Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

“Bão” ngôn tình, nhà trường cũng có lỗi

Tạp Chí Giáo Dục

Một bạn trẻ đọc SNT trong nhà sách. Ảnh: Yên Hà
Khi sách ngôn tình (SNT) tràn ngập nhà sách lớn – nhỏ lẫn tiệm sách vỉa hè thì người ta mới tá hỏa đi tìm nguyên nhân tại sao một thể loại sách không nên khuyến khích xuất bản lại được nhiều nhà xuất bản tham gia đến vậy.
Hiện nay thể loại SNT đang chiếm lĩnh phần lớn thị phần ở kệ sách của các nhà sách. Khi nhiều nguyên nhân được đưa ra, ai nấy đều đồng ý là do quản lý lỏng lẻo giữa các đơn vị liên kết xuất bản, chạy theo lợi nhuận, ít có sách phù hợp cho lứa tuổi học trò lựa chọn… Và thực trạng SNT (bao gồm cả truyện sex đội lốt ngôn tình) bám rễ vào trí não của giới trẻ thì những hồi chuông được gióng lên mạnh mẽ, dồn dập về trách nhiệm của các cơ quan quản lý, trong đó giáo dục nơi nhà trường không là ngoại lệ.
Những câu hỏi “Em bé được sinh ra từ đâu?”, “Tại sao nam nữ cơ thể khác nhau?”, “Phải từ chối ra sao với nhiều dụ dỗ ngọt ngào?”… đã được mang ra bàn thảo từ lâu mà nay vẫn còn mang tính thời sự. Sứ mệnh của nhà trường không chỉ dạy kiến thức mà còn phải dạy kỹ năng cho học sinh (HS). Chúng ta không nên né tránh những câu hỏi về giới tính đó, vì đây cũng là nguyên nhân dẫn các em tìm đọc SNT. Nhiều HS “vào đời” chỉ vì tò mò tìm hiểu “chơi trò vợ chồng” nhằm trả lời cho những thắc mắc giới tính lứa tuổi… Ngày nay ít bậc cha mẹ còn thờ ơ với chuyện hướng dẫn con mình vượt qua giai đoạn “khủng hoảng”, không còn lặng thinh, đánh mắng khi con mình nói đến chuyện “tế nhị”, và đặc biệt, ngành giáo dục đưa vào trường học các giờ dạy để nâng cao kỹ năng ứng phó cho HS ở từng lứa tuổi.
Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, người viết xin nêu lên ý kiến, cách nhìn nhận riêng về khía cạnh nhà trường mà cụ thể hơn là đối với giáo viên (GV) môn sinh học và GV tư vấn học đường. Nhận xét chung cho GV dạy môn sinh học là ngại thảo luận cùng HS về giới tính, trao đổi về chức năng các bộ phận sinh dục lại càng ít, chưa kể bàn về nhu cầu tâm lý và ảnh hưởng của sự thay đổi sinh lý dẫn đến “sự rạo rực” trong sự biến chuyển tính dục gần như là không.
Sứ mệnh của nhà trường không chỉ dạy kiến thức mà còn phải dạy kỹ năng cho học sinh (HS).
Đâu là vật cản? Không phải tất cả song những GV nhiều tuổi thường nghĩ rằng dạy tỉ mỉ cho HS là vẽ đường cho hươu chạy, HS chưa đủ lớn để biết, hay cho rằng các em lớn lên sẽ biết. Thế nên, thường bài học về các bộ phận sinh dục thì GV dạy cho qua chuyện, lướt nhanh mà HS dù rất muốn tìm hiểu nhưng ngại hỏi vì sợ bị bạn bè dè bĩu, sẽ bị nghĩ “có vấn đề” gì không… Có hiện tượng này là do lối sống và cách nghĩ, tập tục lâu đời mà người Việt vẫn quan niệm là chuyện tế nhị, chuyện của chốn phòng the.
Còn GV trẻ, đặc biệt là GV nữ chưa có gia đình thì thẳng thắn thừa nhận đối với những bài học kiểu như vậy họ không thiếu kiến thức, nhưng khi “tư vấn” kỹ quá nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của HS thì bị xét đoán “chưa chồng sao rành quá vậy?”. Số còn lại thì không đủ can đảm trả lời cho HS những câu hỏi “Làm sao mà có thai?”, “Tại sao hôn nhau lại có bầu?”, “Em bé được sinh ra như thế nào? Qua nách, qua bụng hay hậu môn?” vì sợ gây ngộ nhận ở HS. Giải thích cho HS phải nói sao không quá học thuật uyên bác cũng không suồng sã dễ dãi để các em hiểu một cách cơ bản là chuyện cũng không dễ dàng gì, GV sợ HS về đem ra “thực hành” thì có lẽ tội đồ là họ nên thôi “cha chung” mà.
Mong tất cả mọi người không còn xem nói chuyện giới tính với con trẻ là chuyện người lớn.
Nguyễn Minh Quân (GV THCS tại TP.HCM)
 LTS: Sau khi đăng hai bài viết: Sách ngôn tình: Nỗi lo của thầy cô, cha mẹ (8-5) và “Nhức nhối” sách ngôn tình (11-5), Giáo dục TP.HCM nhận được nhiều ý kiến phản hồi về vấn đề này. Từ số báo này, tòa soạn xin mở diễn đàn“Sách ngôn tình, nỗi lo không của riêng ai!”, rất mong bạn đọc tham gia.
 
 

Bình luận (0)