Học sinh đang xem SNT tại nhà sách
|
Sách ngôn tình (SNT) không phải bây giờ mới có, mà từ lâu đã là một loại hình văn học mang tính giải trí thuần túy.
Một số tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh viết những năm 1930 cũng đã phản ánh hiện tượng các cô gái trẻ mê mẩn với loại sách này mà có hành xử không phù hợp đạo đức xã hội. Ở Sài Gòn những năm trước giải phóng cũng có nhiều tác phẩm ngôn tình (hoặc còn được gọi là diễm tình, in thành sách hoặc đăng nhiều kỳ trên báo), thể hiện lối sống tầm thường, thiên về dục vọng, không có khao khát vươn lên, thờ ơ với thời cuộc…, vì vậy bị lên án gay gắt. Độ chục năm gần đây, tiểu thuyết ngôn tình, nhất là sách dịch, được phát hành khá nhiều, cùng với sự lan truyền trên internet, loại truyện này được nhiều người đọc, nhất là giới trẻ.
Loại sách này có một số hạn chế đáng kể, nếu người đọc không tỉnh táo dễ dẫn đến những lệch lạc về nhận thức và hành động. Đó là phần nhiều nội dung thường không có ý khích lệ, động viên người đọc phải nỗ lực vươn lên, vượt qua hoàn cảnh hiện tại mà cứ chấp nhận nó, xuôi theo nó, từ đó có thể người đọc bị giảm hoặc mất động lực phấn đấu, dễ dàng cho rằng có nhiều người cũng như mình mà họ sống được nên mình cũng không có gì phải ngại. Người đọc cũng không hiểu nguyên nhân của trở ngại, khó khăn đó từ đâu hoặc hiểu một cách lệch lạc (như cho rằng do số mệnh, do cá nhân nào đó, do thời cuộc…, mà không nhận thức sự hạn chế của bản thân) nên cách ứng xử cũng có thể không phù hợp. Nếu đọc quá nhiều sách này, bản thân không vượt qua được sự buông xuôi đó thì sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, loại sách này thường sa vào chuyện tình cảm ướt át, sầu thảm nên có thể khiến người đọc bị cuốn vào thế giới đa sầu đa cảm, buồn mênh mông của câu chuyện. Từ đó, có thể người đọc bị ảnh hưởng quá nhiều mà dễ xúc động trước các câu chuyện, dễ trở nên ủy mị mà kém sự mạnh mẽ để đủ sức đương đầu với các thách thức của cuộc sống. Hơn nữa, sách ngôn tình thường dẫn dắt người đọc đi đến khám phá về giới tính, do câu chuyện ướt át làm người đọc không vượt qua được khao khát nhục dục, hoặc bản thân câu chuyện đưa đẩy và kích thích người ta đi đến giải tỏa khao khát đó. Điều này có thể tác động người đọc đi đến sự sa ngã hoặc sai lầm.
Những điều này đặc biệt tác động xấu đến người đọc trong độ tuổi thiếu niên, khi nhận thức còn hạn chế, kinh nghiệm sống còn ít, khả năng đương đầu với khó khăn chưa nhiều…, thì dễ sa vào những sai lầm hoặc cạm bẫy của cuộc sống. Chẳng hạn, thay vì tự nhận thấy bản thân còn hạn chế cần phấn đấu nhiều hơn thì do ảnh hưởng cách nghĩ của nhân vật trong truyện nên tin rằng do số mạng, do sự thiếu quan tâm của cha mẹ, do “sinh nhầm thời”… mà từ đó có nhận thức và cách ứng xử sai trái như mê tín, oán trách cha mẹ, chửi bới xã hội… Hoặc, do ảnh hưởng của những cảnh ướt át, kích thích trong truyện, các em gái có thể không giữ được mình mà sa vào những cuộc chơi tình ái, tình dục, có thể để lại những hậu quả nặng nề về tâm lý, sức khỏe.
Không chỉ vậy, loại truyện này thường không trau chuốt về kỹ thuật sử dụng từ ngữ, hành văn, nếu người đọc đang ở độ tuổi học trò có thể dễ bị ảnh hưởng cách hành văn này, sẽ không tốt cho việc học môn văn và tiếng Việt. Đó là chưa kể việc phải tốn tiền mua sách, bị mất thời gian đọc, phải đọc trong hoàn cảnh thiếu ánh sáng (thường đọc lén!) nên ảnh hưởng đến sức khỏe, từ đó có thể học hành sa sút. Vì vậy, học sinh các cấp khi tìm một tác phẩm để đọc thì cần thận trọng. Có thể đọc một vài quyển tiểu thuyết ngôn tình để giải trí, để biết thêm về loại sách này, nhưng đừng nên để “nghiện” và cũng đừng để bị ảnh hưởng tiêu cực theo cách nghĩ, cách sống của nhân vật.
Trúc Giang
Kịp thời giải thích rõ tác hại của sách không lành mạnh
Các bậc cha mẹ phải hết sức lưu ý việc chọn sách cho con, phải là những tác phẩm đứng đắn, có tính giáo dục cao, cả về nhận thức, thẩm mỹ, hành động…; đồng thời kịp thời giải thích cho con rõ tác hại của loại sách không lành mạnh để con tránh xa. Nếu con em đã lỡ “nghiện” thì phải có cách “cai” phù hợp, để trẻ dần nhận ra tác hại của loại sách đó mà chủ động từ bỏ.
|
Bình luận (0)