Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Người nổi tiếng – ngày ấy… bây giờ: Mỗi ngày đứng trên bục giảng là một ngày vui

Tạp Chí Giáo Dục

TS. Lê Bá Khánh Trình được nữ Quận công đại diện cho Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị trao giải tại kỳ thi Olympic toán học quốc tế 1979 tại Anh quốc(ảnh do nhân vật cung cấp)
Tên tuổi của TS. Lê Bá Khánh Trình có lẽ không còn xa lạ với nhiều người. Năm 1979, chàng trai Lê Bá Khánh Trình đã đoạt huy chương vàng và giải đặc biệt tại kỳ thi Olympic toán học quốc tế lần thứ 21. Sau khi hoàn thành chương trình học ở Nga, anh quyết định về nước và lặng lẽ cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
Cứ “giẫm lên gai mà đi”
Có lần, TS. Lê Bá Khánh Trình đã bộc bạch: “Việc tham gia kỳ thi Olympic toán học quốc tế chỉ là một cuộc chơi nhằm khuyến khích các tài năng trẻ thêm đam mê toán học. Còn sau giải thưởng, chọn con đường nào là còn do hoàn cảnh, quan niệm của mỗi người”.
Sau ngày nhận giải thưởng, anh được tuyển thẳng vào Khoa Toán – Cơ của Trường ĐH Tổng hợp Moscow (Liên Xô trước đây – PV). Sau đó, anh tiếp tục làm nghiên cứu sinh, bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ rồi trở về Việt Nam. Thời điểm đó nhiều cơ hội mở ra cho người từng được vinh danh là “cậu bé vàng của toán học Việt Nam” nhưng anh đã chọn làm giảng viên Khoa Toán – Tin của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM cho đến nay. Biết bao thế hệ học sinh Trường Phổ thông Năng khiếu cũng được anh truyền dạy niềm đam mê toán học.
“Con đường tôi chọn có thể so với nhiều người không lớn lao gì. Mỗi lần nghe ai nhắc lại “thời oanh liệt” – thời mà cái tên Lê Bá Khánh Trình được nhiều người biết đến – cảm xúc trong tôi vẫn vẹn nguyên như ngày nào”, TS. Lê Bá Khánh Trình chia sẻ.
Câu chuyện của TS. Lê Bá Khánh Trình về thời trai trẻ cuốn người đối diện vào giai đoạn đất nước vẫn còn khó khăn. “Thời đó sách không nhiều như bây giờ. Áp lực các môn học cũng gần như không có. Đi thi trong điều kiện còn nhiều thiếu thốn, vất vả nhưng cả đội tuyển rất gắn kết trong giờ giấc sinh hoạt, học tập khắt khe. Vừa học vừa chơi nhưng rất hiệu quả, đào sâu hơn và sáng tạo hơn trong làm bài”, anh kể lại những ngày cùng đội tuyển học sinh giỏi ôn luyện ở Hà Nội. “Một kỷ niệm còn làm tôi nhớ mãi là tinh thần đồng đội giữa các thí sinh. Đến từ nhiều nước trên thế giới, không ai biết ai nhưng sau mỗi giờ thi, nhiều thí sinh quây quần bên nhau, cùng tìm ra những cách giải khác hay hơn. Người vui, kẻ buồn nhưng ai nấy đều gần gũi, động viên tinh thần nhau cố gắng hơn ở phần thi tiếp theo”, anh kể thêm.
“Thời tôi mới về nước, có người nói với tôi rằng sao lại chọn con đường này – giảng viên ĐH. Khi đó tôi chỉ cười lặng lẽ, nói rằng con đường nào cũng có hai mặt, chỉ cần mình dành trọn tâm huyết, cố gắng hết mình với nó là được. Thế rồi tôi “giẫm lên gai mà đi””, TS. Lê Bá Khánh Trình bộc bạch. Khi đó, một mình anh trụ lại ở Sài Gòn không có gia đình bên cạnh, cảm giác bơ vơ, lạc lõng rồi cũng đi qua khi ngày ngày đến trường, anh được đem kiến thức của mình truyền đạt lại cho sinh viên.
Còn sức còn dạy
Nhiều thế hệ học sinh – sinh viên đã quen thuộc với hình ảnh TS. Lê Bá Khánh Trình trên bục giảng, lưng áo ướt đẫm mồ hôi giữa những buổi trưa nắng gắt nhưng vẫn miệt mài với bài giảng của mình. Tiết học không bị căng thẳng bởi anh thường xuyên tạo ra tiếng cười trong lớp, dẫn dắt các em từ câu chuyện này đến câu chuyện khác, đưa ra những ví dụ minh họa sinh động để các em nhận ra môn toán không hề khô khan.

