“Nhiều nông dân trồng lúa thơm đã đạt lợi nhuận từ 50-70%. Đây là nền tảng quan trọng để địa phương phát triển sản xuất lúa thơm” – kỹ sư Hồ Quang Cua, Phó chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng cho biết, tại hội thảo Nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo đặc sản của tỉnh Sóc Trăng,ngày 15-5.
Từ lâu Sóc Trăng được xem là “cái nôi” trồng lúa thơm của ĐBSCL. Tỉnh có khoảng 148.000 ha đất trồng lúa. Trong đó, diện tích trồng lúa đặc sản chiếm gần 44%. Đây là thành quả từ nỗ lực dành nguồn vốn đầu tư nghiên cứu và ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ cho cây lúa. Từ năm 1992-2015, Sóc Trăng đã dành gần 9 tỷ đồng để thực hiện 20 đề tài, dự án về nghiên cứu chọn tạo và phục tráng các giống lúa. Nổi bật là chương trình lai tạo lúa thơm dòng ST. Từ đó, nhiều thương hiệu như gạo ST bước đầu tạo được niềm tin với khách hàng trong và ngoài nước.
Ông Lâm Văn Mẫn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Sóc Trăng đã nỗ lực rất lớn để đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, tập trung cho nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng, sản xuất lúa. Tất nhiên, so với yêu cầu thì vẫn chưa đáp ứng được. Trong thời gian tới, Sóc Trăng rất mong các nhà khoa học, các chuyên gia, thương gia kinh doanh về lúa gạo góp ý về định hướng, chính sách, các mối liên kết… để tạo ra chuỗi sản xuất lúa gạo theo hướng giá trị gia tăng bền vững”.
Tại hội thảo, nhiều nhà khoa học hàng đầu đã dành nhiều ý kiến tâm huyết đóng góp cho Sóc Trăng. “Các nhà khoa học của Sóc Trăng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tạo ra các giống lúa thơm mang thương hiệu ST. Thời gian tới, tỉnh cần phải mời gọi đầu tư một hệ thống sấy, xay xát, đánh bóng, tách màu, đóng gói chất lượng. Qua đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giới thiệu, mời các khách hàng lớn ở nước ngoài để tạo đầu ra ổn định cho lúa thơm Sóc Trăng” – GSTS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường đại học Nam Cần Thơ gợi ý.
CAO PHONG
(SGGP)
Bình luận (0)