Thống kê từ sở GD-ĐT nhiều tỉnh cho thấy môn sử vẫn chịu cảnh “lép vế” do có lượng hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia thấp. Môn địa có phần khả quan hơn, dù vậy, đa số thí sinh vẫn dồn nhiều vào những môn thuộc các khối truyền thống như A, B…
Mỗi tỉnh có hàng ngàn thí sinh chọn đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT thay vì cạnh tranh gay gắt ở cuộc đua vào ĐH-CĐ…
Ảnh học sinh giờ học sử (Nguồn: motthegioi.vn)
|
Địa đông, sử vắng
Ông Trần Ngọc Minh -Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Sở GD-ĐT Trà Vinh – thống kê, trong gần 1.880 hồ sơ đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT tại cụm do sở chủ trì, chỉ có 411 thí sinh chọn thi môn sử. Trong khi đó, môn địa lại được đông đảo thí sinh ở đây lựa chọn. Không kể các môn bắt buộc như toán, văn… thì môn địa năm nay vươn lên dẫn đầu lượng đăng ký với 1.109 em, vượt hẳn các môn hóa (467 em), sinh (820 em). Đặc biệt, môn lý chỉ có 90 em lựa chọn. Theo ông Minh, đối với môn địa học sinh biết cách sử dụng Atlat sẽ đỡ phải nhớ nhiều phần kiến thức trong khi môn sử, các em “áp lực” hơn.
Trà Vinh là một trong những tỉnh hiếm hoi có lượng đăng ký dự thi môn địa vượt hẳn những môn thuộc khối tự nhiên khác. Tại nhiều địa phương, hai môn sử, địa lại chịu cảnh “ê chề” vì các môn sinh, lý, hóa… mới là lựa chọn của đông đảo thí sinh.
Tại Sở GD-ĐT Đắk Lắk, lượng thí sinh đăng ký môn địa cũng nhiều hơn môn sử đến 2.000. Tuy nhiên, đây lại là hai môn xếp hạng cuối cùng trong lựa chọn của thí sinh. Thậm chí môn sử có lượng đăng ký thấp nhất với gần 3.550 hồ sơ. Ông Trương Thức – Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Đắk Lắk – nhìn nhận, lượng đăng ký vẫn tập trung nhiều vào các môn thuộc khối khoa học tự nhiên, khối A đông nhất, kế đến là khối B. Khối C và D vẫn tiếp tục chịu cảnh… “lép vế” như mọi năm. Một phần nguyên nhân phụ thuộc đầu ra, nguồn việc làm hạn chế cũng là điều khiến người học có phần dè dặt với khối ngành khoa học xã hội. Riêng môn văn, theo ông Trương Thức, dù lượng đăng ký lên đến gần 17.000 nhưng do đây là môn bắt buộc đối với thí sinh trong xét tốt nghiệp THPT nên chưa dự đoán được con số thực đăng ký xét tuyển ĐH-CĐ là cao hay thấp.
Đại diện Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng Sở GD-ĐT Phú Yên cũng cho biết, cùng thuộc khối xã hội nhưng môn địa được thí sinh đăng ký đông hơn, môn sử lại thưa vắng. Lý do, nhiều thí sinh cảm thấy môn địa dễ học hơn, lại được sử dụng Atlat. Môn sử đòi hỏi các em phải ghi nhớ nhiều. Văn phòng đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM đến nay cũng nhận được trên 18.300 hồ sơ đăng ký của thí sinh tự do. Ông Nguyễn Quốc Cường – Chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT – đánh giá, lượng đăng ký vẫn tập trung đông vào các môn thuộc khối A như toán, lý, hóa và cả môn ngoại ngữ. Các môn sử, địa rất ít hồ sơ đăng ký lựa chọn.
Hàng ngàn thí sinh chỉ xét tốt nghiệp THPT
Thống kê từ Sở GD-ĐT Phú Yên, toàn tỉnh có hơn 12.000 hồ sơ đăng ký dự thi, bao gồm cả thí sinh tự do. Trong đó, trên 2.000 em chỉ đăng ký thi tốt nghiệp THPT, gần 10.000 em còn lại đăng ký xét tuyển ĐH-CĐ lẫn tốt nghiệp THPT.
Sở GD-ĐT Khánh Hòa cũng nhận được 14.420 hồ sơ đăng ký dự thi. Trong đó, 3.243 thí sinh chỉ thi tốt nghiệp THPT. 11.177 thí sinh còn lại vừa xét tuyển ĐH-CĐ vừa xét tốt nghiệp THPT.
Ông Trương Thức – Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Đắk Lắk – ước tính, tỷ lệ thí sinh chỉ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT tại địa phương chiếm trên 20%. Cụ thể, toàn tỉnh có 19.235 hồ sơ đăng ký vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét ĐH-CĐ và gần 6.250 hồ sơ chỉ đăng ký dự thi THPT.
Ông Trần Ngọc Minh – Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Sở GD-ĐT Trà Vinh cũng thống kê, lượng học sinh đang học lớp 12 toàn tỉnh hiện khoảng 7.000 em. Năm nay, gần 1.880 thí sinh chỉ đăng ký dự thi để xét tốt nghiệp THPT tại cụm do Sở GD-ĐT chủ trì. Con số đăng ký dự thi tại cụm do Trường ĐH Trà Vinh chủ trì để vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển ĐH-CĐ là 6.275…
Mê Tâm
Bình luận (0)