễn phí, trừ chi phí gửi hồ sơ qua bưu điện. Với một số nước, ứng viên phải có thư chấp thuận nhập học của một đại học có trong danh sách chương trình. Với các nước châu Âu, đơn chấp thuận có thể đăng ký miễn phí trực tuyến. Có nước phải đóng phí như đại học Úc thu phí khi xét duyệt đơn xin học bổng. Thông tin chi tiết đều có trên website của trường. Việc hồ sơ xin học bổng được nhận không đảm bảo ứng viên sẽ có học bổng. Một trong những điều kiện quyết định chính là hồ sơ.
“Viết hồ sơ xin học bổng là một nghệ thuật. Ngoài việc chuẩn bị tất cả giấy tờ cần thiết, phần viết tự luận phải thật sự tạo ấn tượng và không quá số chữ cho phép. Những người nhận và xét duyệt học bổng phải đọc rất nhiều đơn xin học bổng nên việc viết tự luận hay và thuyết phục sẽ tạo ấn tượng tốt đối với hội đồng xét duyệt. Hãy thuyết phục hội đồng xét học bổng vì sao bạn xứng đáng được nhận học bổng, và việc bạn du học sẽ mang lại lợi ích gì cho đất nước bạn, cho nước cấp học bổng và rộng hơn là cho cộng đồng quốc tế. Để làm được điều đó, hãy đọc kỹ hướng dẫn quy trình nộp đơn và xin học bổng đi kèm. Tất cả các chương trình học bổng khi thông báo cho ứng viên đều có cẩm nang hướng dẫn quy trình thực hiện cũng như mọi yêu cầu đối với ứng viên” – đó là chia sẻ của chị Hoàng Mỹ Linh, công tác tại trung tâm Hạt nhân TP.HCM, thuộc viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, người nhận học bổng Endeavour của Chính phủ Úc năm 2010.
Theo SGTT

Thận trọng khi săn học bổng qua mạng
Hiện nay, có một số website tìm kiếm học bổng đáng tham khảo: http://scholarship-positions.com, http://www.fastweb.com, http://www.finaid.orghttp://www.smexpress.com, http://www.scholarships.com… Đây là những trang web tổng hợp các thông tin về học bổng, sẽ dẫn người tìm vào trang chủ của trường hoặc tổ chức để nộp hồ sơ trực tiếp.
Cần lưu ý, tờ US News&World Report và các trang mạng cung cấp thông tin học bổng nghiêm túc đều cảnh báo sinh viên quốc tế nộp đơn xin học bổng qua mạng về một số dấu hiệu lừa đảo: yêu cầu trả lệ phí cho việc đăng ký tìm kiếm những thông tin học bổng; thông báo bạn nhận được học bổng trong khi bạn chưa bao giờ nộp hồ sơ; email thông báo bạn nhận được học bổng nhưng phải trả một khoản tiền nào đó; yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân chi tiết như thẻ ngân hàng, hộ chiếu…; học bổng “chỉ dành cho bạn” (nhà cung cấp học bổng hợp pháp luôn dành cơ hội cho mọi ứng viên); chương trình giải thưởng hay rút thăm trúng thưởng yêu cầu thông tin cá nhân, cam kết bạn sẽ được nhận học bổng nếu đăng ký nộp hồ sơ…


 

Bình luận (0)