Đó là chia sẻ của các chuyên gia tư vấn với học sinh cuối cấp trong chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 16 năm học 2023-2024 diễn ra tại nhiều trường THPT trên địa bàn TP.HCM.
Chuyên gia đang tư vấn cho học sinh Trường THPT Trần Văn Giàu (Q.Bình Thạnh)
Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP.HCM, ĐH Quốc gia TP.HCM và Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam (Bộ GD-ĐT) tổ chức, với sự đồng hành của Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.
Ngành nào cũng khó
Chương trình tổ chức tại Trường THPT Lương Văn Can (Q.8), một học sinh nam thắc mắc: “Có thông tin cho rằng hiện nay ngành quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống cần nhiều nhân lực. Em muốn học ngành này nhưng không biết chương trình đào tạo có khó không và cơ hội việc làm trong vài năm tới như thế nào?”. ThS. Nguyễn Ngọc Thạch (Phó Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp – tuyển sinh, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) cho hay, ngành học nào cũng khó vì có như vậy người học mới thành công. Với ngành quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống cũng vậy. Đây là nhóm ngành dịch vụ đòi hỏi chuyên môn, tay nghề cao mới có thể làm khách hàng hài lòng. Sinh viên học ngành này sẽ được đào tạo kiến thức về kinh doanh nhà hàng và ẩm thực như quản trị chất lượng du lịch, phân tích du lịch, phương pháp xây dựng khẩu phần, thực đơn, dinh dưỡng…
Một học sinh nữ nhờ chuyên gia tư vấn về ngành nghề
Khi tốt nghiệp, các em có 3 hướng lựa chọn, đó là làm việc mảng nội địa, quốc tế hoặc tại địa điểm du lịch với các vị trí như: lễ tân, tiền sảnh…; về lâu dài các em có thể đảm nhận vị trí quản lý. “Hiện nay ngành du lịch nói chung cũng như ngành quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống nói riêng cần nhiều nhân lực. Sinh viên theo học ngành này tầm vài năm nữa sẽ có nhiều cơ hội để phát triển bản thân”, ThS. Nguyễn Ngọc Thạch chia sẻ. Tại Trường THPT Trần Văn Giàu (Q.Bình Thạnh), trao đổi với học sinh về cách chọn ngành học theo tố chất bản thân, chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo cho biết, mỗi ngành học đòi hỏi những tố chất khác nhau nên học sinh phải biết bản thân mình có điểm mạnh, điểm yếu gì. Chẳng hạn, nếu học sinh muốn làm ca sĩ thì phải có chất giọng và hát hay; muốn chọn ngành hướng dẫn viên du lịch phải có sức khỏe, chịu được áp lực, di chuyển được đường dài. Hoặc, nếu các em muốn làm phi công thì phải chịu được độ cao; muốn làm bác sĩ phải không sợ máu… “Việc chọn ngành học không khó, cái khó là bản thân các em có theo đuổi ngành đó cả đời hay không. Nhiều em muốn làm bác sĩ nhưng sợ mùi nước khử khuẩn, thấy máu là xỉu… thì không nên chọn, vì có chọn và học ra trường cũng khó theo nghề. Các em nên nhớ rằng, ngành nghề nào cũng có những cái khó riêng, muốn theo nghề chúng ta phải chấp nhận những khó khăn của nghề. Có như vậy các em mới có thể gặt hái được thành công”, chuyên gia Chế Dạ Thảo nói.
Kỹ năng ngoại ngữ vô cùng cần thiết
Tại Trường THPT Phú Nhuận (Q.Phú Nhuận), em Quốc Hưng (học lớp 12A13) có ý kiến: “Em muốn học ngành quan hệ quốc tế nhưng không biết ngành này có điểm gì nổi bật, ra trường có thể làm những việc gì?”. ThS. Trương Thị Ngọc Bích (Giám đốc Thông tin và Truyền thông, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) cho biết, hiện nay ngành quan hệ quốc tế đang thu hút giới trẻ. Đây là ngành học đa lĩnh vực như kinh tế, luật, văn hóa, chính trị, mối quan hệ giữa các quốc gia… Ngành này tương tự như ngành ngoại giao nhưng không chỉ phục vụ cho Nhà nước mà cho cả các doanh nghiệp. Theo đó, ngành học hướng đến những mục đích tốt đẹp như giải quyết các vấn đề giữa các quốc gia hoặc toàn cầu; giải quyết mâu thuẫn giữa các quốc gia cũng như các vấn đề lớn của con người nhằm mang lại sự hòa bình, hợp tác và phát triển. Ngoài ra, ngành quan hệ quốc tế còn giải quyết các vấn đề “nóng” hiện nay như ô nhiễm môi trường, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu… Tuy nhiên, để học được ngành quan hệ quốc tế, sinh viên phải có tố chất như: tư duy tốt, nhạy bén, biết quan sát… Khi tốt nghiệp, các em có thể làm việc ở các cơ quan hành chính, sự nghiệp hay tại các tổ chức nước ngoài.
Học sinh tìm hiểu chương trình đào tạo tại cơ sở giáo dục
Tương tự, tại Trường THPT Tân Bình (Q.Tân Phú), em Thanh Tâm (học lớp 12A3) hỏi: “Em dự định học ngành truyền thông đa phương tiện nhưng không biết ngành này có yêu cầu cao về tiếng Anh không?”. ThS. Nguyễn Quốc Huy (Phó ban Tuyển sinh, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho biết thời đại phát triển, công nghệ càng tiến bộ, truyền thông càng lên ngôi. Nếu như trước đây, truyền thông chỉ được hiểu là những bài viết, những mẫu quảng cáo đơn giản được đăng trên các tờ báo giấy hay truyền hình thì hiện nay thông điệp truyền thông được truyền tải ngày càng tinh tế, hiện đại và phong phú hơn nhờ sự hỗ trợ của công nghệ thông tin thông qua các phương tiện như: văn bản, âm thanh, hình ảnh, video, tương tác. Sinh viên theo học ngành truyền thông đa phương tiện sẽ được trang bị kiến thức nền tảng về mỹ thuật và công nghệ thông tin, kiến thức chuyên sâu cùng những kỹ năng thuần thục về báo chí, truyền thông và quảng cáo để có thể viết các ấn phẩm báo chí, biên tập và thiết kế sách báo, chế bản điện tử, sáng tạo nội dung video, làm phong phú nội dung website bằng cách ứng dụng các hiệu ứng đồ họa hiện đại. Tốt nghiệp ngành này, sinh viên có thể làm việc ở các cơ quan, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, giải trí, quảng cáo, giáo dục, kinh doanh, với công việc: quản lý, biên tập, xây dựng các nội dung báo chí, ấn phẩm, bìa sách; biên tập, xây dựng các chương trình truyền hình, phim điện ảnh, xử lý âm thanh, hình ảnh trước khi phát sóng, thiết kế các nội dung truyền hình, hay làm kỹ xảo điện ảnh; thiết kế, xây dựng website, thiết kế giao diện… “Đối với ngành truyền thông đa phương tiện hay bất cứ ngành nghề nào, kỹ năng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh vô cùng cần thiết. Khi có kỹ năng này, chúng ta sẽ có lợi thế trong công việc, thu nhập cao và có thể làm việc ở các công ty, tập đoàn nước ngoài. Nếu không giỏi tiếng Anh, chúng ta vẫn có thể làm việc nhưng không cạnh tranh lại với những bạn giỏi ngôn ngữ này”, ThS. Nguyễn Quốc Huy nói.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)