Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Giờ ăn ở trường mầm non, việc không của riêng ai

Tạp Chí Giáo Dục

Mt gi ăn theo hưng đi m trưng mm non

Thời gian vừa qua, xuất hiện trên những cổng thông tin truyền thông rất nhiều tin tức tiêu cực của ngành giáo dục. Đặt biệt là đối với bậc giáo dục mầm non. Từ cộng đồng xã hội, cho đến cá nhân những người trong ngành nghề. Không ai trong chúng ta muốn hiện tượng đó xảy ra và tái diễn, không ai muốn nghề giáo ngày càng xấu đi trong suy nghĩ mọi người. Cũng không ai muốn niềm tin bị đánh mất dần đi theo các nguồn thông tin trở thành nỗi âu lo mà mỗi ngày trên mạng xã hội công khai và lo lắng vì nạn bạo hành trẻ em. Đặc biệt, những việc đó thường xảy ra vào trong giờ ăn.

Là một người công tác trong ngành giáo dục mầm non đã được 18 năm rồi, tôi xin kể cho các bạn nghe một câu chuyện nho nhỏ rất đời thường, khi tôi giao tiếp với phụ huynh. Khi đó, là một buổi chiều vào giờ trả trẻ. Có một phụ huynh đến than phiền với tôi:

– Cô ơi, sao con tôi dạo này không lên cân, cô giúp giùm, la rầy sao cho bé nó ăn, chứ nó không lên cân, ba nó về rầy tôi dữ lắm!

– Dạ, em có nói chuyện với bé mỗi ngày đó chị, thuyết phục, dụ dỗ, năn nỉ, và cả động viên giải thích, nhưng vào giờ ăn bé cứ nghịch phá bạn, rồi chê khen đủ kiểu, lớp thì nhiều bạn, và bạn nào cũng cần được quan tâm, nên khả năng của em cũng có giới hạn, vậy nên, phụ huynh mình ở nhà phải phối hợp nhắc nhở giáo dục thêm cho bé chị ạ!

– Nó không nghe lời, cô cứ đánh nó, đánh nó cho em cô ạ! Nó lỳ lắm, ở nhà em dạy và nhắc nhở hoài. Nhưng nó không nghe, nó chỉ sợ đòn của ba nó!

– Em không dám đâu chị ơi, chị cũng biết rồi, dạo này bạo lực học đường là vấn đề nhức nhối của xã hội. Làm sao mà chị bảo em phạt bé như vậy.

– Thì cô cứ phạt đi, gia đình tôi không có nói gì đâu.

– Tại chưa xảy ra chuyện thôi, chứ đi học về, em thấy phụ huynh mình không thử hỏi: “Hôm nay con đi học có gì vui không?” mà vừa bước ra khỏi lớp, gặp con là hỏi: “Hôm nay con có bị cô giáo đánh không”…

Câu chuyện kết thúc không có câu kết, có thể phụ huynh của tôi, một phần nào hiểu ra lý do của tôi, không thể chấp nhận với yêu cầu ngoài khả năng thực hiện, bởi tôi nhận thức được, biết đâu trong lúc nóng giận tôi sẽ làm theo lời nhờ vả của phụ huynh đó, rồi tự tạo ra áp lực cho chính mình. Nhưng thử hỏi, những giáo viên, những bảo mẫu mới bắt đầu vào công việc, non tay nghề, trước những áp lực đó sẽ như thế nào, chắc chắn họ sẽ làm theo yêu cầu của phụ huynh, là ép buộc học sinh ăn hết khẩu phần, với thành tích trẻ phải lên cân, cho vừa lòng các bậc phụ huynh, mà đa số phụ huynh thời nay đều muốn con mình tròn trịa, giỏi giang, nhưng lại rất bận rộn với công việc, mọi sự dạy dỗ con những kỹ năng đầu tiên cho trẻ ở giai đoạn đầu đời đều dành hết cho nhà trường. Trong khi đó, giáo dục là sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường, cùng toàn xã hội. Sự kết hợp đó dựa trên khả năng tâm sinh lý của trẻ. Nếu ở nhà, con của mình không chịu hợp tác khi ăn, thì đến trường sẽ là một trường hợp khó khăn cho cô giáo. Tại sao lại bắt ép điều mình không thể làm cho người khác, dồn hết trách nhiệm cho cô giáo, bảo mẫu. Và nếu trước sự đòi hỏi quá lớn, điều đó trở thành áp lực và nỗi lo sợ, nỗi ám ảnh cho người chăm sóc dạy dỗ trẻ. Bất cứ giáo viên nào cũng đều muốn học sinh mình ngoan, ăn hết suất, ngủ ngoan, nề nếp, không ai muốn mình phải trở thành một con người xấu xa, trước mặt trẻ luôn quát mắng, la hét, hù dọa.

Tuy nhiên, sự dỗ ngọt, nhẹ nhàng không hiệu quả, một số người đã vượt qua giới hạn, của một nhà giáo để rồi vi phạm đạo đức nghề nghiệp của một người giáo viên nhân dân, một cách đáng tiếc, đau lòng.

Đó là những gì tôi nói trên góc độ áp lực từ phụ huynh, chưa nói đến áp lực khác, và chuyên môn không ngừng thay đổi. Những bạn đã từng dạy mầm non, hoặc đang dạy, sẽ biết trong một ngày người giáo viên mầm non ngại nhất là giờ ăn. Khi  một áp lực rất lớn, trước việc đòi hỏi trẻ phải thật trật tự, nề nếp, ăn hết suất, trong khi sĩ số học sinh trong một lớp ở các trường mầm non hiện nay ở nước ta luôn cao, đặc biệt là ở các thành phố lớn, chưa kể ở các nhóm trẻ với năng lực giáo viên và bảo mẫu hạn chế, qua việc đào tạo cấp tốc, có bằng cấp nhưng kiến thức chưa tương xứng, lại thêm một số trẻ trái tính trái nết, đó là những điều mà ngay cả giáo viên nhiều năm kinh nghiệm cũng bất lực. Một vài trường hợp đã xảy ra khi họ không vượt qua nổi, mà chúng ta đã thấy trong thời gian qua trên tin tức báo chí.

Việc đổi mới giờ ăn dựa theo tâm sinh lý của trẻ, và giảm tải áp lực cho giáo viên mầm non là một điều nên làm của các nhà quản lý giáo dục. Đổi mới trong giờ ăn cho trẻ theo hướng tích cực dựa trên nhu cầu và khả năng của trẻ là điều nên làm. Chúng ta hãy cùng nhau lên tiếng, xây dựng, cùng nhau nhận ra những bất cập để hợp tác xây dựng một ngành học mầm non hoàn thiện hơn trong mắt của nhiều người. Hy vọng tin tức tiêu cực, vấn nạn bạo hành trẻ trong giờ ăn sẽ không còn nữa. Lớp học của trẻ ở trường sẽ là ngôi nhà thứ hai mà mỗi sáng thức dậy trẻ sẽ hăng hái phấn khởi đến trường.

H Xuân Đà

 

Bình luận (0)