Thị trường vừa bước qua đợt cao điểm khuyến mãi hoành tráng nhất trong năm nhằm kích cầu sức mua nhưng hiệu quả mang lại không đạt như kỳ vọng của các nhà kinh doanh. Tháng đầu tiên của quý 2 đã qua nhưng sức mua vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc, khiến nhiều doanh nghiệp (DN) đứng ngồi không yên.
Khuyến mãi nhiều… vẫn ế!
Có lẽ, chưa có năm nào các chương trình khuyến mãi để kích cầu mua sắm trong dịp lễ 30-4 và 1-5 lại “căng thẳng, gay cấn” và kéo dài như năm nay. Chỉ cần nhìn vào vài “ông lớn” ở lĩnh vực bán lẻ thực hiện các đợt khuyến mãi khủng, với mỗi đợt có tới hàng ngàn mặt hàng giảm giá đến 49%, khách hàng cũng đủ hoa mắt, chóng mặt trong việc lựa chọn điểm mua sắm tiết kiệm ngân sách cho gia đình nhiều nhất có thể. Trong số các mặt hàng khuyến mãi có khá nhiều sản phẩm được bán với giá gốc, hoặc được nếm thử thoải mái đã hút được nhiều khách hàng trong dịp lễ vừa qua.
Tại một chợ bán sỉ, người bán nhiều hơn người mua. Ảnh: ĐỨC TRÍ
Tổng kết đợt kinh doanh cao điểm, ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc Quan hệ công chúng hệ thống siêu thị Big C cho biết, mặt hàng thực phẩm đóng gói, chế biến sẵn, rau củ quả, nước ngọt, nước giải khát được người tiêu dùng chọn mua nhiều trong dịp lễ. Sức mua tại hệ thống Big C tăng khoảng 20% so với ngày thường, riêng hệ thống Big C tại các tỉnh tăng mạnh hơn TPHCM. Nguyên nhân là do kỳ nghỉ lễ kéo dài 6 ngày nên người dân có xu hướng về quê hoặc đi du lịch xa TP.
Ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc marketing của hệ thống siêu thị Co.opMart cho hay, sức mua trong những ngày lễ vừa qua tăng khá cao ở các siêu thị Co.opMart ngoài TPHCM, đặc biệt là các siêu thị ở các tỉnh, thành có khai thác du lịch. Cá biệt, có một số mặt hàng doanh số tăng gấp 2 đến 4 lần so với ngày thường, tập trung vào thực phẩm, hải sản, hàng giải khát, chống nóng và các sản phẩm còn giảm giá. Riêng các Co.opMart tại TPHCM chỉ đông khách vào những ngày trước nghỉ lễ, sau đó trầm lắng hơn.
Tương tự, tại các chợ, mặc dù giá cả rất ổn định, hàng hóa dồi dào nhưng sức mua chỉ tập trung một vài mặt hàng như thủy hải sản, rau xanh, thịt bò,… Các ngành hàng khác chỉ có hàng may mặc, giày dép còn túc tắc bán hàng, còn lại gần như “đóng băng” trong dịp lễ.
Trở lại với những tháng đầu năm 2015, nhiều DN sản xuất cho biết, doanh số bán hàng giảm 10% so với cùng kỳ. Tại khu vực các siêu thị, sức mua chỉ tập trung ở một số ngành hàng thiết yếu như thực phẩm tươi sống và chế biến, hàng tiêu dùng nhanh, số còn lại không tăng, thậm chí bị giảm so với cùng kỳ.
Cần cải thiện yếu tố niềm tin
Theo các chuyên gia, những tháng đầu năm 2015 mặc dù kinh tế đã có những chuyển biến tích cực và rõ nét hơn nhưng sức cầu của kinh tế vẫn còn yếu và hồi phục chậm. Chi phí đầu vào những tháng đầu năm tăng như nguyên phụ liệu nhập khẩu, điện, nước, xăng, dầu, gas,… làm cho DN đã khó nay càng thêm khó. Đã qua rồi thời điểm tăng giá “té nước theo mưa”, giờ đây bài toán ổn định giá luôn phải đặt lên hàng đầu, vì lẽ sức mua yếu mà tăng giá cũng đồng nghĩa với “tự sát”!
Trước thực trạng này, các DN đã tự rà soát lại năng lực của chính mình, tìm những giải pháp xây dựng chiến lược riêng, phù hợp để phát triển. Đẩy mạnh việc đưa hàng hóa ra hệ thống phân phối, đến các vùng miền nông thôn cũng đang được các DN áp dụng triệt để. Riêng với các DN sản xuất và phân phối, bài toán hiệu quả nhất vẫn là tăng mức khuyến mãi bằng cách giảm giá trực tiếp trên sản phẩm mới mong bán được hàng. Đánh giá chung về sức mua trong năm 2015, nhiều DN cho rằng, rất hồi hộp, lo lắng bởi thực chất của vấn đề sức mua là do yếu tố khách quan của nền kinh tế, đặc biệt các chính sách vĩ mô. DN có thể chủ động giảm chi phí, hy sinh lợi nhuận nhưng không thể chủ động để tăng sức mua trên thị trường được.
Để kích cầu sức mua, nhiều ý kiến cho rằng, ở tầm vĩ mô, Chính phủ cần có các giải pháp nâng tổng cầu, thúc đẩy các nguồn vốn lưu chuyển mạnh mẽ trong các lĩnh vực đầu tư cơ bản, tiếp tục xử lý nhanh vấn đề nợ xấu, tạo điều kiện tốt nhất cho các DN đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Theo đó, yếu tố niềm tin cũng tác động mạnh mẽ tới tâm lý và hành vi mua sắm của người dân. Nói cách khác, để cải thiện sức mua, trước hết phải cải thiện chỉ số niềm tin nơi người tiêu dùng. Phải làm cho người dân nhìn thấy các cơ chế, chính sách đang thấm mạnh vào cuộc sống, từ đó thúc đẩy nhanh sự phục hồi của nền kinh tế. Chỉ như vậy mới mong người dân bớt “thắt lưng, buộc bụng”.
THÚY HẢI
(SGGP)
Bình luận (0)