Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tôi nhớ mãi ơn thầy!

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là vào một đêm trăng sáng năm học 1972-1973 ở một vùng quê Anh Sơn (Nghệ An), tôi cùng các bạn đi học nhóm trong lớp học. Hồi ấy, học sinh đều ở nội trú vì xa nhà; đường đi lại khó khăn và nhiều rủi ro vì bom đạn dọc đường, phải qua mấy trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ. Mặt khác, học sinh ở nội trú để thầy cô có điều kiện chăm sóc, theo dõi việc học tập và rèn luyện.
Ảnh minh họa
Lớp học hồi ấy lợp tranh nứa, vách cũng bằng những tấm phên nứa do phụ huynh đóng góp và công sức của học sinh trong những ngày lao động vào rừng chặt nứa, đốn cây dựng nên…
Trong cặp sách của tôi có con dao nhọn dùng để gọt trái cây. Lúc đó, tay chân ngứa ngáy thế nào cộng với tánh “thích làm nổi” trước các bạn nữ, tôi mang dao ra và đứng cách tấm phên nứa chừng 5-6 thước rồi phóng vào. Coi bộ cũng điệu nghệ vì mỗi lần phóng đi là con dao cắm phập vào vách, nghe rất sướng tai! Mấy đứa bạn, cả nam lẫn nữ đứng xung quanh, reo hò cổ vũ “màn trình diễn phóng dao” của tôi với sự khâm phục ra mặt.
Tôi đang say sưa “trình diễn” thì thầy hiệu trưởng nghe tiếng ồn ào, ra xem và đứng sau lưng hồi nào mà tôi không biết. Không nói không rằng, khi tôi vừa phóng dao đi thì thầy bước tới, giáng một cái tát vào mặt tôi. “Hồng, em có biết không? Để có những tấm vách này, đã có học sinh đi chặt nứa và chết đuối khi qua đập nước. Sao em nỡ tâm phá hoại như vậy?”.
Chừng như đã hả cơn tức giận vì đã tát tôi, thầy hiệu trưởng kêu các bạn về nhóm học và thầy đến bên tôi đang đứng cúi đầu bên tấm vách. Tôi xin lỗi thầy vì mình làm thủng vách lớp học. Thầy nói rằng: Rồi em sẽ lớn lên, sẽ đi xa nhưng cần phải khắc phục những khuyết điểm như thế này. Thầy đau lòng nhắc lại có một nam sinh lớp 10 năm trước (hệ 10 năm) đã chết đuối khi bơi qua hồ nước để mang bó nứa về trường. Của công là của chung, mình phải gìn giữ vì có mồ hôi, nước mắt và cả máu mọi người trong đó.
Cái tát của thầy hiệu trưởng đã làm tôi thức tỉnh, nhớ mãi tận bây giờ. Cái tát của thầy trong cơn nóng giận cực điểm đã có tác dụng giáo dục, nâng tôi đứng dậy trong cuộc sống sau này. Tôi chấp nhận hình phạt đó vì lỗi của mình gây ra. Bảo vệ, gìn giữ tài sản chung là trách nhiệm, là ý thức máu thịt của mỗi người.
Tôi nhớ mãi ơn thầy, bởi thầy đã chỉ ra cho tôi hiểu rõ hơn, sâu sắc hơn về giá trị, về nhân cách con người là phải biết tôn trọng, gìn giữ tài sản chung như tài sản của mình.
Lam Hồng (Sóc Trăng)

Bình luận (0)