Tòa soạnThư đi – tin lại

Giáo dục nghề nghiệp: Hai bộ quản lý một hệ thống

Tạp Chí Giáo Dục

Một tiết thực hành của sinh viên Trường CĐ Nghề Việt Nam – Singapore
Chính phủ vừa quyết định giữ nguyên Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp (GDNN) như quy định hiện hành. Như vậy, cùng một “con” nhưng do hai “mẹ” quản lý có ảnh hưởng gì đến hoạt động của các trường CĐ nghề, CĐ, TCCN, TC nghề…?
 
Ông Trần Kim Tuyền, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Nghề TP.HCM:
Nhà trường sẽ không gặp khó khăn
Việc để Bộ LĐ-TB&XH và Bộ GD-ĐT cùng quản lý hệ thống GDNN sẽ tạo điều kiện cho các trường tuyển sinh tốt hơn, giúp sinh viên không phân biệt giữa CĐ và CĐ nghề, TCCN và TC nghề.
Tuy nhiên, khi sáp nhập thành một hệ thống, việc để hai bộ cùng quản lý chắc chắn sẽ có những vướng mắc về cơ cấu nhân sự, tổ chức, chương trình nên hai bên cần phải có sự bàn bạc kỹ lưỡng để có những thống nhất về vấn đề này. Còn về phía nhà trường, nhà trường không gặp khó khăn gì khi sáp nhập cũng như giao cho hai bộ quản lý vì hoạt động của nhà trường cũng như vậy, bản chất đào tạo nghề vẫn không thay đổi.
 
Bà Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức (TP.HCM):
Tránh hoang mang cho nhà trường
Chúng tôi rất mừng vì đến giờ phút này, Chính phủ đã quyết định giữ nguyên Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan quản lý Nhà nước về GDNN. Trước mắt nhà trường vẫn hoạt động và phát triển ổn định, tránh được sự xáo trộn, hoang mang khi giao cho bộ khác quản lý mà những quy trình do Bộ GD-ĐT quản lý thực hiện từ trước đến nay đã tạo được nền móng vững chắc. Dù vậy, điều khiến chúng tôi lo lắng hiện nay là những thay đổi trong phương thức tuyển sinh khi phải cạnh tranh với các trường ĐH do chỉ còn một kỳ thi THPT quốc gia, các trường ĐH và CĐ sẽ xét tuyển từ kết quả học bạ THPT hoặc kỳ thi THPT quốc gia.
 
Nguyễn Lê Đình Hải, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Nguyễn Trường Tộ (TP.HCM):
Tránh được xáo trộn
Bộ LĐ-TB&XH và Bộ GD-ĐT cùng quản lý hệ thống GDNN chứng tỏ rằng không có sự thay đổi nhiều về mặt quản lý các cơ sở GDNN, điều này tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho bước chuyển giao trong Luật GDNN. Các văn bản, thông tư, hướng dẫn Chính phủ giao cho Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với Bộ GD-ĐT là hợp lý bởi người phụ trách văn bản của Tổng cục Dạy nghề đã có những định hướng cụ thể trong hoạt động đào tạo, từ đó tham khảo thêm văn bản và ý kiến của Bộ GD-ĐT để có văn bản thống nhất giữa hai bộ. Còn với nhà trường, việc không thay đổi cơ quan quản lý giúp các trường tiếp tục hoạt động theo bậc đào tạo, không bị xáo trộn nhiều bởi trước đây bên nào quản lý đã đặt nền tảng vững chắc trước.
Nếu Chính phủ giao cho một bộ quản lý thì chắc chắn các trường sẽ gặp nhiều khó khăn. Chương trình đào tạo, cách quản lý, quy chế tuyển sinh… của Bộ GD-ĐT có nhiều điểm khác với Bộ LĐ-TB&XH nên nếu giao trường thuộc Bộ LĐ-TB&XH cho Bộ GD-ĐT quản lý hoặc ngược lại thì trường sẽ có nhiều thay đổi về quy chế, tiêu chuẩn giáo viên… cho phù hợp với cách quản lý của từng bộ. Điều này sẽ gây khó khăn cho cả hai bên, đồng thời làm cho việc thực hiện Luật GDNN trở nên cập rập hơn.
Bên cạnh thuận lợi thì cũng có những khó khăn đi kèm, khó khăn này nằm chủ yếu ở cơ quan chủ quản còn các trường khi các văn bản của Luật GDNN có hiệu lực sẽ thực hiện theo. Theo đó, hai bộ sẽ phải bàn bạc và thống nhất về các văn bản hướng dẫn như chương trình đào tạo, chính sách người học, giáo viên, hướng dẫn thực hiện… để cơ sở dạy nghề thực hiện.
DƯƠNG BÌNH (ghi) 

Bình luận (0)