Bộ GD-ĐT đang xúc tiến xây dựng chương trình, sách giáo khoa (SGK) mới để áp dụng từ năm 2018.
Với chủ trương sẽ có nhiều bộ SGK để giáo viên, người học lựa chọn, Bộ GD-ĐT khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK và TPHCM là đơn vị đầu tiên đăng ký thực hiện. Cơ sở nào để TPHCM tự tin biên soạn một bộ SGK mới?
Học sinh Trường THCS Võ Trường Toản học Tài liệu dạy – học Vật lý do Sở GD-ĐT TPHCM biên soạn.
Hiệu quả từ thực tiễn
Cách đây 4 năm, một số trường THCS đã chọn cuốn Tài liệu dạy – học Vật lý bậc THCS do Sở GD-ĐT TPHCM biên soạn để giảng dạy thí điểm cùng với việc sử dụng song hành SGK của Bộ GD-ĐT phát hành. Theo đánh giá của nhiều giáo viên bộ môn Vật lý, bộ tài liệu tham khảo này đã tạo sự hứng thú, ham thích học và khám phá kiến thức của học sinh. Bên cạnh việc biên soạn nội dung dễ hiểu, hình ảnh in màu nổi bật, bổ sung thêm hình minh họa, bộ tài liệu dạy Vật lý còn có một số mục mới, tăng tính thực tiễn cho học sinh ứng dụng, liên hệ vào cuộc sống. Có thể nói, những hình ảnh sinh động kèm những ví dụ cụ thể gắn với thực tiễn – những hiện tượng vật lý hàng ngày – đã giúp học sinh dễ hiểu, nhớ kiến thức sâu hơn. Theo nhiều học sinh ở các khối lớp 7, 8 và 9, “Mục thế giới quanh ta” hấp dẫn nhất vì nó liên tưởng đến cuộc sống xung quanh và giúp các em khám phá nhiều điều thú vị từ những hiện tượng vật lý gần gũi. Qua đó, các em không chỉ nắm vững kiến thức mà còn hiểu sâu về định luật vật lý sau mỗi chủ đề đã học.
Theo thầy Phạm Ngọc Tiến, Phó trưởng phòng Trung học Sở GD-ĐT TPHCM, từ năm 2006, Bộ GD-ĐT đã chủ trương dạy học theo chuẩn kiến thức và kỹ năng, khuyến khích giáo viên sáng tạo trong việc truyền thụ kiến thức cho học sinh, không nhất thiết phải tuân theo nội dung gói gọn trong SGK. Theo đó, giáo viên có thể chủ động lựa chọn phương án dạy học hiệu quả, kết hợp kiến thức chuẩn trong SGK với sưu tầm nguồn tài liệu phong phú, sinh động khác để linh hoạt trong giảng dạy, tăng tính thực hành. Do nhận thấy SGK môn Vật lý bậc THCS hiện hành còn nặng về lý thuyết, ít bài tập thực hành, thiếu cập nhật hình ảnh, thành tựu công nghệ mới của thế kỷ 21 liên quan đến chủ đề môn học, Sở GD-ĐT đã chủ trương biên soạn bộ Tài liệu dạy – học Vật lý từ lớp 6 đến lớp 9 để hỗ trợ việc dạy học và tự học của thầy cô, học sinh.
Nội dung của bộ tài liệu tham khảo phù hợp với những yêu cầu của chuẩn kiến thức, kỹ năng trong chương trình giáo dục phổ thông, nhưng được làm mới từ hình thức trình bày, hình ảnh minh họa sinh động đến giàu tính thực tiễn, thực hành. Không những thế, việc lồng ghép kiến thức tích hợp, gắn môn Vật lý với các bộ môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội đã giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, tiết kiệm trong cuộc sống… Tuy chưa áp dụng đại trà ở các trường THCS, nhưng bộ tài liệu tham khảo này đang được nhiều giáo viên, học sinh lựa chọn và đánh giá cao.
Theo hướng tích hợp môn học
Tiếp theo thành công của Tài liệu dạy – học Vật lý THCS, Sở GD-ĐT TPHCM tiếp tục biên soạn Tài liệu dạy – học môn Toán lớp 6 và lớp 7, đã đưa vào sử dụng ở một số trường THCS của TP. Tài liệu tham khảo này không chỉ giúp học sinh học Toán dễ hơn mà nó còn tích hợp kiến thức liên môn. Vì thế, học Toán nhưng học sinh được cung cấp thêm kiến thức về Vật lý, Địa lý, Sinh học… và việc tích hợp với những trò chơi (toán học với âm nhạc hay thử tài bạn), vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn đã tạo hứng thú cho người học.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, từ thực tế bộ tài liệu dạy – học đối với hai bộ môn Vật lý, Toán học được giáo viên, học sinh đón nhận, đánh giá cao, Sở GD-ĐT TPHCM đã tự tin đề xuất thực hiện bộ SGK mới. Sau khi Bộ GD-ĐT ban hành chuẩn chương trình, chuẩn kiến thức, kỹ năng đối với từng môn học, cấp học, TPHCM sẽ tiến hành biên soạn SGK. Trước mắt sẽ biên soạn môn Toán, Lý, Hóa và các môn khoa học tự nhiên. Qua quá trình nghiên cứu thực tế, tập hợp đội ngũ các nhà quản lý giáo dục, giáo viên bộ môn giỏi, giàu kinh nghiệm giảng dạy, ngành GD-ĐT TP đủ năng lực biên soạn bộ SGK mới theo yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, từng bước tiếp cận chuẩn giáo dục tiên tiến như mục tiêu đặt ra.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia giáo dục, cái khó nhất hiện nay là việc xây dựng nội dung, chương trình SGK theo hướng tích hợp và liên môn. Đó là chưa kể việc biên soạn SGK cũng phải đặt ra lộ trình tiếp cận chuẩn trình độ của nền giáo dục hiện đại, để sản phẩm giáo dục phổ thông của Việt Nam khi ra nước ngoài được quốc tế công nhận.
Trước đòi hỏi của thực tế, việc biên soạn chương trình, nội dung SGK mới phải đáp ứng mong mỏi của người dạy và học. Đó là chương trình nhẹ nhàng, chắt lọc kiến thức phù hợp với thực tiễn, tạo cơ hội cho học sinh trau dồi kỹ năng, tự khám phá, thực hành, ứng dụng linh hoạt những gì đã học vào cuộc sống. Như thế, nội dung SGK phải mang hơi thở của cuộc sống, phải làm học trò hứng thú tiếp nhận và phát huy sở trường, năng khiếu để tìm tòi, khám phá tri thức mới.
KHÁNH HÀ
(SGGP)
Bình luận (0)