Lãi suất huy động giảm sâu nhưng LS cho vay trung – dài hạn bình quân vẫn ở mức 11 /năm, khiến doanh nghiệp e ngại khi vay vốn mở rộng đầu tư.
Đóng gói bình xịt xuất khẩu sang Cuba tại Công ty nhựa Đức Đạt (Khu công nghiệp Tân Tạo, TP.HCM) – Ảnh: Hữu Khoa |
Ngoài ra doanh nghiệp (DN) cũng ngán nhất lãi suất (LS) không ổn định, nhiều lúc tăng vọt khiến tính toán tài chính của dự án bị đảo lộn.
Muốn vay nhưng ngại
Bà Trần Thị Mai Trang, phó giám đốc Công ty nhựa Đức Đạt, cho hay cuối tháng 5-2015 hai máy ép phun đùn nhựa trị giá 1,6 tỉ đồng mà công ty đầu tư sẽ về tới VN.
“Suất đầu tư này chúng tôi dùng tiền tích lũy mấy năm nay để đầu tư chứ không dám đi vay ngân hàng (NH) vì LS cho vay trung – dài hạn vẫn còn cao. Nếu LS thấp hơn 9%/năm mới dám nghĩ đến chuyện vay, còn LS cao quá nằm ngoài khả năng của DN vừa và nhỏ” – bà Trang chia sẻ.
Cũng theo bà Trang, ngoài lý do LS cao, DN còn lo ngại LS tăng cao trong tương lai. “Tôi từng đi vay và hiểu quy luật điều chỉnh LS của NH, tăng thì nhanh còn giảm lại rất chậm. Trả trước thời hạn thì bị phạt. Cực chẳng đã mới nghĩ đến chuyện vay, chứ DN cảm thấy bị động rất nhiều” – bà Trang nói.
Đang hướng tới việc đầu tư mới nhà xưởng kèm dây chuyền sản xuất trứng ăn liền trị giá 15-20 tỉ đồng nhưng ông Trương Chí Thiện, giám đốc Công ty CP thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, đắn đo hai năm rồi vẫn chưa dám vay dù việc đầu tư này không chỉ tăng được giá trị của quả trứng mà cũng đủ tiêu chuẩn để vượt qua rào cản kỹ thuật của các nước.
Những năm trước LS quá cao nên DN không dám đầu tư. Còn hiện nay LS đã giảm nhưng DN sợ LS chỉ ổn định một thời gian ngắn rồi lại vọt lên.
“LS thấp là cơ hội để DN đầu tư, nhưng điều DN e ngại là tính ổn định LS cho cả vòng đời dự án. DN không thể bắt NH cam kết ổn định LS cho cả đời của dự án.
Nhưng chí ít phải giữ được mức ổn định theo thỏa thuận ban đầu 1-2 năm, thậm chí ba năm. Chứ chưa hết quý đầu tiên mà NH lại thả nổi LS thì DN không dám vay” – ông Thiện bày tỏ.
Cũng theo ông Thiện, nếu LS xuống dưới 10%/năm và ổn định, DN có thể đầu tư dự án chế biến trứng ăn liền nhắm đến thị trường Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan, Singapore…
Neo lãi suất cao bằng thủ thuật
Hiện LS huy động vẫn có xu hướng giảm, kỳ hạn 1 tháng phổ biến khoảng 4%/năm, 6 tháng còn 5%, 12 tháng khoảng 6%/năm. Chênh lệch LS huy động giữa các NH có vốn nhà nước chi phối và các NH cổ phần không đáng kể.
Tuy nhiên tốc độ giảm LS cho vay rất chậm. NH cũng sử dụng nhiều thủ thuật để chặn đà giảm LS. Nếu phân tích kỹ sẽ thấy hiện tượng lạ trên biểu LS huy động của các NH, đó là LS huy động kỳ hạn 13 tháng cao hơn rất nhiều so với LS huy động kỳ hạn 12 tháng.
