Đá lạnh trước khi đưa vào cửa hàng thức ăn nhanh
|
Không khó bắt gặp những cửa hàng, đại lý nước đá nằm bên mép cống, vỉa hè, lối đi nhếch nhác, mất vệ sinh.
Cận cảnh đại lý “nhiều không”
Đó là những đại lý không mặt bằng, không có cách bảo quản an toàn… Cho dù quy trình làm nước đá sạch đến đâu nhưng đá cây được các đại lý xếp trên góc vỉa hè, được bọc bởi những tấm vải đen cáu bẩn cũng đủ thấy nó nguy hại đến sức khỏe như thế nào. Ông Hoàng, chủ một đại lý nước đá trên vỉa hè đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.1, TP.HCM) giải thích vì sao mình không thuê mặt bằng mở đại lý: “Hầu hết các đại lý như mình đều thuê mặt bằng một thời gian ngắn, khi có bạn hàng rồi thì tìm một góc vỉa hè nào đó cho… tiện, dại gì thuê mặt bằng tốn mấy triệu bạc”. Theo đó, nhiều đại lý mỗi vỉa hè nhưng mỗi ngày tiêu thụ hàng tấn đá lạnh. Cách bảo quản đá lạnh cũng cực kỳ đơn giản, gồm một tấm bạt (hoặc nilon) và tấm vải thế là đủ. Ông Hoàng thừa nhận: “Không thuê mặt bằng, mỗi tháng tiết kiệm ít nhất 2,5 triệu đồng”.
Tại đại lý nước đá nằm bên lối đi vào bên trong nhà số 64B Trần Mai Ninh, P.12, Q.Tân Bình, chỉ trong vòng 15 phút đã có hơn 20 cây và hàng chục bao đá tinh khiết được chuyển đi đến các quán ăn, giải khát trên địa bàn. Đá lạnh chất ngay trên nền đen xì, nước bẩn lênh láng từ trong ra ngoài.
Cận cảnh những đại lý nước đá vỉa hè, chúng tôi không khỏi giật mình về cách bảo quản mất vệ sinh. Đại lý nước đá nằm gần cầu Hoàng Hoa Thám (đường Hoàng Sa, P.Tân Định, Q.1) nhìn từ ngoài vào trông rất sạch sẽ. Tuy nhiên, bên trong nền nhà thấp so với vỉa hè, nước đá tan chảy đọng lại. Hàng chục bao đá chất ngay dưới nền nhà ngập nước đen ngòm chờ giao cho các quán ăn, giải khát trên khu vực. Ông chủ đại lý mang ủng lội bì bõm, nước bẩn bắn lên tung tóe. Khi chúng tôi hỏi: “Sao không kê cao để chất đá?”, ông chủ quả quyết: “Đá tan chảy nhanh, thấy nằm trong nước dơ vậy chứ trên đường chở đi giao, nước đá chảy ra là sạch trơn chứ lo gì?”. Hỏi ông chủ về cơ sở sản xuất đá lạnh đã giao cho đại lý, ông ta trả lời nhát gừng: “Cơ sở Tân Phú. Cứ giao xe nào tính tiền xe đó. Ở đâu thì có trời mới biết”.
Bệnh vì nước đá bẩn
Đá lạnh chất ngay lối đi
|
Riêng ở các điểm bán thức ăn, nước giải khát, từ vỉa hè cho đến hàng quán sang trọng, việc bảo quản đá lạnh cũng khiến không ít người lo ngay ngáy vì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Thời tiết nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời lên đến 37-390C, những cửa hàng nước giải khát di động “mọc” đầy đường. Đá lạnh được bảo quản trong thùng xốp, cũng là dụng cụ để ướp lạnh nước đóng chai. Người bán thì cứ tay trần bốc đá. Người mua dù có biết nguy hiểm nhưng mặc kệ, thỏa cơn khát là trên hết. Bảo quản đá lạnh ở những quán vỉa hè trước bệnh viện, cổng bến xe… cũng là điều đáng lưu tâm nhưng hầu hết cả người bán và người sử dụng đều phớt lờ.
BS. Đỗ Thanh Trình, Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Y học dân tộc chia sẻ, thời tiết nắng nóng, nhu cầu dùng đá lạnh để “giải” cơn khát của người dân tăng cao. Tuy nhiên, cũng cần phải lựa chọn cách ăn uống hợp vệ sinh để đảm bảo sức khỏe. Thông thường, vào mùa nóng, số người nhập viện vì bệnh tiêu chảy, đau dạ dày, viêm họng… tăng cao mà “thủ phạm” chính là nước đá bẩn. Từ khâu sản xuất, vận chuyển đến bảo quản đá lạnh nếu không tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ là cơ hội phát sinh mầm bệnh, ổ vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp, đường tiêu hóa. Nước đá bẩn cũng là nguyên nhân gây bệnh nhiễm trùng đường huyết, ngộ độc thực phẩm…
Bài, ảnh: Trần Anh
BS. Trình cảnh báo: “Đối với các trường bán trú, nội trú có tổ chức bếp ăn, hạn chế sử dụng đá lạnh để bảo quản thực phẩm mà sử dụng tủ cấp đông theo đúng quy trình. Việc bảo quản thực phẩm không đúng kỹ thuật, không đông lạnh quá lâu, thường xuyên vệ sinh tủ tránh nguy cơ nhiễm khuẩn và phát sinh ổ bệnh”.
|
Bình luận (0)