Trước tiên bạn phải đi lấy một tờ giấy Requirement của chuyên ngành bạn học ở văn phòng phục vụ sinh viên. Trong tờ giấy Requirement này là một danh sách các lớp mà bắt buộc bạn phải học. Thường một lớp là 5 credits (tín chỉ), bạn thường phải lấy khoảng 90 tín chỉ (18 lớp) thì hoàn thành chương trình học của bạn ở Community College, nhưng cũng có trường đòi hỏi 95 hoặc 100 tín chỉ.
Xin nhắc lại với bạn là ở Mỹ mỗi tiểu bang hoặc mỗi trường trong tiểu bang đều có những quy định về việc học khác nhau, do đó bạn theo học trường nào thì theo luôn trường đó. Nếu bạn đổi trường thì khi sang trường mới bạn phải theo quy định của họ.
Sau khi bạn biết được các lớp phải học (căn cứ vào tờ Requirement) thì bạn sẽ gặp phải một vấn đề vô cùng nan giải là làm sao biết được học lớp nào trước, lớp nào sau, lớp nào móc xích với lớp nào? Vì trường chỉ đưa ra các lớp bạn phải học và bạn phải tự lên thời khóa biểu cho mình sao cho khóa học không nặng nề quá. Đây là một việc rất quan trọng, ảnh hưởng đến kết qủa học tập của bạn rất nhiều, bởi nếu bạn vô tình chọn học 2 hoặc 3 lớp khó cùng một lúc thì chắc chắn bạn không theo nổi. Nhưng làm sao biết được lớp nào dễ hay khó? Không ai cố vấn cho bạn được vì sức học mỗi người mỗi khác.
Cách tốt nhất là bạn tìm quyển Catalog về các lớp học của trường. Trong quyển này ghi chi tiết từng lớp học của từng chuyên ngành và những điều kiện phải có để được vào học lớp đó.
Ví dụ: trong tờ Requirement của chuyên ngành tôi chọn là Accounting (Kế Toán), có 3 phân môn chính là: các lớp về kế toán, các lớp về tin học, các lớp về xã hội học. Bạn phải thông minh và bắt đầu suy luận, các lớp kế toán là lớp chuyên ngành tất nhiên là khó đối với tôi (và tôi xếp vào loại lớp khó). Các lớp học về vi tính như Word, Excel… ở Việt Nam tôi đã biết rồi vậy thì tương đối dễ. Còn các lớp xã hội học như là toán (tôi thấy không khó lắm), lớp thuyết trình, lớp Anh văn… vừa dễ vừa khó. Khi đó, tôi đọc trong quyển Catalog về nội dung của các lớp học này và tự đánh giá trong khả năng của mình là khó hay dễ.
Tuy nhiên, tôi vẫn chưa thấy chắc ăn lắm về sự khó hay dễ này cho nên tôi vào nơi bán sách giáo khoa trong trường và tìm những quyển sách về các môn học và đọc lướt qua. Sau khi xem xét tất cả các thông tin về lớp học tôi cũng mường tượng ra được lớp nào dễ và lớp nào khó đối với tôi. Và bắt đầu tôi lên thời khóa biểu cho mình là khóa học này tôi sẽ lấy một lớp khó và một lớp dễ. Và lớp khó tôi học là lớp có ký hiệu Accounting 201, nhưng trong quyển Catalog ghi là muốn học lớp này thì phải có lớp Accounting 110 thì họ mới cho vào học. Vậy là tôi phải học lớp Accounting 110 trước (mặc dù trong tờ requirement không có đòi hỏi tôi học lớp này, nhưng bắt buộc tôi phải lấy nó thì mới học tiếp được, dẫu biết rằng điểm của lớp này không liên quan gì đến tổng số điểm để xét chuyển tiếp vào đại học của tôi sau này).
