Học sinh lớp 9 Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1) thảo luận sau buổi kiểm tra học kỳ 2 môn văn
|
Đề kiểm tra học kỳ 2 môn văn lớp 9 năm học 2014-2015 ở nhiều quận/huyện có các điểm đổi mới phù hợp với yêu cầu của Sở GD-ĐT TP.HCM trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2015-2016.
Có thể nói việc đổi mới này nhận được sự phản hồi tích cực từ giáo viên và học sinh vì đề kiểm tra có nhiều câu hỏi phát huy tính sáng tạo của học sinh, đặc biệt là phần nghị luận xã hội.
Từ chuyện tử tế…
Thời gian gần đây, chuyện tử tế được nhiều phương tiện thông tin truyền thông đưa lên đã thu hút nhiều người quan tâm. Và vấn đề thời sự này đã được Phòng GD-ĐT Q.Tân Bình đưa vào đề kiểm tra học kỳ 2 môn văn lớp 9 ở phần nghị luận xã hội.
Từ những hiện tượng có thật trong chuyên mục Chuyện tử tế trên một tờ báo (như chuyện một người già sửa xe đạp miễn phí giúp học sinh đến trường hàng ngày; chuyện người đàn ông bất chấp sự đe dọa của bọn “đinh tặc”, hàng ngày kiên trì nhặt từng cây đinh trên quốc lộ I để người đi đường không cán phải; chuyện về người phụ nữ “bao đồng” cưu mang các sĩ tử mỗi mùa thi…), người ra đề yêu cầu học sinh viết một văn bản ngắn trình bày suy nghĩ của mình về sự tử tế trong cuộc sống. Với đề câu hỏi này, học sinh rất phấn khởi vì các em được trình bày suy nghĩ, chính kiến của mình về một vấn đề rất gần gũi với cuộc sống. Nhiều học sinh Trường THCS Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình) vui vẻ chia sẻ: “Dạng đề này tuy khá mới nhưng chúng em không bất ngờ vì đã được thầy cô ôn tập kỹ. Đây là những vấn đề thiết thực trong cuộc sống hàng ngày nên chúng em thoải mái trình bày suy nghĩ, chính kiến của mình…”.
Cô Đinh Ngọc Nhung, Tổ trưởng môn văn Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Q.Tân Bình), cho biết: “Với đề kiểm tra này, học sinh phải có kỹ năng làm bài, có năng lực tư duy về lý thuyết lẫn thực tế thì mới làm tốt. Trong đó, các em phải hiểu khái quát vấn đề, chủ đề, nội dung chính của hiện tượng, giới thiệu được chuyện tử tế là sao, biểu hiện trong đời sống có cần thiết hay không. Đồng thời đưa ra việc làm cụ thể trong cuộc sống như sống là phải cống hiến và phê phán thái độ thờ ơ, vô cảm với cuộc sống. Nhìn chung, đây là một đề kiểm tra rất hay, không những có tính thời sự mà còn nhấn mạnh được tư tưởng, đạo lý của con người trong cuộc sống”.
Đến khát vọng sống, cảm nhận về thành phố
Trong khi đó tại Q.Bình Thạnh, đề kiểm tra học kỳ 2 môn văn lớp 9 ở phần nghị luận xã hội lại đề cập đến khát vọng sống của thế hệ trẻ trong thời đại mới. Theo đó, đề yêu cầu học sinh viết một văn bản ngắn trình bày ý kiến của các em về nhận định: “Cái gì làm cho người ta trẻ? Không phải tuổi tác, không phải sức vóc mà là khát vọng”.
Cô Phạm Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường THCS Điện Biên (Q.Bình Thạnh), nhận định: “Nội dung chính của đề kiểm tra này chính là khát vọng rất cần thiết với cuộc sống và liên quan mật thiết với các em học sinh. Vì thế, hầu hết học sinh đã phát huy tối đa năng lực tư duy, sáng tạo của mình”. Cô Thủy phân tích thêm: “Để làm tốt câu hỏi này, các em học sinh phải làm rõ được vấn đề “cái gì làm cho con người ta trẻ”, không phải tuổi tác, sức vóc làm con người ta trẻ là đúng hay sai, điều làm con người ta trẻ là khát vọng thì các em phải đưa ra nhiều bằng chứng về các tấm gương vươn lên trong cuộc sống, phân biệt được khát vọng và tham vọng…”.
Hiện TP.HCM đang chuẩn bị tổ chức đại lễ kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cảm nhận của học sinh về thành phố mang tên Bác cũng được đưa vào đề kiểm tra học kỳ 2 môn văn lớp 9 ở Q.1. Theo đó, ở phần nghị luận xã hội, đề yêu cầu: “Kể từ 30-4-1975 đến nay, TP.HCM đã có 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập. Là một công dân trẻ tuổi, em cảm nhận thế nào về thành phố hôm nay? Viết một văn bản nghị luận ngắn trình bày suy nghĩ của em về vấn đề này?”. Với vấn đề này, cô Phạm Thị Vân Hương, Tổ trưởng môn văn Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1), cho hay: “Đề mang tính thời sự, ý nghĩa thiết thực, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi cả nước đang chuẩn bị kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tuy nhiên, đây là vấn đề khá rộng với học sinh lớp 9, chỉ những em rất giỏi mới làm được điểm tuyệt đối”.
Bài, ảnh: Dương Bình
Việc đổi mới này nhận được sự phản hồi tích cực từ giáo viên và học sinh vì đề kiểm tra có nhiều câu hỏi phát huy tính sáng tạo của học sinh. |
Bình luận (0)