Báo chí và phát thanh – truyền hình là lĩnh vực đang phải chịu tác động nặng nề của sự bùng nổ công nghệ số, bởi các hoạt động truyền thông truyền thống đang dần bị mất đi thị phần và doanh thu vào tay các nền tảng xuyên biên giới. Theo đó, trong khuôn khổ hội nghị Bộ trưởng AMRI 16, các nước ASEAN đã tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số báo chí kiến tạo tri thức số” nhằm đưa ra những giải pháp phù hợp.
Các đại biểu tham gia hội thảo
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Thanh Lâm cho biết, chuyển đổi số (CĐS) đã cách mạng hóa cách chúng ta sống, làm việc và tương tác với nhau. Trên toàn cầu, các quốc gia đang phải đối mặt với vô số cơ hội và thách thức khi CĐS định hình lại mọi khía cạnh của xã hội, ảnh hưởng đến cuộc sống và thói quen làm việc hàng ngày của mọi người. Xu hướng tất yếu này thể hiện một bước đột phá to lớn trong phát triển kinh tế, xã hội và con người. Trong bối cảnh đó, ngành truyền thông không thể đứng ngoài cuộc.
“Việc chuyển đổi kỹ thuật số của phương tiện truyền thông không chỉ đơn thuần là vấn đề sống còn, mà là điều cần thiết cho sức sống của ngành. Các phương tiện truyền thông không được quên sứ mệnh cao cả của mình – cung cấp sự thật chính xác và phân tích có ý nghĩa, bảo vệ công chúng khỏi bị lừa bởi tin tức giả và thông tin sai lệch”, ông Lâm nhấn mạnh.
Cũng theo ông Lâm, trong kỷ nguyên mới này, vai trò và sứ mệnh của truyền thông vượt ra ngoài việc phổ biến thông tin đơn thuần. Đó là khai thác thông tin như một động lực phát triển, chuyển đổi từ thông tin sang kiến thức, từ đó tăng thêm giá trị cho xã hội; đồng thời xây dựng một ASEAN kiên cường và chủ động thích ứng. Hành động và khả năng thích ứng của chúng ta sẽ định hình những năm tới, không chỉ ảnh hưởng đến bối cảnh truyền thông mà còn đến sự phát triển của các quốc gia và sinh kế của người dân”.
Theo sáng kiến của Việt Nam, lần đầu tiên các nước thành viên ASEAN cùng nhau chia sẻ, thảo luận về chủ đề CĐS trong truyền thông. Hội thảo nhằm mục đích tạo ra một nền tảng trao đổi mở để chia sẻ tình hình, tiến trình hoạch định chính sách và các phương pháp tốt nhất để chuyển đổi kỹ thuật số trong truyền thông. Đây sẽ là nền tảng cho việc tiếp tục thảo luận, đề xuất các sáng kiến, ưu tiên hợp tác trong thời gian tới.
Bà Ling Muang Pan – Myanmar – cho rằng, kế hoạch phát triển truyền thông trong lĩnh vực báo chí cần xây dựng một chiến lược quy hoạch tổng thể mới, trong đó sứ mệnh tầm nhìn chiến lược trong tương lai và kế hoạch hành động dài hạn, cơ sở hạ tầng kỹ thuật cần thiết dài hạn, các kế hoạch truyền thông được soạn thảo chi tiết. Định hướng CĐS đã được Myanmar đưa đến công chúng, trong đó tất cả các nền tảng truyền thông được phát triển dựa trên cơ chế chính sách phát triển bền vững, hài hòa giữa các lĩnh vực chung, đảm bảo cộng đồng được hưởng lợi, gắn CĐS với kinh tế số. Chiến lược CĐS và kế hoạch số hóa được đưa ra với mục tiêu rõ ràng nhằm đạt được những kết quả đặt ra, đảm bảo các kênh phát thanh truyền hình được đưa lên trên các nền tảng số. Những sáng kiến Malaysia đã áp dụng có thể chia sẻ ở đây là các chương trình cung cấp kiến thức về CĐS, kinh tế số, nền tảng số… nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Đại diện Bộ Thông tin Indonesia cũng cho biết: “Chúng tôi có hệ thống luật pháp về truyền thông số, luật về báo chí và báo chí số; các căn cứ điều chỉnh nội dung về quản lý tài khoản số của cơ quan báo chí… Từ đó đưa ra các chính sách hỗ trợ và phát triển hệ thống báo chí có chất lượng cao cũng như bảo vệ, đảm bảo các vấn đề về bản quyền, sở hữu trí tuệ nhằm tạo nên sự phát triển mạnh mẽ cho cơ quan báo chí truyền thông. Indonesia đã xây dựng và hoàn thiện các bộ luật, tiêu chuẩn phát triển cơ quan truyền thông số, từ đó tạo dựng sự phát triển cân bằng cho các nền tảng truyền thông, báo chí…”.
Ngoài ra, các đại biểu cũng thảo luận về những chính sách quản lý và thúc đẩy CĐS báo chí – truyền thông; giới thiệu cách làm hay, mô hình thành công trong việc CĐS của các cơ quan báo chí Việt Nam và các nước ASEAN…
Vĩnh Phan
Bình luận (0)