Bệnh nhân Huỳnh Bá Phúc được kiểm tra sức khỏe trước khi xuất viện
|
“Em chưa bao giờ dám nghĩ chỉ trong vòng 10 ngày kể từ khi trở bệnh nặng, em lại có thể khỏi bệnh, xuất viện về nhà như thế này. Đi qua những giây phút tưởng như tuyệt vọng vì khó thở, lịm dần, em thấy mình như được hồi sinh lần nữa. Cuộc sống của em từ đây có được là nhờ nỗ lực, tận tình của đội ngũ y BS Bệnh viện Đà Nẵng” – bệnh nhân Huỳnh Bá Phúc – bệnh nhân bị nhiễm cúm AH3 được cứu sống nhờ kỹ thuật trao đổi ôxy qua màng lọc ngoài cơ thể (ECMO) đã bộc bạch.
Kết quả thành công ngoài mong đợi
BS. Lê Đức Nhân, Phó giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, tối 14-4, bệnh nhân Huỳnh Bá Phúc, 17 tuổi (trú huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) nhập viện trong tình trạng bất tỉnh, huyết áp tụt, hôn mê sâu, phổi trắng cả hai bên, tình trạng xấu. Ngay sau nhập viện, bệnh nhân được cho thở bằng máy kết hợp siêu lọc máu và điều trị kháng sinh. Kết quả chụp X quang cho thấy hai lá phổi bị tổn thương nặng, chỉ số ôxy hóa máu xuống thấp. Qua xét nghiệm máu, cho kết quả bệnh nhân dương tính với cúm AH3 (bội nhiễm phổi). Bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi nặng do nhiễm cúm AH3 – bội nhiễm phổi với biến chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS). Ngay khi có kết quả chẩn đoán, các BS đã quyết định đưa kỹ thuật ECMO theo phương thức tĩnh mạch – tĩnh mạch (V-V-ECMO) để cứu bệnh nhân, cùng với sự hỗ trợ bước đầu của các BS Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội. Sau bảy ngày điều trị ECMO tích cực, nội soi tại giường và chăm sóc đặc biệt, bệnh tình của bệnh nhân được cải thiện. Bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, ăn uống được và vừa được xuất viện.
Theo BS. Lê Đức Nhân: “Đây là lần đầu tiên Bệnh viện Đà Nẵng áp dụng kỹ thuật này và kết quả thành công ngoài mong đợi. Hi vọng, với kỹ thuật mới này, nhiều bệnh nhân bị nguy cấp do bội nhiễm vi trùng, virus có thể được cứu sống kịp thời”. Đây là kỹ thuật gọi nôm na là tim, phổi nhân tạo. Nghĩa là khi tim hoặc phổi bị tổn thương, các y BS sẽ áp dụng kỹ thuật để cho tim hoặc phổi nghỉ ngơi, thay thế vào đó là việc đưa ôxy vào mạch máu để dành thời gian cho tim, phổi nghỉ ngơi hồi phục khi bị tổn thương quá nặng.
Liệu pháp cứu hộ cho bệnh nhân suy hô hấp
Kỹ thuật ECMO thường được sử dụng như là một liệu pháp cứu hộ cho bệnh nhân nặng, suy hô hấp có giảm ôxy máu dai dẳng mà thất bại với các biện pháp điều trị truyền thống khác. Ở bệnh nhân sử dụng kỹ thuật ECMO, việc trao đổi khí chủ yếu được thực hiện trong màng trao đổi ôxy của hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể hơn là ở trong phổi. Ba cài đặt có thể được điều chỉnh dựa vào các phép đo độ bão hòa ôxy máu động mạch, áp lực riêng phần của CO2 và áp lực riêng phần của O2 bao gồm: Tốc độ dòng khí qua màng trao đổi ôxy; nồng độ phân suất ôxy của khí lưu thông; và tốc độ máu được bơm qua hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể. Đây được xem là công cụ quan trọng hỗ trợ bệnh nhân khi thông khí nhân tạo thất bại.
Tuy nhiên, theo BS. Nhân, việc lựa chọn đối tượng bệnh nhân và điều trị những bệnh nhân này đòi hỏi kinh nghiệm và hệ thống ê kíp hỗ trợ tích cực, đòi hỏi sự hợp tác làm việc nhóm một cách chặt chẽ.
Để đưa kỹ thuật này thực hiện ở đơn vị mình, các BS của Khoa Hồi sức tích cực chống độc đã được cử đi đào tạo, tập huấn học hỏi kinh nghiệm suốt cả năm trước đó. Với thành công đầu tiên này là động lực để Bệnh viện Đà Nẵng tự tin hơn trong việc tiếp cận với các kỹ thuật y học mới, tiên tiến của thế giới. Theo BS. Nhân, đối với kỹ thuật ECMO là kỹ thuật mới, chi phí cao trong khi bảo hiểm y tế chưa thanh toán những hạng mục như thế này nên trước mắt bệnh viện hỗ trợ một phần chi phí cho bệnh nhân để thực hiện, về lâu dài phía bảo hiểm cần có sự hỗ trợ chi trả để các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn có thể được cứu sống kịp thời bằng kỹ thuật này.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
“Kỹ thuật này không phân biệt độ tuổi mắc bệnh, nhưng chỉ áp dụng cho bệnh nhân có bệnh lý cấp tính nặng, sau một thời gian ngắn từ 7 đến 20 ngày thì bệnh lý rút đi, có thể hồi phục được. Còn đối với các bệnh lý mãn tính thì không thể áp dụng. Điều quan trọng là trong quá trình hội chẩn, các BS phải hiểu rõ bệnh nhân sẽ có lợi gì khi áp dụng phương pháp kỹ thuật này để bắt tay vào tiến hành”, BS. Nhân nói. |
Bình luận (0)