Ngoại ngữ - Du họcKinh nghiệm du học

Thắng – thua đều phải học

Tạp Chí Giáo Dục

Anh Lê Trí Thông vừa được bầu làm chủ nhiệm Câu lạc bộ du học sinh (Hội Sinh viên TP.HCM – OVS), từng là một trong năm sinh viên trẻ tuổi nhất được Trường kinh doanh SAID – ĐH Oxford (Anh) nhận nhập học chương trình MBA.

Anh Lê Trí Thông -Ảnh: T.L.T.

Về nhu cầu việc làm của du học sinh (DHS) tại VN, anh cho biết:
– Chúng tôi chưa làm khảo sát chuyên nghiệp nhưng qua diễn đàn trên mạng và các chương trình sự kiện do OVS tổ chức, nhu cầu tìm việc trong nước của DHS là rất lớn. Hiện số hội viên của OVS là 2.000 người, trong đó thường trực khoảng 280 bạn. Có những bạn chọn con đường làm việc một thời gian ở các công ty tại nước ngoài, sau đó về VN.
Cũng có bạn về nước ngay sau khi tốt nghiệp. Song có những khó khăn đối với DHS khi về nước: thông tin nhu cầu việc làm ở VN chưa đáp ứng nhu cầu sát sườn, cách làm ở VN khác biệt nước ngoài, những chuyên ngành kỹ thuật cao như công nghệ nano, công nghệ sinh học phân tử… chưa phát triển, triển khai nhiều ở VN…
* Thạc sĩ quản trị kinh doanh, ĐH Oxford, tốt nghiệp hạng xuất sắc, tốt nghiệp tối ưu Trường Lincoln College – ĐH Oxford dành cho sinh viên xuất sắc trong chương trình sau ĐH.
* “Sinh viên xuất sắc đặc biệt” chương trình chuyển tiếp cao học Hoa Kỳ – liên kết giữa ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Houston Clear Lake (USA).
* Là sinh viên tốt nghiệp đứng đầu Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, bằng khen của ĐH Quốc gia TP.HCM “xuất sắc trong lĩnh vực học tập và nghiên cứu khoa học”, giải thưởng “Sao tháng giêng”.
* Thưa anh, trong tình hình kinh tế toàn cầu khó khăn kéo theo khó khăn về việc làm, người trẻ cần trang bị điều gì cho mình để đối diện với khủng hoảng?
– Thời nào cũng cần những kỹ năng chuyên nghiệp, suy nghĩ hệ thống, dài hạn; kỹ năng giao tiếp, tạo mạng lưới, kết nối với nhau… Trong thời buổi nhiều khó khăn như hiện nay, người trẻ cần trang bị thêm ý chí, chịu khó, nhẫn nại, mềm dẻo. Khác với thời điểm bùng nổ chứng khoán, quỹ đầu tư…, các nhân sự trẻ nhảy việc liên tục, hiện nay chúng ta cần có cái nhìn dài hạn, điểm mạnh, điểm yếu: tôi có khả năng hoạch định chiến lược, nhân sự hay kinh doanh… Tôi nghĩ trong khó khăn chúng ta mới rèn giũa được bản lĩnh.
* Thời học ở ĐH Oxford (Anh), anh có thời gian làm việc ở Tập đoàn Exxon Mobil. Làm thế nào để tiếp cận với công việc này khi đang là sinh viên?
– Tập đoàn này có dự án chiến lược đưa sản phẩm phụ gia cho dầu nhờn và dầu nhiên liệu ra thị trường, phân phối khắp nơi trên thế giới. Đây trở thành đầu bài cho các đơn vị tư vấn thuộc những trường nổi tiếng ở Anh: Oxford, Cambridge, LBS…
Các sinh viên tự lập nhóm, tham gia thi. Riêng Oxford có sáu nhóm, cộng thêm các nhóm của các trường khác nữa. Duy nhất dự án của nhóm chúng tôi được tập đoàn chọn. Sau thời gian làm việc tại đây, hệ thống phân phối của chúng tôi xây dựng được đánh giá xuất sắc, tiền thưởng đủ để chu du châu Âu.
* Có khi nào anh thất bại và học được gì từ thất bại?
– Theo tôi, thắng cũng phải học mà thua cũng phải học. Khi ở nước ngoài tôi học được cách quản trị lý tính của phương Tây. Hồi mới về nước, tôi áp dụng kiểu “thực hiện chỉ tiêu này, nếu không thì “alê hấp” lên đường”. Song tôi nhận ra đó không phải là văn hóa VN, nên thay vì hiệu quả lại gặp phản ứng ngược: những người cùng nhóm thấy tâm tư, sức ép quá và không làm việc được. Học được bài đó tôi chọn thái cực bên kia: mềm mỏng “phương Đông”.
Nhưng tôi lại trở nên quá cẩn trọng, công việc vẫn không hiệu quả như mong muốn, mục tiêu bị trễ tới sáu tháng. Tôi vẽ đồ thị rồi suy tư: làm sao tìm ra đỉnh parabol nằm chỗ nào. Bài học là để tiến tới gần đỉnh, con người ta phải tìm được trạng thái cân bằng.
ĐẶNG TƯƠI thực hiện (TTO)

 

Bình luận (0)