Không chỉ vì cha mẹ không tin tưởng, mà còn do nhiều cách giáo dục phản khoa học của người lớn khiến thế hệ trẻ “ngoảnh mặt làm ngơ” với sự trung thực.
Khi suy nghĩ để tìm căn nguyên của thói dối trá trong giới trẻ hiện nay, tôi chợt nhớ đến bức thư của một phạm nhân kể về câu chuyện chia táo của bà mẹ mình. Bức thư viết rằng: “Hồi tôi còn nhỏ, một hôm mẹ tôi mang một khay đựng những quả táo xanh chín khác nhau chia cho hai anh em tôi. Tôi nhanh chóng nhìn thấy quả táo ngon nhất, định sẽ chọn ăn quả đó, cùng lúc em trai tôi cũng đòi ăn quả táo đó. Mẹ tôi nghe vậy trừng mắt nhìn em tôi nói: Con ngoan phải biết nhường phần ngon cho người khác, không nên chỉ nghĩ đến mình. Thấy mẹ nói vậy, tôi chuyển ý, nói dối: Mẹ ơi con là anh, mẹ cứ chia quả táo ngon cho em, con ăn quả xanh cũng được. Mẹ tôi nghe vậy rất vui, vội hôn vào má tôi, khen tôi là đứa con ngoan, người anh tốt, và mẹ đã đem quả táo ngon nhất kia thưởng cho tôi. Sau câu chuyện đó tôi đã học được cách nói dối, vì tôi thấy nói dối có lợi. Về sau tôi biết đánh nhau, ăn cắp, cướp giật. Để có được thứ tôi thích tôi không từ thủ đoạn nào. Cho đến khi tôi bị bắt, bị tống vào nhà lao…”.
Bà mẹ ở câu chuyện trên trong cách giáo dục của mình, về hình thức là khích lệ con làm người tốt. Câu “đứa con ngoan phải biết nhường những thứ tốt cho người khác” quá chung chung, mơ hồ, khiến trẻ khó lĩnh hội. Sai lầm lớn hơn của bà mẹ này là bà không phát hiện ra đứa con đang lừa dối mình, kết cục là đã trao phần thưởng (tiếp tay) cho con nói dối. Cách giáo dục này tác động rất xấu đến nhân cách của trẻ.
Câu chuyện thứ hai là, nghe chuông điện thoại reo chị Hòa gọi đứa con gái (8 tuổi) ra nhấc máy và bảo “Nếu là cô Nga gọi đến thì con hãy nói là mẹ đi vắng nhé!”. Con bé mắt tròn, mắt dẹt ngạc nhiên hỏi lại: “Sao mẹ lại nói dối như vậy? Mẹ vẫn ở nhà kia mà?”. Ban đầu, chị Hòa khá bối rối khi bị con phát hiện mình đang nói dối, nhưng đành giải thích đại khái, qua loa cho con gái hiểu rằng vì chưa muốn gặp cô Nga nên mẹ đành phải nói thế. Với trình độ nhận thức cảm tính, nhìn nhận vấn đề còn hạn chế mang tính phiến diện, giản đơn trẻ nhỏ sẽ lạm dụng việc nói dối để đối phó với cha mẹ khi gặp những tình huống tương tự để có lợi cho mình.
Gia đình là cái nôi đầu tiên để đứa trẻ tiếp nhận những chuẩn mực giá trị đạo đức và cha mẹ là người thầy đầu tiên điều chỉnh, uốn nắn, giáo dục trẻ. Vì thế, khi cha mẹ suy nghĩ không thấu đáo về cách giáo dục con và nêu gương xấu về thiếu trung thực thì trẻ sẽ bị “lây nhiễm” là điều không thể tránh khỏi.
Lê Phạm
Bình luận (0)