Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Nhiều phương thức xét tuyển ĐH

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh Trường THPT Lương Văn Can (TP.HCM) đang đăng ký môn thi tự chọn. Ảnh: ANh Khôi

Trước những điểm mới của kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Cường (Chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM) xung quanh những điểm mới đó.
Trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” tổ chức tại 69 trường THPT trên địa bàn TP.HCM, phần lớn học sinh đều đặt những câu hỏi xoay quanh phương án xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ trong năm nay. Để các em học sinh hiểu rõ hơn vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Cường khẳng định: “Đề án tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ đều được xây dựng dựa trên nhu cầu thực tế của từng ngành, từng trường nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào và phù hợp với từng đối tượng thí sinh”.
Ông Nguyễn Quốc Cường cho biết: Trên thực tế năm 2015 có 6 phương thức tuyển sinh vào ĐH, CĐ. Thứ nhất, sử dụng hoàn toàn kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Nhóm trường này chiếm đa số. Theo đó, sau khi Bộ GD-ĐT công bố ngưỡng xét tuyển đầu vào, các trường sẽ bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển. Điểm chuẩn vào trường không được thấp hơn ngưỡng xét tuyển đầu vào, và điểm trúng tuyển đợt sau không thấp hơn đợt trước. Thứ hai, dùng kết quả thi THPT quốc gia và đặt thêm ngưỡng riêng.Sử dụng phương thức tuyển sinh này là các trường ĐH tốp trên, như: ĐH Y Hà Nội, ĐH Ngoại thương Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐHQG TP.HCM… Theo đó, để xét tuyển vào ĐH Bách khoa Hà Nội, thí sinh phải có tổng điểm trung bình của các môn học thuộc tổ hợp 3 môn thi xét tuyển, tính cho 6 học kỳ THPT đạt từ 20 điểm trở lên. Xét tuyển vào ĐH Ngoại thương Hà Nội, thí sinh phải có điểm học lực trung bình chung các năm bậc THPT từ 6,5 trở lên. Xét tuyển vào ĐH Y Hà Nội và ĐHQG TP.HCM, thí sinh phải có điểm học lực các năm bậc THPT đạt từ 6 trở lên… Thứ ba, dùng kết quả thi THPT quốc gia kết hợp học bạ. Nhóm trường này chủ yếu là ngoài công lập, mới thành lập và khó tuyển sinh. Phương thức tuyển sinh của nhóm này là vừa dựa trên kết quả của kỳ thi quốc gia, vừa căn cứ trên điểm học bạ bậc THPT. Điều kiện thí sinh phải đảm bảo là điểm trung bình của từng môn học trong tổ hợp môn dùng để xét tuyển hoặc điểm trung bình chung của các môn học dùng để xét tuyển không nhỏ hơn 6 đối với hệ ĐH và 5,5 đối với hệ CĐ (theo thang điểm 10). Thứ tư, dùng kết quả thi THPT quốc gia và thi thêm môn chuyên ngành.Học viện Báo chí – Tuyên truyền và Trường ĐH Luật TP.HCM sử dụng phương thức tuyển sinh này. Theo đó, sau khi có điểm thi THPT quốc gia, hai trường sẽ tổ chức thi thêm môn chuyên ngành để quyết định kết quả tuyển sinh. Học viện Báo chí – Tuyên truyền tổ chức thi thêm môn năng khiếu báo chí với các thí sinh thi vào ngành báo chí. Điểm của môn này sẽ được nhân hệ số 2. Thời gian kết thúc xét tuyển đợt 1 của chuyên ngành này sẽ sớm hơn quy định chung để thí sinh có thời gian rút hồ sơ chuyển nguyện vọng khi không đỗ. Còn Trường ĐH Luật TP.HCM sử dụng 20% điểm học bạ THPT, 60% kết quả thi THPT quốc gia và 20% thi năng lực. Từ tháng 5, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển qua website của trường và nhập thông tin điểm tổng kết 6 học kỳ bậc THPT. Sau khi có điểm kỳ thi quốc gia, thí sinh tiếp tục cập nhật điểm của mình qua cổng thông tin điện tử của trường. Trên cơ sở các điểm số trên, trường sẽ xét và có thông báo tới thí sinh đủ điều kiện tham dự bài thi đánh giá năng lực để tìm thí sinh phù hợp với ngành luật. Bài thi gồm cả phần tự luận và trắc nghiệm với nội dung là kiến thức xã hội, lịch sử, kinh tế, địa lý… Thứ năm, dùng kết quả thi THPT quốc gia hoặc xét tuyển và thi thêm năng khiếu.Các trường khối văn hóa, nghệ thuật tiếp tục duy trì thi môn năng khiếu kết hợp sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia hoặc xét kết quả học tập THPT các môn văn hóa. Như Trường ĐH Kiến trúc sẽ dùng kết quả kỳ thi THPT quốc gia môn toán, lý, còn năng khiếu tổ chức thi riêng. Còn các trường văn hóa nghệ thuật thì xét kết quả các môn văn hóa và tổ chức thi môn nghệ thuật. Thứ sáu, phương án thi riêng.Năm 2015 chỉ có ĐHQG Hà Nội tổ chức thi riêng với bài thi đánh giá năng lực. Trường sẽ tổ chức 2 đợt thi đánh giá năng lực. Đợt 1 vào ngày 30 và 31-5; đợt 2 vào ngày 1 và 2-8. Kết quả thi có giá trị để đăng ký xét tuyển vào ĐHQG Hà Nội trong vòng 24 tháng kể từ ngày dự thi. Trường cũng tổ chức xét tuyển 2 đợt: Đợt 1, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển tối đa 3 ngành của một đơn vị đào tạo thuộc ĐHQG Hà Nội theo thứ tự ưu tiên; đợt 2 xét tuyển bổ sung vào những ngành còn chỉ tiêu, thí sinh không trúng tuyển đợt 1 thì được phép đăng ký dự tuyển đợt 2. Vì thời gian thi không trùng với kỳ thi THPT quốc gia nên thí sinh đăng ký dự thi vào ĐHQG Hà Nội được nhân đôi cơ hội vào ĐH, nghĩa là thí sinh vẫn có thể dự kỳ thi chung và sử dụng kết quả đó để xét tuyển vào các trường ĐH khác.
Bài, ảnh: Linh Vy

Bình luận (0)