Sau hơn 2 tháng đi vào hoạt động, mô hình xe sách lưu động do Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng phối hợp với nhiều trường học trên địa bàn Đà Nẵng thực hiện đã góp phần khơi dậy niềm đam mê đọc sách, tìm tòi kiến thức trong học sinh.
Đông đảo học sinh Trường THCS Lê Lợi tìm sách đọc tại chuyến xe sách
Sáng cuối tuần, sân trường THCS Lê Lợi (quận Ngũ Hành Sơn) trở nên rộn ràng bởi tiếng nói cười vui tươi của hàng trăm học sinh đến tham dự Ngày hội văn hóa đọc Đà Nẵng với chủ đề “Sách – kết nối tri thức và phát triển” với nhiều hoạt động như: thi hóa nhân vật bước ra từ trang sách, thời trang từ sách báo cũ, trưng bày sách… Ở một góc sân trường, chuyến xe chở sách lưu động của Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng với hàng ngàn đầu sách đã có mặt từ sớm. Những dãy ghế được bày biện ngay ngắn, học sinh phấn khởi đến tìm sách và say sưa đọc. Em Nguyễn Vũ Diệu Linh (học lớp 8/10 Trường THCS Lê Lợi) cho biết: “Đây là một hoạt động rất bổ ích, vừa giúp em có thêm kiến thức vừa có thể giải trí. Thông thường, em vẫn dành thời gian đến thư viện trường mượn sách đọc nhưng không nhiều, có xe sách đến tận sân trường giúp em có thể tìm sách hay để đọc, từ đó tích lũy thêm nhiều kiến thức phục vụ cho việc học. Em mong muốn thời gian tới sẽ có nhiều chuyến xe sách đến trường như thế này để em và các bạn có điều kiện tìm được nguồn sách phong phú hơn”. Còn với Nguyễn Thùy Linh (học lớp 9/9 Trường THCS Lê Lợi): “Em rất thích đọc sách. Cứ cuối tuần là em lại đến thư viện để tìm sách hay đọc. Theo đó, em tìm rất nhiều thể loại sách, lúc thì đọc sách giải trí, những câu chuyện vui; lúc khác thì đọc sách khoa học, giáo dục… Đọc nhiều sách giúp em có kiến thức phong phú, từ đó kết quả học tập tốt hơn”.
Đánh giá về tầm quan trọng của việc đọc sách trong nhà trường, cô Trương Thị Thiện (giáo viên môn văn Trường THCS Lê Lợi) cho rằng việc đọc sách sẽ bồi bổ rất nhiều kiến thức cho học sinh trong bất cứ môn học nào, nhất là môn văn. Ngoài SGK, việc mở rộng tìm đọc các sách khác sẽ giúp học sinh liên tưởng và hiểu sâu hơn về kiến thức, tạo ra sự kết nối tri thức rất tốt cho các em trong xu hướng phát triển toàn diện. Riêng với môn văn, việc học phối hợp với đọc sách và tham gia các chương trình ngoại khóa như hóa thân vào nhân vật bước ra từ trang sách giúp các em có sự hình dung cụ thể, hiểu sâu và hiểu kỹ hơn bài học. Trong khi đó, thầy Trần Đặng Mậu Vỹ (Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi) nhìn nhận, văn hóa đọc sẽ giúp hình thành nhân cách học sinh, giúp các em phát triển toàn diện về giáo dục và trí dục, rèn luyện các kỹ năng. Việc học tập, tìm hiểu tri thức bộ môn và cuộc sống thông qua kênh sách bằng hình thức đọc tuy là phương pháp truyền thống nhưng không hề cũ đối với người học. Chính vì vậy, để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhà trường đã đưa hoạt động văn hóa đọc trở thành nội dung ngoại khóa tới tất cả giáo viên và học sinh…
Ông Phạm Hồng Thái (Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng) cho biết xe sách lưu động là một mô hình thư viện thu nhỏ được thiết kế vừa là không gian đọc gồm 3.000 bản sách, trang thiết bị nghe nhìn hiện đại phục vụ cho việc đọc sách điện tử, truy cập internet…, vừa là nơi diễn ra các lớp học hướng dẫn học sinh tiếp cận và sử dụng thành thạo máy tính qua các game giáo dục, phần mềm ứng dụng đặt trên xe. Mục tiêu là phục vụ cộng đồng, đó là sách đi… tìm người, xây dựng và phát triển thói quen đọc sách trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thiếu nhi, học sinh. Theo ông Thái, thời gian tới thư viện sẽ đưa sách đến các trường ở vùng sâu, vùng xa với mục tiêu tất cả học sinh đều được tiếp cận với sách. “Những chuyến xe sách sẽ góp phần lan tỏa mạnh mẽ tinh thần đọc sách trong thời đại công nghệ số để gìn giữ tinh hoa và phát triển con người toàn diện”, ông Thái kỳ vọng.
Bài, ảnh: Hàn Giang
Bình luận (0)