Tòa soạnThư đi – tin lại

Dấu ấn 50 năm – ngôi trường Đông Sơn Tịnh

Tạp Chí Giáo Dục

Cựu học trò Trường cấp 2 Đông Sơn Tịnh niên khóa 1966-1968, chụp hình lưu niệm tại buổi họp mặt vào tháng 10-2007

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức về mái trường xưa, về những lớp học thời chiến luôn cứ tràn về. Không khí hội ngộ 40 năm thống nhất đất nước ngày 30-4 và kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Trường Đông Sơn Tịnh – tỉnh Quảng Ngãi mỗi lúc một vui. Mỗi người một suy tư về nửa thế kỷ trước đang len lỏi ùa về trong tâm hồn họ, đó là những phút giây hạnh phúc, xúc động, nghẹn ngào. Họ ôn lại những kỷ niệm đan xen trong 5 thập kỷ đã qua.
Ngôi trường trong kháng chiến
Trường Đông Sơn Tịnh được thành lập năm 1965, trường được giao nhiệm vụ đào tạo cấp II cho học sinh ở các xã phía Đông. Vùng giải phóng phía Đông huyện Sơn Tịnh mở rộng đến đâu đều có trường hoặc có lớp để thu nhận con em đến trường theo từng cấp học. Những năm đó, cuộc chiến tranh diễn ra vô cùng khốc liệt. Có thể nói, đây là mảnh đất chịu nhiều bom đạn của kẻ thù. Mặt khác, đây là địa danh nổi tiếng của những con người anh dũng, kiên cường, căn cứ lòng dân vững chắc, đã đi đầu trong cuộc đấu tranh, lập nhiều chiến công vang dội. Bây giờ, mái trường chỉ còn lại trong ký ức của thầy trò và người dân nơi đây. Nhưng trường đã và sẽ còn mãi tên mình trong lịch sử cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc, còn mãi một ngôi trường mà thời ấy đâu đâu cũng có thể trở thành lớp học – lớp học nhà dân.
Trường lớp ngày ấy nhiều lần bị bom đạn phá sập phải di chuyển chỗ học nhiều nơi, bàn ghế tạm bợ hoặc dùng đầu gối kê viết. Ngồi học ban đêm không được cho lọt ánh sáng ra ngoài để tránh máy bay địch phát hiện. Mỗi em tự túc đèn để thắp sáng, cái tim đèn làm bằng bông gòn hoặc bằng vải tám xé nhỏ, nhiên liệu dùng dầu hỏa, dầu dừa hay dầu rái pha chế ra rồi đựng vào một cái lọ đậy lại mang đến nơi đổ ra cái đĩa hay cái vỏ lon đồ hộp như lon thịt 3 lát bây giờ. Ngày ấy đi học chỉ cầm vỏn vẹn vài cuốn vở, gói lại trong tấm nilon sờn cũ và nhét vào phía sau lưng để tiện việc chạy nhanh, nhảy qua những con mương hay hố bom chẳng hạn. Ngoài chừng đó thứ không còn cái gì khác cho ra hồn.
Những người thầy kính yêu
Ông Nguyễn Thành Chinh, nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM là một trong những cô cậu học trò thời ấy đã bộc bạch: Trong đời tôi được học nhiều thầy, ai cũng kính trọng kể cả những người chưa dạy mình nhưng đã được xã hội thừa nhận làm thầy. Những ký ức về thầy giáo làng và những người thầy đã dạy chúng tôi từ những lớp học trong vùng giải phóng, rồi trong chiến trường, rồi các trường sau này để lại trong tôi rất nhiều cảm xúc, ấn tượng và nghĩa tình. Nhưng mái trường làng và Trường Đông Sơn Tịnh, dù ở phương trời nào chúng tôi vẫn nhớ về nơi ấy. Một mái trường với những kỷ niệm thân thương, những dấu ấn khắc ghi, những vui buồn gian khó của một thời, những hành trang tôi mang theo của tuổi học trò trên khắp các nẻo đường xuôi ngược. Mỗi lần nhớ về nơi ấy, như vơi đi nỗi vất vả, khổ cực và không chùn bước trước những thách thức, hiểm nguy.
Ngày ấy, các thầy không có thời gian để chăm chút cho riêng mình, thầy trò phải đối mặt với sự sống chết, giành giật tự do. Sáng dậy, thầy mang theo cà mèn cơm độn khoai lang, khoai mì để ăn qua bữa, qua ngày, rồi cùng tham gia chiến đấu, gánh vác những công việc cách mạng đang cần. Mọi thứ diễn ra trong mạch sống xuyên suốt nhưng tự tin, trật tự, yên bình. Tất cả như không có gì xảy ra với thầy. Nhớ về những năm tháng gian khổ nhưng hạnh phúc và đầy ắp khát vọng, biết đùm bọc nhau và nặng tình người. Được các thầy dạy dỗ, chỉ bảo, cùng được sống dưới mái trường với những người bạn nhỏ trong sáng, vô tư, hồn nhiên. Nghĩ mà thương các thầy. Đó là thầy Vũ Trọng Nga quê Thanh Hóa, thầy đi bộ đội vào Nam ra trận bị thương, tổ chức cử ra tuyến sau đi dạy học trong vùng giải phóng. Quê hương của thầy cũng chịu nhiều bom đạn, không kém phần ác liệt, cả sự mất mát và hy sinh. Thầy luôn nhận tin không vui từ gia đình, nhưng chưa một lần thổ lộ với ai, chỉ lo chú tâm cho sự nghiệp trồng người.
