Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Diện mạo giao thông TP.HCM: Kỳ 3: Nam – Bắc thông thương từ những con tàu

Tạp Chí Giáo Dục

Tuyến đường sắt Bắc Nam
Đường sắt Bắc Nam (còn gọi là đường sắt Thống Nhất) là tuyến đường sắt bắt đầu từ thủ đô Hà Nội và kết thúc ở TP.HCM. Hệ thống đường sắt này tuy đã trải qua nhiều thăng trầm trong chiến tranh, nhưng cũng đóng góp không nhỏ trong quá trình phục hồi và phát triển đất nước từ sau giải phóng đến nay.
Phấn khởi với đôi tàu “5 sao”
Kể từ sau giải phóng, đôi tàu có chất lượng tiêu chuẩn “5 sao” SE3/4 có thể nói chính là cột mốc đánh dấu sự đổi mới lớn nhất của ngành đường sắt. Đôi tàu này do Công ty TNHH MTV Vận tải đường sắt Sài Gòn (Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam) đầu tư 83 tỷ đồng để nâng cấp vào năm 2014. Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, việc nâng cấp đôi tàu này nhằm xây dựng hình ảnh mới về ngành đường sắt và thu hút khách đi tàu với phương châm: “4 xin” (xin chào, xin lỗi, xin phép, xin cảm ơn) và “4 luôn” (luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu và luôn giúp đỡ).
Sau 4 tháng nâng cấp, vào ngày 28-1-2015, đôi tàu SE3/4 chính thức khai trương để phục vụ hành khách dịp Tết Ất Mùi 2015, theo hành trình Hà Nội – TP.HCM và ngược lại với thời gian vận chuyển 31 tiếng. Tàu gồm 13 toa, trong đó có 11 toa hành khách và 2 toa phục vụ.
Ông Trần Chung Thành (56 tuổi) từng sinh sống ở Nga, từng lưu thông trên các đoàn tàu lửa nước ngoài, trong một lần cùng gia đình từ Hà Nội về quê ở Quảng Ngãi cho hay ông rất hài lòng về loại phương tiện mới với nhiều tiện ích cho khách hàng như cửa kính bán tự động có tính năng cách âm, phòng ngủ có cặp nhiệt kế, hệ thống điều hòa tự chỉnh, sàn tàu được đóng bằng nhôm ngoại nhập có tính năng chống ồn, hệ thống lò xo của tàu có độ đàn hồi cao không gây sóc lắc, hệ thống vệ sinh không thải ra môi trường, trang bị 2 ti vi ở mỗi toa ghế mềm…
Sẽ có đường sắt đạt vận tốc xấp xỉ 200km/h
Hiện, đường sắt Bắc Nam đi qua 21 tỉnh và thành phố gồm Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM. 
Hệ thống đường sắt Bắc Nam nói chung dù đã được tái thiết, tuy nhiên do kết cấu đường hẹp chỉ 1m, lại trải dài qua nhiều đô thị đông dân cư, qua nhiều đèo có khúc cua gấp, nhiều điểm giao cắt với đường bộ, đường đơn nên các đoàn tàu lửa chỉ có thể vận hành với tốc độ lưu thông thấp nhất thế giới (khoảng 60-70km/giờ). Nhằm cải tiến hoạt động của ngành đường sắt một cách toàn diện,  năm 2002 Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phan Văn Khải đã phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển ngành giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020”. Theo quy hoạch đã được phê duyệt, tổng mức đầu tư hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc Nam khoảng 10,2 tỉ USD và nhiệm vụ ưu tiên từ nay đến năm 2020 là tập trung nâng cấp và hiện đại hóa đường sắt Bắc Nam với các tiêu chí cụ thể như đạt tốc độ bình quân 80-90km/h với tàu khách, 50-60km/h đối với tàu hàng; vận chuyển hành khách đạt 15 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm; kết nối đường sắt với các cảng biển, các khu công nghiệp và các khu du lịch; đổi mới sức kéo và sức chở theo hướng hiện đại nhằm giảm chi phí, hạ giá thành; chú trọng phát triển các đoàn tàu tốc độ cao, tàu tự hành, tàu chở container; làm mới hệ thống thông tin cáp quang, tổng đài điện tử số, tín hiệu bán tự động tiến tới tự động, dừng tàu tự động, hệ thống cảnh báo đường ngang tự động; mua thêm 14 đầu máy kéo tàu khách, 24 đầu máy kéo tàu hàng và 680 toa tàu chở khách; xây mới và đồng bộ các nhà ga, các cơ sở sửa chữa, vận dụng đầu máy – toa xe…
Bên cạnh tuyến đường sắt Thống Nhất hiện có, theo quy hoạch, trong những năm tới sẽ có hàng loạt tuyến đường sắt được xây mới, trong đó có tuyến đường sắt khổ đôi, rộng 1,4m, có tốc độ xấp xỉ 200km/h và có khả năng kết nối với đường sắt liên vận quốc tế.
Kỳ vọng về tuyến đường sắt khổ đôi, rộng 1,4m, có tốc độ xấp xỉ 200km/h theo quy hoạch, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định: “Với việc xây dựng một tuyến đường sắt này, hành khách sáng ăn phở Hà Nội, tối có thể uống cà phê ở TP.HCM”.
Bài, ảnh: ĐINH VŨ
 
Niềm vui ngày thống nhất
Theo lịch sử ghi chép lại, tuyến đường sắt Bắc Nam được xây dựng vào thời Pháp thuộc, năm 1936. Hệ thống đường sắt này được thiết kế độc đáo gần như song song với quốc lộ 1A, có nhiều đoạn gặp nhau, nhất là tại các tỉnh lỵ. Vào những năm tháng chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, hệ thống giao thông vận tải đường sắt bị phá hoại nặng nề.
Nhận thấy nhu cầu giao thương giữa 2 miền, nên ngay sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Chính phủ đã khẩn trương bắt tay vào việc tái thiết tuyến đường sắt Thống Nhất nối liền thủ đô Hà Nội với TP.HCM. Ngày 31-12-1976, sau hơn một năm lao động miệt mài, việc khôi phục tuyến đường sắt Bắc Nam đã được hoàn thành. Đó cũng là ngày hai đoàn tàu Thống Nhất chuyển bánh, khai thông tuyến đường sắt huyết mạch nối liền hai miền Nam – Bắc.

Hãy đánh giá bài viết này!

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Xin lỗi vì bài viết này không hữu ích cho bạn

Giúp chúng tôi cải thiện

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

Bình luận (0)