Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Trẻ xem sách khi chưa biết nói

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu ai hỏi con tôi: “Các cháu giống ba ở thói quen nào?”, chắc chắn câu trả lời của con tôi là thích đọc sách. Nếu ai hỏi tôi câu tương tự thì câu trả lời của tôi cũng thế.
Khi con tôi còn nhỏ, chưa biết nói thì hình ảnh các cháu thấy hàng ngày là ông nội và ba mẹ cầm quyển sách trên tay đọc ngay cả khi chơi đùa hay cho các cháu ăn. Chuyện các cháu cầm sách của ông nội, của ba mẹ xem là bình thường. Lớn lên một chút, thay vì kể chuyện thì tôi đã mua những quyển truyện tranh có hình thật đẹp rồi vừa chỉ hình ảnh vừa đọc cho con nghe câu chuyện trong sách. Bạn bè, bà con thân thuộc đến nhà chơi rất ngạc nhiên khi con tôi mới 3-4 tuổi đã mở truyện tranh và đọc rành rẽ. Thật sự là các cháu chỉ thuộc lòng lời ba mẹ và nói lại khi mở từng trang sách y hệt như đang đọc. Có lẽ tiếp xúc với con chữ trong sách sớm nên dù tôi không hề dạy chữ trước khi vào lớp 1 nhưng cháu nào cũng nhớ mặt chữ. Vì thế, khi vào lớp 1, các cháu đã học đọc rất nhanh và khi về nhà lấy sách ra đọc trôi chảy…
Khi con vào lớp 1, lớp 2.., tôi đã mua truyện tranh lịch sử Việt Nam cho đọc. Những từ ngữ, những nội dung khó hiểu tôi đều giải thích và giảng thêm cho các cháu nghe về lịch sử nước nhà. Chính vì vậy, khi bắt đầu học môn lịch sử ở lớp 4, con tôi rất thích và tìm đọc các sách về lịch sử bằng chữ để đọc thêm. Mới học lớp 4 mà con tôi đã đọc xong quyển Lịch sử Việt Nam của Nhà xuất bản Khoa học xã hội (Hà Nội – 1971) mà gia đình tôi có.
Chưa hết, sinh nhật con, quà tặng của ba mẹ cũng là những quyển sách. Khi con đạt kết quả tốt trong học tập, phần thưởng cũng… là sách.
Khi con lớn dần theo thời gian, tôi hướng các cháu đọc sách theo từng lứa tuổi. Đứa lớn thì bắt đầu đọc sách của ba mẹ hay sách của ông nội. Còn sách của anh sẽ chuyển cho em đọc… Vậy là một quyển sách trong gia đình tôi đã được chuyền nhau đọc qua nhiều thế hệ. Tủ sách của gia đình, tôi giao nhiệm vụ cho các con phải lau dọn, sắp xếp lại hàng tháng để kiểm tra bảo quản sách kịp thời.
Qua kinh nghiệm từ gia đình, tôi thấy các bậc phụ huynh cần cho trẻ làm quen với sách càng sớm càng tốt, tập cho trẻ đọc sách, hướng dẫn chọn lựa sách và cuối cùng là tập giữ gìn, bảo quản sách.
Thời gian gần đây, trẻ rất ít đọc sách bởi các chương trình giải trí trên truyền hình, game, facebook… thu hút các cháu hơn. Người lớn trong gia đình cũng ít đọc sách, ngược lại còn bị cuốn theo các trò giải trí như trẻ nên dường như chưa hướng dẫn, tạo cho các cháu thói quen đọc sách. Để trẻ có thói quen và thích đọc sách là điều không dễ, vì thế phụ huynh cần phải làm gương và chú ý quan tâm hướng dẫn trẻ đọc sách, có như thế trẻ mới học được những điều quý báu từ những trang sách.
Nhân Tâm 

Bình luận (0)