Trong xã hội hiện nay, con người trở nên bận rộn hơn, năng động hơn, cuộc sống vật chất đầy đủ hơn nhưng con người thường gặp nhiều căng thẳng, phải đối mặt với những hiện tượng tâm lý – xã hội phức tạp. Các hiện tượng tâm lý này không chừa một ai, từ trẻ em đến người già, từ học sinh đến thầy cô giáo, phụ huynh và ngay cả những người làm công tác quản lý. Hiểu biết nhiều về các hiện tượng tâm lý sẽ giúp mỗi người sống và làm việc tốt hơn trong cộng đồng, trong xã hội.
Xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu đào tạo những nhà chuyên môn tâm lý học ngày càng cao. Không chỉ các cơ sở đào tạo và cơ sở nghiên cứu cần những người được đào tạo bài bản về tâm lý học (giảng viên, cán bộ nghiên cứu), mà cả các công ty, trung tâm làm dịch vụ tham vấn tâm lý, các trường phổ thông và các cơ sở giáo dục khác cũng cần đội ngũ tham vấn viên; các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, các tổ chức đoàn thể, chính quyền cần đội ngũ chuyên viên am hiểu và có khả năng ứng dụng các kiến thức tâm lý học trong công việc (nhân viên phòng nhân sự, nghiên cứu thị trường, cán bộ Đoàn, cán bộ tuyên giáo…).
Để đáp ứng nhu cầu trên, nhiều trường ĐH đã mở ngành đào tạo này, trong đó, không thể không kể đến Trường ĐH Sài Gòn.
Vị trí việc làm của cử nhân tâm lý học đào tạo tại Trường ĐH Sài Gòn bao gồm: Thứ nhất, chuyên viên tham vấn tâm lý trong các công ty, trung tâm làm dịch vụ tư vấn tâm lý, các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, CĐ, ĐH… Thứ hai, nhân viên bộ phận nhân sự, tiếp thị, quảng cáo, nghiên cứu thị trường… trong các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp các lĩnh vực xã hội khác nhau. Thứ ba, cán bộ chuyên môn tâm lý trong các cơ sở y khoa, trung tâm dưỡng lão, trung tâm cai nghiện, cơ sở giáo dục đặc biệt, các trường giáo dưỡng. Thứ tư, cán bộ chuyên môn tâm lý trong các cơ sở TDTT, các trung tâm văn hóa. Thứ năm, cán bộ Đoàn, cán bộ tuyên giáo… trong các tổ chức đoàn thể, chính quyền của các địa phương, các tổ chức xã hội khác. Thứ sáu, cán bộ nghiên cứu tại các viện, trung tâm nghiên cứu và ứng dụng tâm lý học, cơ quan pháp luật, điều tra tâm lý tội phạm. Thứ bảy, cán bộ các dự án phát triển cộng đồng tại các cơ quan, tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước. Thứ tám, cán bộ giảng dạy tâm lý học tại các trường CĐ, ĐH và các trường dạy nghề.
Sinh viên tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành tâm lý có nhiều cơ hội trở thành tham vấn viên tại các cơ sở giáo dục phổ thông, vì hiện nhu cầu tuyển dụng ở các trường còn rất lớn. Ngoài ra, cử nhân tâm lý học còn có khả năng học tập và nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp: Khả năng tự học và nghiên cứu khoa học về ngành tâm lý học và các ngành gần như giáo dục học, quản lý giáo dục; khả năng học lên bậc thạc sĩ, tiến sĩ về các chuyên ngành của tâm lý học.
TS. tâm lý Nguyễn Thị Thúy Dung (Trường ĐH Sài Gòn)
Bình luận (0)