Muốn thiết lập được kỹ năng bình tĩnh, tự tin, các em học sinh cần mạnh dạn nồng nhiệt trong giao tiếp. Ảnh: Anh Khôi
|
Nhằm giúp thí sinh đạt được kết quả tốt trong các kỳ thi sắp tới, tôi xin phép được nêu ra các kỹ năng thiết thực mà các em phải nắm khi làm bài.
Thứ nhất, đọc thầm nắm chắc nhanh chóng các nội dung cơ bản của đề, tóm tắt đề một cách ngắn gọn chuẩn xác. Đây là khâu quyết định giải mã các bí quyết đặt ra của đề. Không ít thí sinh vội vàng hấp tấp vừa đọc xong đề đã thực hiện ngay bài làm. Hậu quả là có thí sinh lạc đề, hay nhầm lẫn, ngộ nhận là đề dễ đã quen rồi nhưng thực chất chỉ là dạng tương tự; đọc kỹ mới nhận thấy những dấu hiệu mà người ra đề chủ đích “gài” vào để “lừa” những thí sinh cẩu thả không đọc kỹ đề. Để tránh điều đáng tiếc đó, mỗi đề bài thí sinh cần đọc đi đọc lại một cách thật thấu triệt. Gạch chân những ký tự quan trọng. Đề càng dễ càng không được chủ quan.
Thứ hai, xác định rõ hướng giải, thiết lập đề cương bố cục bài giải. Khi mọi thông số của đề đã được thông suốt, khâu ngay sau đó là tìm ra hướng giải quyết thông qua thao tác gợi nhớ vận dụng các kiến thức có liên quan đã học, khẩn trương lập một “lộ trình” phù hợp, khoa học. Công đoạn thiết kế này nếu không được thực hiện chu đáo cẩn trọng sẽ dễ dẫn đến điều tệ hại: Bài làm hoặc không đạt độ chuẩn mực, chặt chẽ, kết cấu lỏng lẻo thiếu logic hoặc thừa ý, thiếu ý, nhầm lẫn ý; hoặc sai ý; hoặc cách giải quá dài dòng không tối ưu… Khâu này rất quan trọng mong các thí sinh thấy rõ ý nghĩa của nó để luôn dành tâm trí, thời gian một cách thích đáng.
Thứ ba, giải nháp một số nội dung cần thiết. Đây cũng là việc cần làm khi gặp những đề có nhiều nội dung phức tạp. Thao tác này giúp thí sinh khởi động được tư duy theo chiều sâu đồng thời cũng làm cho mạch tư duy của các em “vượt thác” một cách ngoạn mục ngay khi vừa đặt chân lên con đường chinh phục những “nút thắt” của đề.
Thứ tư, tập trung làm thật hoàn thiện chu đáo phần dễ trước, khó sau. Nguyên tắc này giúp thí sinh nhiều cái lợi. Về mặt thời gian: Thí sinh có điều kiện tập trung thì giờ, tâm sức cho những nội dung khó. Về mặt hiệu quả: Thí sinh không bị mất điểm bởi những nội dung trong tầm tay của mình. Về tư duy: Thí sinh dễ dàng khai thông mạch nghĩ, dễ dàng thực hiện các kỹ năng vận dụng phát huy các kiến thức đã học. Về tâm lý: Cái quý nhất là tạo ra trong thí sinh sự thoải mái hưng phấn, thích thú, tự tin để bước vào giai đoạn về đích thực hiện phần cam go nhất là giải mã các nội dung khó còn lại.
Thứ năm, luôn cẩn trọng, bình tĩnh tự tin. Không ít thí sinh học khá giỏi song khi làm bài kiểm tra hay thi không mấy khi đạt điểm cao. Tôi có cậu con trai, ngày còn học lớp chuyên lý ở một trường THCS, trong lần thi chọn đội tuyển: Đề khó cháu đạt điểm tối đa, song ở đề dễ cháu lại đạt điểm thấp bất ngờ. Lý do thật đơn giản: Cháu đã mắc bệnh chủ quan cẩu thả, nên khi gặp đề dễ, phần dễ không chú tâm nên sai những lỗi ngớ ngẩn dẫn đến bài làm bị trừ điểm một cách đáng tiếc. Vì thế, rèn luyện thế nào để tính cẩn thận, chu toàn trở thành kỹ năng trong mọi sinh hoạt, đặc biệt trong học tập (nhất là trong thực hiện các bài kiểm tra, thi cử) luôn là đòi hỏi bức thiết thường xuyên với mọi đối tượng học sinh. Sau mỗi phần bài làm, đặc biệt sau khi hoàn tất nhất thiết phải dành thời gian đọc lại một cách cẩn trọng để sửa những lỗi không đáng có.
Để thiết lập được kỹ năng bình tĩnh, tự tin bất luận trong hoàn cảnh nào mỗi thí sinh cùng với ý thức học chắc, hiểu sâu, nhớ lâu, biết rộng phải luôn thử thách mình bằng việc hình thành thói quen hăng hái hết mình trong việc xung phong phát biểu xây dựng bài, mạnh dạn nồng nhiệt tự nhiên trong giao tiếp, nhất là giao tiếp đám đông. Khi có dấu hiệu mất bình tĩnh lúc gặp đề lạ, đề khó hãy kịp thời lặng lẽ nhắm hờ mắt, thở nhẹ ra bằng miệng thật êm, hít vào thật sâu bằng mũi chừng 5 đến 7 lần. Thao tác này rất đơn giản nhưng tác dụng thật hay. Nó giúp chúng ta đẩy khí cacbonic cùng mọi sự hoảng loạn ra ngoài, thu nạp lại nguồn sinh khí đầy ôxy và lập lại sự an nhiên tự tại một cách kỳ diệu.
NGƯT Nguyễn Ngọc Ký
Có khá nhiều thí sinh bình thường học rất được, ấy vậy mà khi làm bài thi thì trống ngực to hơn trống làng, bài giải luôn bị điểm thấp. Lý do chính: Sự bình tĩnh tự tin đã bị thay bằng sự lo sợ, hoảng hốt, nóng vội. Khi tâm lý đã rơi vào trạng thái này thì đầu óc sẽ trở nên mụ mẫm mất hết sự thông thái sáng suốt. |
Bình luận (0)