Học viên chen chúc trong một lớp luyện thi ĐH tại TP.HCM năm 2014. Ảnh: T.L |
Các lò luyện thi ĐH đình đám một thời ở TP.HCM hay Hà Nội đang có nguy cơ “teo” lại hoặc bị “bốc hơi”. Mọi người không còn thấy cảnh học sinh ngồi học chen chúc trong căn phòng chật chội mà thay vào đó là sự ế ẩm, thưa thớt. Tại sao lại có hiện tượng này?
Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Quang Hùng, Giám đốc Trung tâm Hocmai.vn Online, để tìm hiểu về xu hướng “dịch chuyển” địa điểm ôn thi của thí sinh trong mùa thi năm 2015. Ông Hùng cho biết: Với việc giảm tải trong đề thi cũng như việc đề thi bám sát chương trình sách giáo khoa phổ thông trong vài năm gần đây, học sinh đã có sự “dịch chuyển” từ việc đổ về các trung tâm luyện thi lớn sang luyện thi tại địa phương hay từ việc học tập trung lớp đông tại các trung tâm sang theo giáo viên học các lớp nhỏ tại nhà nhưng chất lượng phục vụ tốt hơn. Đặc biệt, trong kỳ thi năm nay, với các thay đổi trong việc gộp 2 kỳ thi thành 1 thì học sinh còn dùng rất nhiều quỹ thời gian học tại trường phổ thông mà các em theo học. Điều đó lí giải cho việc “giảm nhiệt” của các lò luyện thi đình đám trước đây. Ngoài ra, 5 năm trở lại đây, xu thế sử dụng hình thức học trực tuyến phát triển mạnh cũng là yếu tố ảnh hưởng tới tình hình học tại các lò luyện thi.
PV: Xu hướng ôn thi online bắt đầu lên ngôi trong thời gian gần đây. Tại sao lại có sự “dịch chuyển” này, thưa ông?
– Tại Việt Nam hiện có khoảng hơn 30 triệu người truy cập internet, đa số là những người trẻ có độ tuổi từ 15-34. Việc phát triển hạ tầng internet cùng những lợi thế của việc học online như không phải đi lại, chi phí thấp hơn học trực tiếp, nguồn tài liệu phong phú, tiếp xúc với giáo viên nổi tiếng trong cả nước đã dẫn tới xu thế học sinh ôn thi ĐH trực tuyến nhiều hơn. Bên cạnh đó, theo khảo sát của Hocmai.vn, quỹ thời gian của học sinh dành cho việc học thêm offline (bao gồm cả việc học thêm ở trường, ở các trung tâm) không giảm nhiều mà chỉ có sự “dịch chuyển” trong bản thân các mô hình học offline (trung tâm lớn, trung tâm nhỏ, lớp do giáo viên tự mở hoặc học tại trường). Ví dụ, năm học này có sự “dịch chuyển” rõ rệt từ việc học tại các trung tâm luyện thi sang học ở trường (đặc biệt là học sinh các tỉnh) do áp lực của sự thay đổi trong thi cử. Tất nhiên, với sự phát triển của hình thức học trực tuyến trong những năm vừa qua cũng có những tác động nhất định nhưng chưa phải nhiều, rõ rệt.
Theo ông, đâu là nguyên nhân tác động đến sự “dịch chuyển” này?
– Xu hướng này có mấy cơ sở: Thứ nhất, việc giảm tải trong đề thi, cấu trúc đề thi bám sát chương trình. Học sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức sách giáo khoa và có quyết tâm là có thể đạt được kết quả tốt. Thứ hai, học sinh hiểu rằng giáo viên ở trường phổ thông hoặc tại địa phương có thể giúp các em trong vấn đề này nên áp lực phải vào những lò luyện thi danh tiếng suy giảm. Thứ ba, các trường phổ thông chú trọng hơn đến việc luyện thi cho học sinh thay vì thả nổi cho các trung tâm/giáo viên bên ngoài như trước đây. Thứ tư, hình thức học online phát triển khá mạnh, lượng học sinh tham gia học bình quân tăng 50% mỗi năm. Tại Hocmai.vn, qua 8 năm phát triển, tới nay đã và đang có hơn 2 triệu thành viên tham gia theo học. Hàng ngày, Hocmai.vn có hàng trăm ngàn lượt truy cập học các bài giảng trực tuyến, tham gia làm các đề thi, đề luyện tập. Tuy nhiên, Hocmai.vn cũng khuyến cáo học sinh phải nâng cao tinh thần tự học, nhất là với học sinh thi THPT quốc gia, bởi “mạng ảo” cũng dẫn tới việc học sinh thường sa đà vào nhiều hình thức giải trí khác nhau.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê (thực hiện)
Bình luận (0)