Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Giả làm du lịch để thu mua quặng sắt

Tạp Chí Giáo Dục

Tại huyện miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên – Huế, nạn đào trốc gốc cây cao su tìm vàng vừa tạm lắng thì nay xuất hiện một nhóm người lạ mặt mang theo máy móc đến móc ngoặc với người làm vườn để thăm dò và khai thác quặng sắt trái phép. Việc làm này không chỉ gây thất thoát tài nguyên quốc gia, tác động xấu đến môi trường mà còn tạo “làn sóng” chặt phá vườn cây cao su vốn được xem là giống cây xóa đói giảm nghèo nhiều năm nay của địa phương này.

Khối đá có màu ánh kim nằm ngay trên miệng hố đào sâu 3m giữa vườn cây cao su ở Hương Phú.

Đốn “vàng trắng” tìm quặng sắt
Xã Hương Phú được xem là thủ phủ cây cao su tại huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Cả xã có 562 hộ dân thì đã có 320 hộ tham gia canh tác hàng ngàn hécta cây cao su. Cũng nhờ nguồn thu hàng tỷ đồng mỗi năm từ việc trồng và khai thác mủ cao su – từng được ví như “vàng trắng” xuất khẩu mà vào năm 2003, xã Hương Phú ghi cú sốc cực mạnh bằng việc viết đơn tự nguyện xin ra khỏi danh sách xã nghèo, nhà nước không phải trợ cấp ưu đãi theo Chương trình 135. Thế nhưng thời gian gần đây, vì lợi nhuận trước mắt, một số người làm vườn ở đây tự ý móc ngoặc với nhóm người lạ mặt sử dụng máy móc quật đào cây cao su để khai thác khoáng sản trái phép.
Đường liên thôn nối từ tỉnh lộ 14B đến thôn Phú Mậu, xã Hương Phú dài khoảng 4km đã bị các xe tải hạng nặng cày nát. Sau gần nửa giờ cuốc bộ theo con đường này, chúng tôi đến được quả đồi nằm ngay đầu thôn Phú Mậu, vốn là vườn cao su xanh mướt. Trên khoảng đất rộng gần 3.000m² xuất hiện la liệt những hố đào nham nhở sâu từ 2-3m cùng một số tảng đá màu ánh kim nằm ngổn ngang trên mặt đất. Đây có thể là những mẫu quặng được đào lên nhưng chưa kịp chuyển đi. 

Xử lý nạn khai thác quặng
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Văn Cao vừa có công văn yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Nam Đông kiểm tra và chấn chỉnh ngay các phòng ban, địa phương để xảy ra tình trạng khai thác quặng trái phép. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; xử lý trách nhiệm đối với các địa phương để xảy ra tình trạng trên.

Người dẫn đường khẳng định đây là một trong những địa điểm mà nhóm người lạ mặt tổ chức đào bới thăm dò và khai thác quặng sắt.
Qua tìm hiểu, nhóm người lạ này có hơn 10 thành viên gồm cả người Việt Nam và Trung Quốc. Nhóm người này đã điều động máy khoan, xe ben, máy xúc lên đồi cao su, mở đoạn đường dài khoảng 300m, làm cầu… để khai thác quặng. Trước khi đào hố thăm dò ở quả đồi này, một người đàn ông tự xưng là giám đốc doanh nghiệp tư nhân tại TP Huế có làm hợp đồng viết tay với các ông Đào Sanh, Phan Cư, Nguyễn Nam (cùng trú xã Hương Phú) với mục đích cải tạo đất vườn cao su xung quanh quả đồi này.
Nhưng sau đó, họ huy động nhân công, máy móc, khoanh vùng đào bới vườn cây cao su quanh quả đồi thành những hố sâu để khai thác những tảng đá màu ánh kim rồi dùng xe tải hạng nặng di chuyển đi nơi khác. Hoạt động đào bới diễn ra vào ban đêm hoặc sáng sớm nhằm tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng.
Ông Huỳnh Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Phú cho biết, vào lúc cao điểm, hoạt động khai thác quặng sắt tại thôn Phú Mậu có rất nhiều người, trong đó có cả người Trung Quốc. Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên – Huế vào cuộc kiểm tra và xác nhận các mẫu đá thu được tại hiện trường đều là quặng sắt. Công an xã Hương Phú và Công an huyện Nam Đông lập tức tiến hành đình chỉ hoạt động san lấp mặt bằng và đào hố tìm kiếm quặng sắt trái phép nói trên nhưng các đối tượng vẫn ngoan cố tiếp tục thực hiện.
Đề nghị trục xuất 3 người Trung Quốc
Tự ý đào vườn cây cao su, khai thác khoáng sản trái phép không chỉ gây thất thoát tài nguyên quốc gia mà còn tạo ra “làn sóng” chặt phá giống cây xóa đói giảm nghèo hàng chục năm nay tại Hương Phú nói riêng và Nam Đông nói chung.
Thiếu tá Nguyễn Duy Hùng, Phó trưởng Công an huyện Nam Đông xác nhận, đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra, lập biên bản và tạm giữ một máy đào, 6 xe tải, nhiều mũi khoan máy dùng để khai thác quặng trái phép tại Hương Phú. Ngoài lao động Việt Nam, còn có 3 người mang quốc tịch Trung Quốc gồm ông Liang Qingxiang, Chen Wubin và Liang Yongcai đã tham gia khai thác quặng trái phép này.
Công an huyện Nam Đông phối hợp với Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế làm việc với những người Trung Quốc và họ thừa nhận nhập cảnh vào Việt Nam với lý do đi du lịch nhưng thực chất là tham gia buôn bán khoáng sản trái phép.
Liên quan đến vụ việc này, Thượng tá Nguyễn Văn Thanh, Chánh Văn phòng Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, công an tỉnh vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 người Trung Quốc nói trên (mỗi người 15 triệu đồng) về hành vi “Người nước ngoài nhập cảnh, hành nghề hoặc có hoạt động khác tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam”. Đồng thời đề nghị Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an trục xuất các đối tượng này về nước.
Ngoài ra, theo điều tra ban đầu thì cả 3 người Trung Quốc nói trên nhập cảnh vào Việt Nam ngày 25-2-2015 với mục đích đi du lịch, đến lưu trú tại khách sạn Thác Mơ (Nam Đông). Nhưng thực chất là họ thường xuyên vào khu vực khai thác quặng tại xã Hương Phú để nhận mẫu quặng do nhóm người Việt Nam khai thác, đưa đi đánh giá chất lượng để thu mua.
Theo ghi nhận, hàng loạt đầu nậu từ các tỉnh phía Bắc trước đó đã tìm đến Nam Đông để mua, thuê lại vườn cao su của người dân với giá từ 100-200 triệu đồng/ha rồi đưa máy móc và phu vàng vào đào những hầm hàm ếch tìm vàng sa khoáng. Công an huyện Nam Đông đã tiến hành nhiều đợt truy quét, san lấp hầm hố, tịch thu tang vật của các đối tượng “vàng tặc” thì vấn nạn này mới dần tạm lắng.

VĂN THẮNG

(SGGP)

Bình luận (0)