Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Hạn chế bệnh thủy đậu lây lan

Tạp Chí Giáo Dục

Bệnh thủy đậu (còn gọi là bệnh trái rạ) do một loại siêu vi thâm nhập vào cơ thể thường đem lại các tổn thương dạng bóng nước trên da và niêm mạc. Nếu bị nhiễm trùng các nốt đậu mà không chữa trị kịp thời, bệnh nhân có thể gặp những biến chứng viêm não, viêm phổi. Vì thế, cần có quan niệm đúng đắn khi điều trị căn bệnh thường xuất hiện vào giai đoạn thời tiết giao mùa này.

Kiêng và không kiêng gì?

Sau khi bị thủy đậu, bé Võ Bảo N. 3 tuổi (học lớp Chồi Trường Mầm non Hoa Phượng Đỏ, P.6, Q.Gò Vấp) được ba mẹ đưa đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vũ Anh để điều trị. Tại đây, các BS đã cho đơn mua thuốc để bé về nhà uống trong một tuần lễ. Cũng vì tránh lây lan nên bé được cho nghỉ học 1 tuần lễ. Nhờ chăm sóc đúng cách sau 6 ngày các nốt mụn nước trong cơ thể bé N. đã mất dần.

BS. Nguyễn Phạm Đăng Tường – Trưởng phòng Hành chính Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết, khi bị thủy đậu các mụn nước xuất hiện trên đầu, mình và tay chân rất nhanh. Mụn nước này cũng có thể tạo ra màng nhầy trong miệng và một vài bộ phận khác của cơ thể trẻ. Các mụn nước này có thể “nhảy” rất nhanh nếu bị vỡ. Chính vì thế, bằng mọi cách không làm cho chúng bị tổn thương như gãi, chích mủ ra nhất là khi thể trạng miễn dịch yếu.

Những mọng nước chi chít trên mặt bé Võ Bảo N. khi mắc bệnh thủy đậu

Theo quan niệm, thủy đậu phải kiêng nước kiêng gió nên có nhiều cha mẹ kiêng tắm cho con. BS. Tường cho biết, đây là điều không đúng vì cơ thể không được sạch sẽ thì nguy cơ viêm da bội nhiễm tăng và có thể dẫn đến nhiễm trùng máu. Tuy nhiên, thay vì tắm nước lạnh như những ngày bình thường thì nên dùng nước ấm tắm cho trẻ trong thời gian ngắn. Một vài kinh nghiệm truyền miệng như tắm các loại lá tre trúc, xoan đào, tắm gốc rạ cũng không nên vì nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao do thiếu vệ sinh. Có một số loại lá do có chất chát dễ làm cho da trẻ bị tổn thương. Phải giữ cả thói quen súc miệng, đánh răng hàng ngày để đề phòng bội nhiễm từ các nốt đậu trong miệng. Không ít cha mẹ bôi dung dịch xanh metylen cho trẻ bị thủy đậu theo chỉ định của BS một cách không cần thiết nhất là những nốt đậu còn nguyên. Chỉ nên bôi khi các nốt đã bị vỡ mới có tác dụng.

Việc cách ly trẻ là điều cần thiết vì theo chị Th. – mẹ của bé N., đứa con trai của chị lây bệnh thủy đậu từ đứa cháu họ sau mấy ngày lễ đi chơi bên nhà ông bà ngoại. Đó cũng là lý do mà Trường Mầm non Hoa Phượng Đỏ cho cháu nghỉ học không thời hạn.

Ngăn ngừa bội nhiễm để tránh lây lan

Các BS ở Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vũ Anh khuyên chị Th. vẫn cho cháu N. ăn uống bình thường bằng cách chia ra nhiều bữa nhỏ, đặc biệt cần tăng thêm các chất dinh dưỡng và chủ yếu các chất lỏng trẻ dễ hấp thu.

Như vậy khi có người mắc bệnh thủy đậu nên hạn chế tiếp xúc nơi đông người, đồ cá nhân như khăn mặt, khăn tắm, bàn chải, quần áo, ly chén… không được dùng chung mà phải dùng riêng. Đặc biệt phải tránh gãi để làm bể các mụn nước vì rất dễ bị nhiễm trùng và lây lan. Nên có chế độ ăn uống phù hợp tránh các đồ ăn lạ, thực phẩm hải sản đồ tanh vì dễ lây nhiễm. Không mặc áo quần quá chật gây cọ xát vào người, nằm nghỉ nơi thoáng mát yên tĩnh ít người qua lại. Đối với trẻ em cần cắt móng tay để hạn chế nhiễm trùng khi gãi ngứa dễ để lại sẹo sau khi khỏi bệnh. Tốt nhất là cần tiêm phòng cho trẻ lúc được 1 tuổi trở lên.

Bệnh thủy đậu rất nguy hiểm đối với người lớn nhất là các thai phụ vì thế chớ nên chủ quan coi thường. Theo TS.BS Lê Mạnh Hùng – Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM, người mẹ mắc bệnh thủy đậu khi mang thai dưới 20 tuần tuổi sinh con ra dễ mắc hội chứng thủy đậu bẩm sinh dù tỷ lệ rất thấp. Các biểu hiện của hội chứng này là: Nhẹ cân, sẹo da, tay chân ngắn, chậm phát triển tâm thần và các bệnh về mắt. Những người mẹ bị thủy đậu trước và sau sinh 1 tuần lễ trẻ sinh ra dễ bị mắc bệnh thủy đậu chu sinh và tỷ lệ tử vong cao. Vì thế các thai phụ cần chú ý phòng ngừa căn bệnh dễ lây lan này.

Bài, ảnh: Quang Phan

Theo đông y, nên cho người bệnh ăn một số món giải nhiệt như canh đậu xanh, nước hoa kim ngân, cháo lá dâu non, trứng gà hấp và các loại nước trái cây. Nếu sốt cao thì cho trẻ uống paracetamol để hạ sốt, tuyệt đối không được uống aspirin. Khi các nốt phỏng nước có màu trong nếu chuyển sang màu đục thì cần đưa trẻ đi khám vì có thể đã bị bội nhiễm vi khuẩn. 

 

Bình luận (0)