Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Trao đổi kinh nghiệm chuyển đổi số báo chí giữa các nước ASEAN

Tạp Chí Giáo Dục

Từ ngày 6 đến 9-12-2023, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội thảo báo chí quốc tế “Quản trị toà soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN”.


Chuyển đổi số báo chí góp phần tối ưu hóa quản trị tòa soạn, tăng các giá trị mới cho cơ quan báo chí và nền báo chí quốc gia

Hội thảo là một diễn đàn mở để thảo luận các vấn đề lý thuyết, chia sẻ, tiến trình và các gợi mở giải pháp chuyển đổi số trong báo chí truyền thông tại Việt Nam và các quốc gia thuộc khu vực ASEAN.

Ông Lê Quốc Minh – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhận định hội thảo báo chí quốc tế “Quản trị toà soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN” nhằm kết nối, trao đổi, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong chuyển đổi số báo chí giữa các nước ASEAN, góp phần gợi mở giải pháp xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số".

Hội thảo cũng hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hợp tác Liên đoàn báo chí ASEAN, phát huy vai trò quốc tế trong khối ASEAN của Hội Nhà báo Việt Nam theo tinh thần Chỉ thị số 43 -CT/TW ngày 08/4/2020 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới”; Chỉ thị số 12 -CT/TW ngày 05/01/2022 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong tình hình mới” và Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 6/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Theo ông Nguyễn Đức Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, năm 2023, hoạt động báo chí nói chung mặc dù gặp nhiều khó khăn ở nhiều vấn đề đặc biệt là kinh tế, để tổ chức một sự kiện mang tầm quốc tế, mang tầm khu vực được coi là sự kiện lớn nhất sau đại dịch Covid-19 là sự nỗ lực của các đơn vị chuyên môn trong Hội Nhà báo Việt Nam, quyết tâm của lãnh đạo Hội và được sự đồng ý ủng hộ của các quan chức năng như: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, Ban Đối ngoại Trung ương.

Hội thảo lần này có sự hiện diện của 7 đoàn nhà báo ASEAN đã thể hiện đây là một sự kiện lớn và quan trọng. Sự kết nối với các đoàn báo chí trong khu vực diễn ra rất thuận lợi, nhận được sự hưởng ứng cao, các đoàn nhà báo đều chuẩn bị các nội dung tham luận gửi tới hội thảo.

Đặc biệt, trong ASEAN có sự liên kết giữa 3 trụ cột, trụ cột về an ninh – chính trị, kinh tế và văn hoá. Trong đó, việc tổ chức hội thảo báo chí của các nước ASEAN sẽ góp phần xây dựng 3 trụ cột này đặc biệt trong trụ cột văn hoá, thông tin báo chí.

Có thể nói, các quốc gia trên toàn thế giới đang đối mặt với vô số cơ hội và thách thức khi chuyển đổi kỹ thuật số đã định hình lại mọi hoạt động của đời sống xã hội; ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và thói quen làm việc hàng ngày. Xu hướng tất yếu này thể hiện bước đột phá to lớn trong phát triển kinh tế – xã hội và con người.

Trong bối cảnh đó, báo chí truyền thông không thể đứng ngoài cuộc; chuyển đổi kỹ thuật số của phương tiện truyền thông không chỉ là vấn đề sống còn, nó là điều cần thiết cho sự sống và phát triển của các cơ quan báo chí, tổ chức truyền thông và người làm báo.

Tuy nhiên, chuyển đổi kỹ thuật số của phương tiện truyền thông cũng đối diện với nhiều thách thức.

Ông Nguyễn Đức Lợi cho rằng, khó khăn nhất vẫn là vấn đề nguồn lực. Chuyển đổi số là xu hướng, các quan báo chí trên thế giới đã bắt nhịp tương đối sớm, nhưng đối với các nước ASEAN trong một số cơ quan, đơn vị còn gặp nhiều khó khăn.

Trong đó nguồn nhân lực ở một số nước còn nhiều hạn chế, một số cơ quan báo chí còn chậm chạp, chưa nhận thức rõ được tầm quan trọng của vấn đề này.

Bên cạnh đó, vấn đề tài lực cũng là thách thức rất lớn, khi chuyển đổi số đòi hỏi phải có kinh phí, có tài chính nhưng không phải cơ quan báo chí nào trong ASEAN cũng đáp ứng được điều kiện đó.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay khi báo chí gặp phải sự cạnh tranh "khốc liệt" từ các loại hình thông tin khác, nhất là mạng xã hội, các cơ quan báo chí càng gặp khó khăn hơn trong vấn đề tìm nguồn thu để tái đầu tư vào các nền tảng công nghệ đa thiết bị và đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ người làm báo. Đồng thời, sự ủng hộ từ phía Chính phủ và Nhà nước cho các cơ quan báo chí vẫn còn chưa đồng đều ở các nước trong khu vực.

Ông Nguyễn Đức Lợi kỳ vọng thông qua hội thảo này, các nước ASEAN sẽ có chung một tầm nhận thức về sự quan trọng của chuyển đổi số trong hoạt động báo chí, là dịp quan trọng để lãnh đạo các cơ quan báo chí, lãnh đạo các tổ chức hội nhà báo ở các nước ASEAN trao đổi kinh nghiệm về thực trạng, mức độ chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí ASEAN. cũng là dịp để các đơn vị tiếp cận những kiến thức mới.

N.Trinh

 

Bình luận (0)