TS. Lê Bá Khánh Trình (giữa) cùng 2 học sinh Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM) đạt giải tại kỳ thi Olympic toán học quốc tế tổ chức ở Colombia năm 2013 (ảnh do nhân vật cung cấp)
TS. Lê Bá Khánh Trình cho biết: “Trong giảng dạy, tôi luôn cố gắng để tiến bộ. Tôi học được ở học sinh – sinh viên nhiều điều vì đôi khi chính những lời giải hay của các em đã gợi mở trong tôi hướng đi mới. Tôi sợ cảm giác nhìn thấy học trò ngao ngán với những con số khô khan nên luôn mong muốn tạo ra sự thoải mái trong mỗi giờ học cho các em. Tôi quan niệm thầy giáo cũng như người nghệ sĩ vậy, đôi lúc cần có những phút bay bổng, thăng hoa trong giờ học, có những điều phải xử lý bằng nghệ thuật để đưa học trò vào những tiết học sinh động, tránh sự nhàm chán”.
Anh luôn cho rằng quãng thời gian mới về nước và đứng trên bục giảng chính là thời điểm học việc. Càng có tuổi trong nghề, anh mới đúc kết cho mình được nhiều kinh nghiệm và những triết lý giảng dạy riêng. “Tôi luôn khuyến khích học trò tìm ra những cách giải hay. Mỗi bài toán không phải để đánh đố học trò mà chính là cách để các em tập rèn luyện kỹ năng, tập tư duy logic và sáng tạo. Bất kỳ bản nhạc nào cũng có nhiều tiết tấu, bất kỳ bài toán nào cũng có nhiều ý để khai thác. Do đó, người học muốn giải quyết được vấn đề phải có tư duy liên hệ”, TS. Lê Bá Khánh Trình chia sẻ.
“Tôi may mắn có cơ hội được dạy nhiều học sinh – sinh viên giỏi. Chính sự trong sáng, hồn nhiên của các em đã giúp tôi giữ được lòng yêu nghề, sự lạc quan với cuộc đời…”, TS. Lê Bá Khánh Trình trải lòng.
Điều tự hào của người thầy không phải chỉ là có những học trò giỏi quốc gia, quốc tế mà là có nhiều học trò trưởng thành, đứng vững trên đôi chân của mình. “Có lần, tôi đang loay hoay dắt xe vô một cửa hàng thì gặp một thanh niên làm bảo vệ ở đó. Em ấy gật đầu chào tôi, kể rằng ngày trước từng là học trò cũ của tôi. Hai thầy trò vui vẻ chào nhau, kể nhau nghe đôi câu chuyện về những ngày tháng đó. Niềm vui của người thầy bình dị lắm. Tôi không quan trọng học trò của mình sau này sẽ làm ở vị trí quan trọng nào, có vai vế nào trong xã hội, chỉ cần các em tự lập, sống có ích cho cuộc đời. Tôi mong mình có đủ sức khỏe để ngày ngày có thể đến trường giảng dạy cho các em, để mỗi giờ học trôi qua đều là một giờ bổ ích, lý thú cho học trò của mình”, TS. Lê Bá Khánh Trình tâm sự.
Yên Hà
 
Đào tạo tài năng trẻ phải có sự tương tác hai chiều
Nguyên tắc dạy học của TS. Lê Bá Khánh Trình là không phải để học sinh – sinh viên đối phó với những kỳ thi. Theo anh, ngày nay thế hệ học sinh – sinh viên đã có nhiều thay đổi về suy nghĩ, lối sống so với thế hệ ngày trước. Do đó, việc đào tạo tài năng trẻ ngày nay cũng phải khác, phải có sự tương tác giữa hai chiều đậm nét. Thông tin càng nhiều, kiến thức càng nhiều, người thầy cũng buộc phải không ngừng cập nhật và nâng cao kiến thức.
 

 

Bình luận (0)