Bạn thấy không mặc dù trong tờ Requirement đòi hỏi bạn học 90 tín chỉ nhưng thực tế bạn phải học hơn 90 tín chỉ, vì có những lớp bạn phải lấy trước khi học trực tiếp vào những lớp có trong Requirement. Nếu bạn không biết những lớp phải học trước này thì khi đi đăng ký lớp, hệ thống máy tính sẽ báo cho bạn biết là bạn không học được vì chưa lấy lớp Accounting 110, bạn không học nhảy lớp được đâu. Bạn trả lời là bạn không biết thì người ta sẽ bảo bạn kiếm quyển Catalog mà đọc trước khi đến ghi danh. Và bạn phải xếp thời khóa biểu lớp lại, cứ mỗi lần phát hiện ra là phải học thêm lớp nào thì mới được học lớp kế tiếp mình muốn, danh sách lớp của bạn sẽ dài ra, đồng nghĩa với số tiến học phí và thời gian hoàn tất sẽ dài ra.
Cuối cùng bạn biết được chính xác con số tín chỉ bạn phải lấy, lớp nào khó, lớp nào dễ, bạn lại gặp khó khăn về giờ học, vì khóa này nhất định bạn phải lấy 3 lớp A, B, C, nhưng khổ nỗi có hai lớp trùng giờ học, hoặc bạn biết là giáo viên này dạy rất khó bạn muốn chọn giáo viên khác, và bạn phải chờ lớp này vào khóa tới. Rồi có những lớp một năm họ chỉ dạy có một lần và bạn phải canh để học… Tóm lại có vô vàn lý do làm cho bạn muốn điên đầu trong việc xếp lịch học.
Kèm theo đó bạn phải hiểu luật trong việc học nữa. Ví dụ như bạn là du học sinh thì bắt buộc phải lấy ít nhất 12 tín chỉ cho một khoá học thường là 12 tuần. Còn tôi là người định cư ở Mỹ không thuộc chế độ ưu đãi nào về trợ cấp của chính phủ, tôi muốn lấy bao nhiêu lớp trong một khoá là tùy ý tôi. Tôi viết vậy để bạn hiểu thêm là nếu những người định cư ở Mỹ thuộc diện khó khăn có đủ điều kiện để chính phủ nuôi họ học, thì họ phải lấy ít nhất là 15 tín chỉ cho một khóa học, vì chính phủ quy định trong 2 năm (nếu bạn học chương trình 2 năm) bạn phải tốt nghiệp, vì không ai có tiền mà nuôi họ dài lâu cả.
Khi bạn học không đủ điểm để qua một lớp nào đó thì sao? Hoặc dù bạn đủ điểm đỗ, nhưng điểm thấp (70% là C, bạn đã pass rồi, đây là điểm trung bình ở Mỹ, khác với Việt Nam là điểm 5). Bạn quyết định đóng tiền học lại, và bạn điền form repeat (tức là bỏ điểm cũ lấy điểm mới) quyết định này sẽ không có lợi cho bạn sau này. Vì khi bạn transfer, trường đại học không chịu, họ lập luận rằng so với người học một lần thì không công bằng, vì khi bạn học lại tất nhiên bạn học sẽ tốt hơn, điểm số bạn cao hơn (ví dụ như bạn được A), trong khi người học một lần ví dụ như họ được điểm B, thực ra họ giỏi hơn bạn, vì họ học một lần. Nhưng nếu bạn chọn cách tính điểm lấy hai cộng lại chia đôi thì tốt hơn.
Và nếu bạn học mà không pass lớp nhiều lần hoặc là điểm trung bình các môn bạn quá thấp thì trường sẽ không cho bạn học nữa, họ nói là bạn không đủ thực lực để học tiếp. Cho nên bạn đừng nghĩ là bạn có tiền học không nổi thì học lại, trường học không chấp nhận đâu. Ngược lại nếu bạn học tốt thì họ sẽ gửi giấy chúc mừng và khuyến khích bạn. Tóm lại để hiểu biết về luật trong ngôi trường bạn đang học thì bạn nên đọc Catalog, trong đây sẽ có tất cả cá quy định và bạn phải nắm vững để bạn hiểu mà suy tính trong việc học của mình.
Bình luận (0)