Học sinh Trường THCS Lê Anh Xuân (Q.11) được PGS.TS Huỳnh Văn Sơn tư vấn về tâm lý, giới tính. Ảnh: Anh khôi
|
Có ý kiến cho rằng, bạo lực học đường (BLHĐ) có nguyên nhân sâu xa từ gia đình, hoặc cũng có ý kiến cho rằng nó xuất phát từ môi trường xã hội. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ những vụ BLHĐ gần đây lại mang không ít dấu ấn trong việc giải quyết mối quan hệ giữa thầy – trò.
Trong những năm qua ngành giáo dục đã có nhiều cuộc vận động như “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” hoặc “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”… Tuy nhiên, trên thực tế một số thầy cô giáo chưa làm tốt việc hình thành những phẩm chất đạo đức, lối sống tốt đẹp cho người học, chú trọng việc trang bị kiến thức sách vở hơn là giáo dục phẩm chất nhân cách, quan hệ thầy – trò có những rạn nứt. Như GS. Phạm Minh Hạc đã nói rằng: “Chúng ta mới chú ý đến việc dạy chữ và một phần nào đó là dạy nghề, còn việc dạy làm người chưa được quan tâm thích đáng. Nhà trường cần thay đổi, các thầy cô giáo phải là tấm gương sáng về mặt đạo đức”.
Để góp phần ngăn chặn BLHĐ, theo chúng tôi, cần giải quyết tốt kỹ năng quan hệ thầy – trò trong môi trường học đường. Những người làm công tác giảng dạy cần chú ý:
Nắm vững tâm lý người học
Đặt vị trí của giáo viên vào vị trí người học để tiến hành điều khiển, điều chỉnh. Theo đó, muốn tiến hành hoạt động giáo dục, dạy học hiệu quả thì điều đầu tiên giáo viên phải hiểu được đời sống tâm hồn học sinh. Tuy nhiên, điều này không ít giáo viên còn xem nhẹ. Mỗi học sinh là một thế giới riêng với những đặc điểm về nhận thức, sở trường, nhu cầu, nguyện vọng, hoàn cảnh gia đình… Nếu giáo viên nắm vững được điều này thì họ đã thực hiện tốt một kỹ năng quan trọng trong quá trình giáo dục – dạy học. Trên thực tế việc dạy học của một số giáo viên còn mang tính áp đặt dẫn đến học sinh mất hứng, gây ức chế, phản cảm trong mối quan hệ thầy – trò. Do đó người thầy phải hiểu học sinh, biết các em đang muốn gì? khó khăn ra sao? vấn đề gì bức xúc chưa được giải quyết…, để từ đó sẵn sàng làm điểm tựa tinh thần vững chắc giúp các em có thể “đề kháng”, “miễn dịch” được với những thói quen xấu dễ bị nhiễm ở môi trường xung quanh. Ngược lại, nếu như giáo viên tạo khoảng cách quá lớn người học sẽ luôn mang tâm lý sợ hãi, khó thân thiện, cởi mở và khó bộc lộ bản thân, thậm chí chúng còn tìm cách chống đối thầy cô. Do đó giáo viên hãy là những nhà tư vấn tâm lý thực thụ, là điểm tựa cùng các em chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng, gỡ rối những vướng mắc chưa được giải quyết.
Không chỉ dạy chữ mà còn dạy làm người
Người dạy phải dùng nhân cách của mình để giáo dục nhân cách người học. Cụ thể là lấy hình mẫu người thầy để làm gương cho học sinh, dùng ngôn ngữ, hành động cụ thể để hướng dẫn, giúp đỡ các em. “Sản phẩm” của người thầy là những con người phải có động cơ trong sáng, biết đồng cảm, chia sẻ, giúp đỡ mọi người; phải biết đặt lợi ích cá nhân sao cho phù hợp với tinh thần tập thể, cộng đồng xã hội. Muốn vậy, giáo viên phải tôn trọng, hợp tác, dân chủ trong quan hệ với học sinh, thừa nhận giá trị của mỗi em như là một nhân cách đang hình thành và phát triển; tôn trọng cá tính và bí mật riêng tư của học sinh, không bao giờ dùng lời nói hay hành vi xúc phạm đến các em.
