Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Cắt giảm thuế quan từ các FTA: Việt Nam có nắm bắt được lợi thế?

Tạp Chí Giáo Dục

Gần 30 năm đổi mới nền kinh tế và 20 năm thực hiện tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, cùng với việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đến nay Việt Nam đã tham gia ký kết các hiệp định tự do thương mại (FTA) song phương và đa phương với nhiều đối tác quan trọng như ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc…

Dự kiến, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục ký kết Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định tự do thương mại Việt Nam-EU. Việc ký kết các hiệp định sẽ mở ra những cánh cửa mới cho hàng hóa Việt Nam, thông qua các cam kết ưu đãi cắt giảm thuế quan, kèm với đó là những thách thức không nhỏ!

Thực hiện chặng đường cắt giảm thuế quan

Lộ trình cắt giảm thuế quan trong các FTA đều được cam kết thực hiện trong vòng 10 năm cho từng giai đoạn. Việt Nam (VN) bắt đầu thực hiện lộ trình đầu tiên với  ASEAN từ năm 1999. Tính đến năm 2014, VN đã đi được một nửa chặng đường trong việc cắt giảm. Theo đó, mức độ tự do hóa trong ASEAN đạt tỷ lệ cao nhất, khoảng 75% số dòng thuế đã giảm xuống thuế suất 0%. Các FTA còn lại đạt tỷ lệ tự do hóa thấp hơn nhiều so với ASEAN, trung bình khoảng 30%-40% số dòng thuế.

Năm 2015 là năm bản lề quan trọng của VN trong tiến trình hội nhập, năm khởi đầu của lộ trình cắt giảm ở mức sâu nhất và tiến tới cam kết cuối cùng về xóa bỏ thuế quan của thuế suất nhập khẩu trong các FTA mà VN đã ký kết. Cụ thể, trong giai đoạn 2015-2020, các hiệp định như Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (ATIGA), ASEAN – Trung Quốc, ASEAN – Hàn Quốc sẽ đạt đến mức cam kết cuối cùng. Các hiệp định khác như ASEAN – Australia – New Zealand, ASEAN – Nhật Bản, ASEAN – Ấn Độ, Việt Nam – Nhật Bản và Việt Nam – Chi Lê sẽ có mức độ, lộ trình giảm thuế dài hơn, tới các mốc như năm 2022 (FTA ASEAN – Australia – New Zealand), năm 2025 (FTA ASEAN – Nhật Bản), năm 2030 (FTA Việt Nam – Chi Lê). Điều này đồng nghĩa, hàng hóa nhập khẩu từ thị trường thế giới và các nước láng giềng vào VN, đặc biệt là sau thời điểm hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được hưởng mức thuế suất thấp nhất.

Sản phẩm sữa, đường, thực phẩm sản xuất trong nước sẽ bị tác động mạnh bởi việc cắt giảm sâu các dòng thuế. Ảnh: CAO THĂNG

Từ ngày 1-1-2015, VN đã cắt giảm thêm 1.720 dòng thuế từ thuế suất hiện hành từ 5% xuống 0% theo cam kết ATIGA, hiện chỉ còn 7% dòng thuế, tương đương trên 600 mặt hàng được xem là nhạy cảm chưa thể cắt giảm về 0%. Trong số các mặt hàng này, VN cân nhắc một số nhóm hàng đặc biệt nhạy cảm như sắt thép, ô tô, linh kiện phụ tùng ô tô, rượu bia… sẽ kéo dài thời gian cắt giảm thuế xuống 0% vào năm 2018. Riêng mặt hàng xăng dầu và thuốc lá đã và đang được đàm phán trong ASEAN để có lộ trình thực hiện giảm thuế kéo dài sau năm 2018. Đặc biệt, VN đã đàm phán để bảo lưu mức thuế nhập khẩu 5% đối với một số nhóm mặt hàng đặc biệt nhạy cảm trong nông nghiệp, như: muối, đường, thịt gà, thịt heo, trứng, các loại hoa quả nhiệt đới…

Hội nhập = cạnh tranh + cải cách

Bên cạnh việc cắt giảm thuế trong giai đoạn 2015-2020, VN hiện đang tham gia đàm phán thêm 6 FTA mới. Báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính về việc thực hiện các cam kết cho thấy, các FTA tác động hai chiều cho kinh tế VN. Trong đó, tác động gia tăng thương mại với một số đối tác biểu hiện rõ nét nhất, không chỉ phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn dùng cho sản xuất và xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn.

