Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cắt giảm thủ tục, rút gọn quy trình xét tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú

Tạp Chí Giáo Dục

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 35 ngày 2-4-2024 quy định về xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” (NGND, NGƯT).  So với Nghị định số 27 ban hành trước đó, Nghị định 35 có một số điểm mới để giải quyết vướng mắc trong thực tiễn áp dụng thời gian qua.


Giảng viên ĐH Kinh tế TP.HCM trong một giờ dạy

Những điểm mới này cũng hướng đến tiếp cận yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo; đặc biệt yêu cầu của việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo.

Cắt giảm thủ tục, rút gọn quy trình

Nghị định 35 quy định các thành tích để xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT phải đạt được trong thời gian công tác trong ngành giáo dục; không sử dụng thành tích đã được xét tặng các danh hiệu vinh dự Nhà nước để xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT. Cá nhân được hưởng lương và bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm tại đơn vị nào thì đề nghị xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT tại đơn vị đó.

Nghị định chia thành 7 nhóm đối tượng thống nhất nhằm thuận lợi cho các cơ sở giáo dục khi triển khai thực hiện. Nghị định cũng cắt giảm thủ tục hành chính, rút gọn quy trình, thời gian, cụ thể hóa các tiêu chí theo hướng định lượng tiêu chuẩn, tạo thuận lợi cho các đối tượng được xét tặng, cũng như các cấp hội đồng. Chỉ còn 3 cấp hội đồng (cấp cơ sở, cấp bộ/ban/ngành/tỉnh/ĐH quốc gia, cấp Nhà nước). Không quy định việc thành lập hội đồng xét tặng nhà giáo tại các cơ sở giáo dục, đơn vị; việc lấy phiếu tín nhiệm, hướng dẫn khai hồ sơ, xác nhận hồ sơ, đánh giá uy tín, tầm ảnh hưởng của nhà giáo sẽ do hội đồng thi đua – khen thưởng đơn vị thực hiện.

Điều chỉnh hội đồng cấp tỉnh, hội đồng ĐH quốc gia đề nghị trình lên hội đồng cấp Nhà nước không qua hội đồng chuyên ngành của Bộ GD-ĐT để thực hiện đúng quy định của Luật Thi đua, khen thưởng; bảo đảm sự công bằng về số lượng cấp hội đồng đối với nhà giáo thuộc bậc học mầm non, phổ thông so với các bậc học khác.

Quan tâm nhóm đối tượng đặc thù

Một điểm mới đặc biệt trong Nghị định 35 là xây dựng tiêu chuẩn cho nhóm đối tượng đặc thù theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022. Cụ thể, thời gian công tác ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ được nhân hệ số 2 khi tính thời gian công tác để xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT.


Nhà giáo hiện đang công tác tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn… được hưởng chính sách ưu tiên khi đề nghị xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT

Nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục hiện đang công tác tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn hoặc trường, lớp dành cho người khuyết tật, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập được hưởng chế độ, chính sách ưu tiên khi đề nghị xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT.

Theo Bộ GD-ĐT, thực tế qua 16 lần xét tặng, các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giảng dạy học sinh khuyết tật, công tác tại các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được phong tặng còn rất ít, chưa phản ánh hết những cống hiến, hy sinh thầm lặng của các thầy cô giáo công tác tại môi trường đặc thù. Việc điều chỉnh về tiêu chuẩn, thời gian trực tiếp giảng dạy thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với giáo dục vùng khó khăn; đồng thời tạo động lực để các nhà giáo tiếp tục phấn đấu vươn lên đạt thành tích cao hơn trong giảng dạy, góp phần đưa giáo dục vùng khó khăn chuyển biến tích cực.

Hiện cả nước có 32 trung tâm và 34 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông có nhiệm vụ giảng dạy, chăm sóc, giáo dục học sinh khuyết tật với hơn 2.000 cán bộ giáo viên. Trong 3 lần xét tặng gần đây theo Nghị định 27, chỉ có 2 cán bộ quản lý được phong tặng danh hiệu NGƯT, chưa có giáo viên trực tiếp giảng dạy được phong tặng. Học sinh khuyết tật có nhiều hạn chế về khả năng nghe, nhìn và vận động. Vì vậy, công tác chăm sóc, giáo dục các em đòi hỏi phải tốn nhiều thời gian, công sức và sự kiên trì hơn so với đối tượng học sinh bình thường.

Bổ sung tiêu chuẩn mới để đánh giá tài năng sư phạm

Nghị định 35 bổ sung một số tiêu chuẩn mới để đánh giá tài năng sư phạm của nhà giáo. Cụ thể như: Biên soạn báo cáo chuyên đề tại hội nghị, hội thảo chuyên môn do bộ, ban, ngành, tỉnh, sở tổ chức hoặc chủ trì biên soạn tài liệu bồi dưỡng theo các chương trình bồi dưỡng… để thể hiện năng lực sư phạm, kỹ năng mềm, khả năng tổ chức các hoạt động chuyên môn và tính lan tỏa, ảnh hưởng của nhà giáo tại địa phương nơi công tác.

Ngoài danh hiệu giáo viên dạy giỏi, bổ sung danh hiệu giáo viên tổng phụ trách đội giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi… bởi thực tế trong ngành giáo dục còn có danh hiệu giáo viên chủ nhiệm giỏi; giáo viên tổng phụ trách đội giỏi; giảng viên nghiệp vụ sư phạm giỏi; giáo viên, giảng viên đoạt giải tại các kỳ thi, hội thi cấp bộ, ban, ngành, tỉnh trở lên…

Đối với tiêu chuẩn đào tạo tiến sĩ, theo Bộ GD-ĐT, hiện nay không phải trường ĐH nào, ngành học nào cũng được giao nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ; nhất là đối với các trường ĐH tư thục, trường ĐH trực thuộc địa phương. Vì vậy, Bộ GD-ĐT đề xuất thay thế thành tích đào tạo tiến sĩ đối với các ngành, trường không được giao nhiệm vụ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ bằng thành tích hướng dẫn học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II, bác sĩ nội trú hoặc hướng dẫn sinh viên, nhóm sinh viên đoạt giải sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường hay nhà giáo có đề tài nghiên cứu khoa học đoạt giải/khen thưởng cấp trường trở lên…

Mê Tâm

 

 

Bình luận (0)