Cách mạng đến với chúng tôi từ ngày đó, ngày ấy nhờ các thầy truyền dạy, được học chữ, học làm người, biết yêu, biết ghét, học đức tính kiên trung, chịu đựng vượt khó sẽ nên người. Đúng là “Dạy con khi thuở con thơ”, bây giờ là cựu học sinh, mọi người nhớ như in những bài học ấy, nhớ để không bao giờ quên những lời thầy dạy. Quả đất xoay tròn, rồi tôi được trở thành ông thầy của một trường ĐH, mỗi lần đến trường sinh viên đứng lại chào thầy. Và quãng thời gian ấy, những ngày vui của đất nước, Ngày Nhà giáo Việt Nam tôi luôn nhận được những món quà thân thương mà các em dành cho người thầy. Nghĩ lại mà thương mà quý các thầy đã đem kiến thức và tấm lòng nhiệt huyết của mình truyền dạy cho chúng tôi ngày ấy mà không đòi hỏi bất cứ một thứ gì, ngoại trừ trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng làm thầy.
Chiến tranh đi qua, người còn người mất. Những người còn sống, như “hạt gạo trên sàng”, định cư trên khắp mọi miền đất nước và hầu hết là thành đạt. Hiện nay, nhiều người đã là giáo sư, tiến sĩ, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường ĐH, là tướng tá trong ngành quân đội, công an. Số đông làm giám đốc tỉnh này, tỉnh nọ và nhiều nhà doanh nghiệp tầm cỡ. Có lẽ, mọi người đều thấm nhuần lời dạy của thầy: Ở đời, con người ta phải chấp nhận quy luật chung riêng, quy luật sinh tồn, muốn tồn tại phải đấu tranh. Có lẽ, cái lẽ đương nhiên ấy mà bây giờ sau 50 năm, thầy trò, bạn bè gặp lại ai cũng bằng lòng với chính mình.
Ký ức tuổi học trò
Ông Chinh cho rằng nhắc đến ký ức tuổi học trò thì nhiều lắm, nhưng các hoài niệm của tuổi học trò làm cho nó cứ sống dậy mỗi lần ông gặp lại thầy và bạn học ngày xưa. Đó là: Ngồi học, ngoài bóng đêm là tiếng súng nổ. Thầy trò đã chứng kiến hàng chục, hàng trăm và hơn thế nữa những quả đạn pháo từ tàu chiến Mỹ bắn vào các vùng giải phóng để làm tiêu hao thực lực cách mạng. Những tràng đại liên từ hướng núi Thình Thình, phía trong là núi Đồi Voi hoặc tiếng nổ đâu đó gần các khu giáp ranh giữa vùng ta và vùng địch. Có lẽ hàng giờ, hàng ngày súng vẫn nổ nên các em đã quen với loại súng gì và còn biết quả đạn pháo sẽ rơi ở khu vực nào, nên bảo nhau: Kệ chúng! Sống chết lúc ấy là chuyện bình thường. Rồi ngày ngày, người nông dân vẫn cùng con trâu cặm cụi trên những luống cày, còn bọn trẻ tối đến lội bộ gần chục cây số tới trường. Ngồi học, bọn trẻ xầm xì nhỏ to. Khi tan học trên đường về nhà chúng nó kháo nhau: Giá như có pháo sáng của địch bắn lên thì hay biết bao nhiêu, để thấy đường mà đi, kẻo trời tối giẫm phải sình lầy, hố bom hoặc giẫm phải xác súc vật vừa chết từ những loạt pháo đầu tiên. Ngồi học, nhưng bọn trẻ vẫn bị ám ảnh đâu đâu cũng có đồn bốt, xe tăng. Xe GMC chở đầy lính bộ binh chạy lên chạy xuống lùng sục khắp xóm làng. Ngồi học, bữa đói bữa thèm ăn, nhiều hôm gật gù vì thiếu ngủ. Ngồi học, nhìn sĩ số trên góc bảng đen có nhiều bạn vắng mặt. Trong số đó, có bạn đã cùng cha mẹ đi tìm chốn làm ăn xa, có bạn không còn cơ hội đến trường vì không còn ai để nuôi nấng đi học, có bạn bị đạn pháo quân thù cướp đi sinh mạng. Số vắng mặt tăng lên và trong lớp học sinh ngày một ít đi.
Ngồi ôn lại một quãng đời tuổi thơ với ngôi trường trong thời chiến, ông Chinh cho đó là một quá khứ tuyệt vời. Quá khứ của tuổi học trò thời bom đạn như ông đã qua 50 năm rồi, một quá khứ như trong mơ nhưng tất cả đều là sự thật – gian khổ nhưng vinh quang. Và ở đó có những người thầy bình dị và đức độ.
Bài, ảnh: Sa Kỳ

Bình luận (0)