Chẳng hạn kỳ hạn 12 tháng LS 5,8%/năm nhưng LS kỳ hạn 13 tháng nhảy lên 7,5%/năm, thậm chí 7,7%/năm, chênh 1,7 – 1,9%/năm. Đến kỳ hạn 18 hoặc 24 tháng LS lập tức giảm về gần ngang mức LS huy động kỳ hạn 12 tháng.
Hầu hết NH đều quy định LS 13 tháng chỉ là tham chiếu để tính cho các hợp đồng tín dụng chứ NH không huy động. Có NH quy định chỉ huy động kỳ hạn 13 tháng nếu từ 500 tỉ đồng trở lên.
Các chuyên gia cho rằng đây là thủ thuật để NH có thể thu được LS cao khi cho vay trung – dài hạn. Hiện các hợp đồng vay trung – dài hạn sau thời gian cố định LS cho vay sẽ được tính theo công thức LS kỳ hạn 13 tháng cộng với biên độ 3 – 4%/năm.
Việc neo LS kỳ hạn 13 tháng ở mức cao là cách để NH neo LS các hợp đồng cũ ở mức cao. Hiện LS kỳ hạn 13 tháng phổ biến ở mức 7,5%/năm, cộng với biên độ sẽ trên dưới 11%/năm.
Đủ lý lẽ để giữ lãi suất cao
Lý giải câu chuyện LS trung – dài hạn cao, tổng giám đốc một NH lớn nói có nhiều lý do. “LS huy động giảm dẫn đến người dân thích gửi dài hạn để hưởng LS cao trong thời gian dài, đặc biệt khi LS gửi dài hạn cao hơn LS ngắn hạn 1-1,5%/năm như hiện nay. NH huy động LS huy động cao trong thời gian dài nên bắt buộc phải neo LS cho vay cao để không bị lỗ” – vị tổng giám đốc này nói.
Theo ông này, LS hiện nay theo mức chung của thị trường. Nếu LS thị trường xuống thì buộc NH phải giảm LS chứ neo cao thì không ai vay. NH Nhà nước định hướng LS cho vay trung – dài hạn giảm 1-1,5%/năm nhưng NH đang tồn vốn lãi cao, do vậy chỉ có thể giảm dần LS chứ không giảm ngay được.
Trong khi đó phó tổng giám đốc một NH có trụ sở tại Hà Nội nói NH không phải một mình một chợ, trong bối cảnh các NH phải cạnh tranh cho vay và vốn trên thị trường đang dư thừa thì DN có quyền lựa chọn. “Mức LS 11%/năm là bình quân. Mặt khác LS cũng tùy theo từng DN, với DN tốt LS sẽ thấp hơn, nhưng với DN hiệu quả kinh doanh chưa cao thì NH phải ấn định LS cho vay cao phòng ngừa rủi ro” – vị phó tổng giám đốc này nói.
Cũng theo các NH, cam kết trung – dài hạn khá rủi ro cho cả hai bên, do vậy NH phải ấn định một mức LS đủ để bù đắp rủi ro. Theo vị phó giám đốc này, thực tế nhiều DN đặt vấn đề vay vốn như dự án có vấn đề hoặc báo cáo tài chính được kiểm toán bởi đơn vị không uy tín. Những DN như thế khó tiếp cận được nguồn vốn trung – dài hạn LS thấp. “Thông thường các NH niêm yết LS 11%/năm, nhưng với khách hàng tốt có khi LS cho vay chỉ còn 8-9%/năm” – bà này nói thêm.
Mục tiêu kéo giảm LS trung – dài hạn đã được NH Nhà nước đặt ra từ lâu. Chính phủ cũng đã yêu cầu NH Nhà nước phấn đấu giảm mặt bằng LS cho vay trung – dài hạn 1-1,5 /năm bằng biện pháp thị trường, nhưng tốc độ giảm LS rất chậm. |
ÁNH HỒNG – TRẦN VŨ NGHI
(TTO)
Bình luận (0)