Một số ngành nông nghiệp VN có lợi thế đã tận dụng được cơ hội từ việc hội nhập để có thêm nguồn nguyên liệu làm đầu vào cho sản xuất và tiến đến xuất khẩu. Điển hình như Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), được ký kết vào năm 2008. Ngay khi VJEPA có hiệu lực, mức thuế xuất khẩu bình quân hiện hành (MFN) của hàng hóa VN vào thị trường Nhật Bản từ 5,05% giảm còn 2,8% vào năm 2019. Theo đó, Nhật Bản cam kết tự do hóa 94,53% kim ngạch thương mại trong vòng 10 năm. Có 2.586 dòng thuế (chiếm 28% biểu cam kết gồm 9.390 dòng) lập tức sẽ được Nhật Bản cắt giảm bằng 0% sau khi VJEPA có hiệu lực. Sau năm 2019, có thêm 3.717 mặt hàng sẽ xóa bỏ hoàn toàn thuế quan, nâng tổng số của cả biểu được xóa bỏ lên 6.302 mặt hàng, chiếm 67% số dòng của biểu thuế cam kết. Từ đó đến nay, doanh nghiệp (DN) VN đã không ngừng gia tăng xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này, đặc biệt là các mặt hàng nông sản. Nhật Bản trở thành một trong những thị trường quan trọng hàng đầu, là một trong số ít thị trường xuất siêu của hàng hóa VN.

Song song với lợi thế, theo tính toán của Bộ Công thương, với lộ trình cắt giảm sâu các dòng thuế theo cam kết, nhiều mặt hàng nông nghiệp của VN như thịt gia súc, thịt gia cầm, thực phẩm chế biến, sữa, đường… sẽ bị tác động mạnh. Mặt khác, ngành công nghiệp VN như ô tô, sắt thép, may mặc… cũng sẽ phải đối đầu với các sản phẩm trong khu vực.

Vấn đề đặt ra, DNVN làm gì để tận dụng cơ hội và cạnh tranh tốt hơn? Theo ông Nguyễn Trung Dũng, Tham tán Thương mại tại Nhật Bản, cơ chế cam kết từ các hiệp định song phương và đa phương cũng khá phức tạp nên cần có sự nghiên cứu kỹ và chặt chẽ. Cụ thể, hàng dệt may muốn được hưởng thuế suất bằng 0% vào Nhật phải đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ của VJEPA, tức phải sử dụng nguyên phụ liệu của Nhật hoặc của các nước ASEAN. Nắm bắt cơ chế cấp C/O mẫu quy tắc xuất xứ, liên hệ ngay với các bộ ngành chức năng để được giải đáp những thắc mắc. Nói cách khác, để thành công trong hội nhập, không có cách nào khác DN phải chủ động trong việc tìm hiểu các cơ chế chính sách cũng như tìm các đối tác phù hợp, từ đó có sự hỗ trợ kịp thời.

Ở góc độ DN, ông Cao Tiến Vị, Tổng giám đốc Công ty Giấy Sài Gòn, cho hay, đưa sức cạnh tranh của DN lên tầm khu vực là con đường hội nhập bền vững nhất. Để đạt được mục tiêu đó, công ty đã thực hiện hai việc chính là củng cố nội lực và tăng trưởng thị phần, trong đó yếu tố con người sẽ quyết định tất cả. Trong 2 năm gần đây, công ty đã đầu tư mạnh cho nguồn nhân lực, củng cố đội ngũ, chuẩn hóa hệ thống, thể hiện ở tăng hiệu suất hoạt động gấp 2 lần. Số nhân viên giảm 30%, chi phí giảm sâu trong khi doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh (doanh số tăng 22%, lợi nhuận tăng thêm 67 tỷ đồng) đã tạo lực đẩy cho công ty phát triển.

Hội nhập kinh tế, mở cửa thị trường cũng đồng nghĩa thuế quan sẽ được dỡ bỏ, thay vào đó hàng rào thương mại được dựng lên càng nhiều. Để chuẩn bị cho chiến lược hội nhập và toàn cầu hóa, không còn con đường nào khác, với DN là phải cạnh tranh và cạnh tranh, còn Chính phủ phải cải cách và cải cách. DN muốn cạnh tranh toàn cầu phải gắn liền với quá trình không ngừng đổi mới và sáng tạo, quan sát thế mạnh của DN “đối thủ” để từ đó hoạch định chiến lược cho riêng mình. Còn với Chính phủ, có tầm nhìn thời đại gắn với cuộc chơi mới, nhằm tiến hành cải cách thể chế, giúp tiết giảm chi phí tối thiểu, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho DN.

THÚY HẢI

(SGGP)

Bình luận (0)