Tòa soạnThư đi – tin lại

Hoa điểm 10 giáo dục thường xuyên

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 21-5, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức Hội nghị tổng kết và tuyên dương khen thưởng giáo viên (GV) dạy giỏi – học viên (HV) giỏi giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp thành phố năm học 2014-2015. Tại đây, nhiều câu chuyện  xúc động về tấm gương vượt khó của HV, nỗ lực nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ GV đã được nêu lên.

GV sáng tạo

HV GDTX thường là những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn khác nhau nên GV gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, bằng tình yêu nghề, yêu học trò, họ đã nỗ lực cố gắng để bước qua những khó khăn ban đầu và gặt hái được những thành quả đáng kể.

Cô Cao Thị Mơ, GV TT GDTX Q.Thủ Đức là một trong 6 thí sinh đạt giải cao nhất của hội thi với số điểm đầy thuyết phục. Ngoài ra, quán triệt và tiếp tục đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, trong 3 hội thi thuyết trình các tác phẩm: Đường kách mệnh, Sửa đổi lối làm việc, Nâng cao đạo đức cánh mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân của Chủ tịch Hồ Chí Minh do Công đoàn Giáo dục thành phố tổ chức, cô luôn đạt giải cao. Chia sẻ cảm xúc khi lên nhận giải thưởng, cô Cao Thị Mơ xúc động: “Nhiều người quan niệm giáo dục công dân là một môn phụ nên lơ là học tập. Nhưng theo tôi, đây là một bộ môn rất quan trọng để bồi đắp tâm hồn, nhân cách con người nên đã cố gắng học hỏi, thay đổi phương pháp giảng dạy tốt hơn, sáng tạo hơn và đã đạt được thành quả nhất định. Đạt giải thưởng lần này tôi rất vui và hạnh phúc nhưng lại càng cảm thấy phải có trách nhiệm hơn nữa để phát huy thành quả này”.

Cô Nguyễn Thị Khánh Ly, GV môn lịch sử, TT GDTX Q.Thủ Đức cũng vinh dự đạt giải nhất cuộc thi này. Chia sẻ khó khăn trong quá trình dạy học, cô cho hay: “GV TT GDTX phải dạy HV với độ tuổi khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, người vừa đi làm vừa đi học, người chỉ đi học… nên GV không thể có một phương pháp giảng dạy nào toàn năng mà luôn phải phù hợp với từng đối tượng. Để học sinh yêu thích môn lịch sử hơn, GV không thể dạy lý thuyết “chay” mà phải sử dụng thêm bản đồ tư duy, hình ảnh, gắn sự kiện lịch sử với những vấn đề thực tế… mới thu hút học sinh”.

Cô  Cao Thị Mơ và HV Vũ Văn Mạnh (bìa trái) giao lưu tại hội nghị

Ghi nhận những đóng góp của từng cá nhân nói riêng và toàn hệ thống GDTX nói riêng đối với quá trình phát triển của ngành GD-ĐT TP.HCM, ông Nguyễn Tiến Đạt phát biểu: “Giảng dạy tại TT GDTX, người thầy người cô phải vừa là GV, vừa là “huấn luyện viên” bởi họ phải tổ chức lớp học với nhiều HV có hoàn cảnh, lứa tuổi… khác nhau nên trong các bài giảng luôn phải tổ chức làm sao thành một “đội bóng” có sự phối hợp chặt chẽ, nhẹ nhàng mới đạt kết quả tốt”.

Học sinh tích cực

Tại nhiều TT GDTX, lớp học có tận 3 ca, sáng, trưa, chiều tối để HV có thể sắp xếp thời gian vừa làm vừa học. Nhiều em xuất phát từ hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, phải bươn chải lên thành phố kiếm sống nhưng vẫn cố gắng học tốt để nuôi dưỡng ước mơ cho một tương lai xán lạn.

Trò chuyện với HV Vũ Văn Mạnh, quê ở Nam Định (Giáo dục TP.HCM đã đăng trên số đặc biệt mừng sinh Nhật Bác 19-5), ai cũng rơm rớm nước mắt về cuộc đời của một học sinh trường chuyên phải nghỉ học khi học lớp 10 vì gia đình gặp biến cố. Cậu thiếu niên này phải bươn chải tứ xứ, từ làm phụ hồ ở Hải Phòng, làm điêu khắc ở Campuchia, rồi vào tận TP.HCM làm phụ hồ. Vừa làm vừa học nhưng 3 năm liền học tại TT GDTX Q.Gò Vấp, Mạnh đều đạt học lực giỏi, năm nay Mạnh còn đạt giải nhất thi toán cấp thành phố và giải 3 giải toán trên máy tính Casio cấp toàn quốc.

Nguyễn Trúc Quỳnh, lớp 12A1, TT GDTX Q.Tân Phú giành giải nhì môn toán cũng có hoàn cảnh không mấy may mắn. Sinh ra trong một gia đình nghèo, bố mẹ đều làm nông, nhà đông anh em nên gia đình phải gửi em cho một người chú ở Sài thành để học tập. Không phụ lòng mong mỏi của bố mẹ và người thân, Quỳnh chú tâm vào học tập. Quỳnh chia sẻ: “Lúc dự thi, em đã được GV dành nhiều thời gian để ôn tập. Tuy nhiên, em rất lo lắng vì mình chỉ là một HV TT GDTX. Vậy nhưng, kết quả đạt được khiến em có thêm động lực để cố gắng”.

Nói đến TT GDTX, nhiều người nghĩ chỉ có những học sinh không đủ điểm vào lớp 10 công lập mới vào học. Thế nhưng thực tế rất khác, chất lượng giáo dục của trung tâm ngày càng được nâng cao nên bắt đầu thu hút cả học sinh THPT. “Hai năm trước, em là học sinh của Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền – một trường có tiếng ở thành phố nhưng chương trình phổ thông dạy rất nhiều môn. Em đã xin chuyển trường sang TT GDTX học để có thời gian ôn tập các môn sử, địa nhiều hơn vì ở trung tâm chỉ dạy 6 môn chính. Khi nghe GV phổ biến thi HV giỏi, em khá bất ngờ vì cứ nghĩ kỳ thi này chỉ dành cho học sinh THPT” (Trần Minh Thái, lớp 12T, TT GDTX Chu Văn An, đạt giải nhất môn lịch sử tâm sự).

Bài, ảnh: Dương Bình

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM: Chất lượng GDTX TP.HCM trong những năm gần đây không ngừng được nâng cao. Cách đây 5 năm chỉ có 46% HV đỗ tốt nghiệp THPT thì năm học 2013-2014 có đến 86% HV đỗ tốt nghiệp THPT (tăng 40%). Tại kỳ thi THPT quốc gia, trong tổng số 11.000 HV lớp 12 TT GDTX do Sở GD-ĐT thành phố quản lý, có đến 9.000 HV đăng ký vừa xét tốt nghiệp, vừa xét CĐ, ĐH. Điều này cho thấy HV ngày càng tự tin vào kết quả học tập của mình hơn.

 

Bình luận (0)