Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Chào mừng Đại hội Đảng bộ Sở GD-ĐT TP.HCM nhiệm kỳ 2015-2020: Đổi mới lực lượng sư phạm là khâu đột phá quan trọng

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu hội nhập quốc tế là nhiệm vụ trọng tâm của công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện hiện nay của GD-ĐT TP.HCM thì việc xây dựng, củng cố và đổi mới lực lượng sư phạm là khâu đột phá quan trọng.

Thật vậy, việc củng cố và đổi mới lực lượng sư phạm không phải là toàn bộ công cuộc đổi mới nhưng lực lượng sư phạm ấy sẽ là sức mạnh to lớn có khả năng làm chuyển động toàn bộ hệ thống theo hướng đổi mới một cách đồng bộ, sâu sắc và hiệu quả. Để thiết kế lộ trình và điều hành công cuộc đổi mới, phải có đội ngũ cán bộ quản lý đổi mới; để thực thi những hoạt động giáo dục (GD) tân tiến và hiệu quả, phải có những nhà giáo tâm huyết với đổi mới; và để có một môi trường GD hiện đại, phải có những nhân viên phục vụ tích cực, yêu mến và am hiểu được giá trị việc làm của mình góp phần hình thành nhân cách cho học sinh. Dù đường lối có hay, chính sách có tốt ở cấp vĩ mô, nhưng lực lượng sư phạm cơ sở không tích cực đổi mới thì công cuộc đổi mới sẽ chậm chạp và khó thành công; ngược lại, nếu cơ sở tích cực đổi mới sẽ sớm cung ứng cho xã hội một nền GD tiên tiến, thầy cô giáo sẽ nhanh chóng hội nhập với các nền GD tiến bộ của thế giới; đồng thời đóng góp cho quốc gia những bài học kinh nghiệm tốt trong công cuộc đổi mới, chấn hưng GD. Nên có thể nói, đổi mới lực lượng sư phạm là khâu đột phá để làm chuyển biến một cách hiệu quả và chất lượng toàn hệ thống GD-ĐT địa phương. Người ta thường nói: “Không có một nền GD nào cao hơn trình độ và năng lực giáo viên của nền GD ấy” là vậy!

Thầy giáo Trần Tuấn Anh trong một tiết dạy. Ảnh: T.An

Theo quan điểm GD ngày nay, lực lượng sư phạm trong nhà trường có thể được phân 3 thành phần: Một là các nhà quản lý, hai là giáo viên và ba là các nhân viên phục vụ… Với vai trò đột phá trong công cuộc đổi mới, cả 3 lực lượng này đều phải được xây dựng, củng cố và đổi mới theo định hướng: Đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và không ngừng nâng cao phẩm chất và năng lực.

Về số lượng và cơ cấu vốn đã được đề cập, xây dựng và củng cố nhiều năm qua từ khi có chỉ thị 40 CT/TW của Trung ương. Ở đây, bài viết muốn dành cho chủ đề đổi mới đội ngũ, đổi mới nhận thức và năng lực của lực lượng sư phạm nhà trường vì chính nhận thức và năng lực ấy sẽ góp phần to lớn cho công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện của GD hiện nay.

Nói đến đổi mới đội ngũ sư phạm trong ngành chúng ta đã rất quen thuộc với những điển hình đổi mới như cô Lê Thị Ngọc Điệp (Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1), thầy Nguyễn Văn Bồng (Hiệu trưởng Trường TH An Phú, huyện Củ Chi), cô Phạm Thúy Hà (Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Văn Trỗi, quận 4), hay thầy Trần Tuấn Anh (giáo viên GDCD Trường THCS Bạch Đằng, quận 3) và nhân viên phục vụ Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai… đã bằng nhận thức và năng lực của mình làm cho nhà trường phát triển và tiến bộ vượt bậc về mọi mặt từ chất lượng chuyên môn, môi trường học tập và năng lực của đội ngũ sư phạm.

Những điển hình vừa nêu là những tấm gương sáng trong ngành, họ đã vượt lên chính mình trước bao khó khăn thử thách để bản thân tiến bộ, nhà trường phát triển, đồng thời tỏa sáng cho ngành học, cấp học, đồng nghiệp noi theo. Đó là những nỗi vui mừng và niềm hạnh phúc của ngành trong điều kiện quá khó khăn khi đào tạo sư phạm chưa đổi mới, chế độ chính sách nhà giáo chưa được cải thiện và những tiêu chí đánh giá quản lý vẫn còn hành chính nặng nề.

Nhưng với công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện hiện nay, lực lượng sư phạm chúng ta không chỉ là những điển hình đơn lẻ mà phải là toàn lực lượng. Chúng ta không tưởng là yêu cầu mọi người phải giống nhau về năng lực, nhưng phải yêu cầu tất cả phải đổi mới vì đó là chủ trương của Đảng và Nhà nước, là nguyện vọng của mọi người dân yêu nước và trân trọng thiên chức nhà giáo của mình. Và, đổi mới phải đúng hướng và hiệu quả.

Để có sự đổi mới lực lượng sư phạm một cách tích cực và đồng bộ, tôi kiến nghị Đảng, Nhà nước và ngành GD-ĐT TP phải quan tâm đến 3 giải pháp chính là nâng cao nhận thức và năng lực đổi mới cho đội ngũ, quan tâm xây dựng động lực đổi mới cho đội ngũ và tạo điều kiện đổi mới tốt cho đội ngũ. Đây là những vấn đề phải ghi thành nghị quyết và có kế hoạch thực hiện trong suốt nhiệm kỳ.

Tháng 5-2015

TS. Huỳnh Công Minh

Bình luận (0)