Tuy nhiên, thu hẹp khoảng cách không có nghĩa là “cào bằng”, “cá mè một lứa”, “thầy không ra đạo thầy, trò không phải đạo trò” mà mục đích quan trọng nhất là tạo ra bầu không khí tâm lý thoải mái tích cực, cách giải quyết vấn đề phù hợp để giúp các em cân bằng tâm lý, suy nghĩ, hành vi tích cực.
Tóm lại, đội ngũ nhà giáo không chỉ vững vàng về chuyên môn mà còn nắm vững và biết vận dụng những kiến thức tâm lý học, giáo dục học. Mọi khó khăn nhận thức và khó khăn cuộc sống sẽ được giải quyết nếu như quan hệ giữa người dạy và người học là quan hệ tích cực, thân thiện. Đó chính là một trong những liệu pháp quan trọng ngăn ngừa tình trạng BLHĐ đang gia tăng hiện nay.
ThS. tâm lý Nguyễn Văn Công
Dạy đạo đức còn nặng kiến thức, nhẹ kỹ năng
Theo tôi, bạo lực học đường hiện nay có nhiều lý do nhưng nguyên nhân chủ yếu trước hết phải khẳng định là từ gia đình. Vì sao tôi lại nói vậy? Vì đã có câu chuyện một học sinh bị kỷ luật do mượn “phim đen” về xem. Khi nhà trường mời phụ huynh lên để kết hợp giáo dục thì người mẹ cằn nhằn với đứa con ngay trước mặt thầy: “Ở nhà thiếu gì loại đĩa này mà con phải lên trường xem”. Nhiều đứa con sống trong gia đình cha mẹ vi phạm pháp luật vào tù ra khám nên phần nào ảnh hưởng nhân cách trưởng thành của đứa bé. Đây chỉ là một trong nhiều ví dụ điển hình về cách giáo dục con cái hiện nay của các bậc làm cha làm mẹ. Vô hình trung con cái đã trở thành nạn nhân của việc thiếu giáo dục đúng đắn từ phía gia đình. Rõ ràng ngoài học ở trường, học sinh học rất nhiều điều ở bên ngoài xã hội, trong đó có những tấm gương trong gia đình. Vì thế khi học sinh bị phạm lỗi thì không nên đổ thừa cho nhà trường, trút trách nhiệm lên đầu thầy cô hay ban giám hiệu nhà trường. Việc cách chức hiệu trưởng cũng nên xem xét lại. Bởi vì hiện tượng học sinh đánh nhau hội đồng không phải là cá biệt. Những trường hợp không bị đưa lên mạng thì giáo viên và hiệu trưởng không bị cách chức.
Nói như vậy không có nghĩa là nhà trường không có lỗi. Chương trình giáo dục đạo đức còn có nhiều vấn đề mà cụ thể là môn giáo dục công dân có những bài học xa rời thực tế, không phù hợp với độ tuổi. Ví dụ như chương trình lớp 5 đã dạy bài Liên Hợp Quốc, Đoàn kết với thiếu nhi quốc tế… chưa thiết thực. Mặt khác chương trình dạy học và việc đánh giá, kiểm tra học sinh bị “vênh” không ăn khớp.
Nói chung, chúng ta dạy đạo đức vẫn còn nặng về kiến thức, nhẹ kỹ năng. Tiết dạy môn giáo dục công dân của thầy Trần Tuấn Anh (giáo viên Trường THCS Bạch Đằng, Q.3, TP.HCM) luôn lấy những kiến thức ngoài đời đưa vào giáo dục học sinh. Nhiều bài giảng rất xúc động làm các em rưng rưng nước mắt về nghĩa tình và lòng nhân ái. Những tiết dạy đó điểm số không thành vấn đề mà quan trọng người học đã có những bài học sâu sắc nào về đạo lý, về tình người. Những tiết học giáo dục đạo đức cảm động đó chắc chắn sẽ đẩy lùi thói ích kỷ, ganh ghét và hạn chế dần nạn bạo lực học đường như hiện nay.
TS. Hồ Thiệu Hùng
|
Bình luận (0)